Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Thế nào là thoát khỏi Luân hồi Sinh tử trong Phật giáo? (4)

Thứ hai - 27/03/2017 06:21
(Bài 4)
Thế nào là thoát khỏi luân hồi sinh tử trong Đạo Phật?

 
       Nếu bạn sinh ra trong gia đình giàu có, thế thì bạn cũng không hạnh phúc, vì bạn sẽ không nghĩ rằng giàu có sẽ đem lại hạnh phúc. Nếu bạn sinh ra trong gia đình nghèo đói, tất nhiên làm sao bạn có thể hạnh phúc được? Nếu bạn mạnh khỏe bạn sẽ không hạnh phúc, bởi nếu bạn mạnh khỏe bạn chẳng bao giờ nghĩ đến sức khỏe như là thứ gì đó khiến bạn hạnh phúc… Nhìn vào sự logic của tâm trí thì bất cứ thứ gì chúng ta cảm thấy đều ẩn chứa sự đau khổ trong đó, Sinh nghĩa là sống, sống đồng nghĩa với khổ đau phiền não. Nhưng nếu sống mà thoát khỏi khổ đau phiền não, không còn khổ đau phiền não nữa, nghĩa là bạn đã thoát khỏi nó, bạn đã Thoát Sinh.
 
 


       Trong cuộc sống đời thường nếu có một lý do nào đó làm bạn vui mừng. Bạn gặp được một người đàn bà đẹp và bạn thấy vui mừng hay bạn được món tiền mà bạn đang cần thì bạn cũng vui mừng, hay bạn mua được ngôi nhà có vườn đẹp và bạn vui mừng, những niềm vui đó không thể kéo dài lâu được.
Nếu niềm vui của bạn do một cái gì đó gây ra thì rồi nó cũng sẽ biến mất, nó sẽ chỉ trong chốc lát. Nó sẽ sớm rời bỏ bạn trong nỗi buồn sâu xa; mọi niềm vui đều sẽ rời bỏ bạn trong nỗi buồn.
     Nhưng có một loại niềm vui khác với dấu hiệu xác nhận: bạn bỗng nhiên vui mừng mà chẳng vì nguyên cớ nào cà. Bạn không thể chỉ ra tại sao được. Nếu ai hỏi “Sao bạn lại vui thế?”. Bạn không thể trả lời được. Tôi không thể trả lời được tại sao tôi lại vui mừng. Chẳng có lý do nào cả. Nó chỉ đơn thuần như thế. Lúc đó niềm vui mừng này không thể nào bị phá rối. Bây giờ cho dù bất cứ chuyện gì xẩy ra niềm vui mừng đó cũng sẽ tiếp tục. Nó có đó, ngày đến, ngày đi. Bạn có thể trẻ, có thể già, bạn có thể sống, bạn có thể đang chết – niềm vui mừng bao giờ cũng có nơi tâm bạn. Khi bạn đã tìm thấy một niềm vui nào đó mà nó thường xuyên tồn tại – hoàn cảnh thay đổi nhưng nó vẫn tồn tại – thế thì bạn chắc chắn đã đến gần hơn với Phật tính, với sự Giác ngộ. Niềm vui mừng mà bạn có được đó không phải do hoàn cảnh đem lại, mà do tâm bạn không còn vướng mắc với những cảm xúc ở đời nữa, bạn đã đoạn được tham, sân, si. Lúc đó bạn thật sự sống.

       Bản chất của cuộc sống là bất ổn. Khi tìm cách bảo vệ, khi cầu mong sự an toàn có nghĩa là bạn đang hủy hoại cuộc sống của chính mình. Chỉ khi bạn yêu được cái sự bất ổn đó, hạnh phúc được với cái sự bất ổn đó, lúc đó bạn mới thực sự hạnh phúc. Chấp nhận rằng con người và mỗi sinh linh tồn tại trên cõi đời này đều mong manh, rằng cuộc sống là một sợi chỉ mỏng có thể đứt rời bất cứ lúc nào… Chỉ khi chấp nhận điều đó và từ bỏ những ham muốn cá nhân, bạn sẽ đơn giản hiểu rằng mỗi cá thể , mỗi sự vật hiện tượng đều trở nên tuyệt đẹp trong vẻ bình dị vốn có của nó. Mọi thứ đều có thể mất đi, không có gì là mãi mãi, và đó chính là lý do khiến mọi thứ trở nên thật xinh đẹp.
       Bông hoa xinh đẹp nhờ vẻ mỏng manh, yếu đuối của nó. Khi bình minh lên, những cánh hoa nở ra chào đón ánh mặt trời, nhảy múa rung rinh trong mưa, trong gió, và khi màn đêm buông xuống, những cánh hoa đó bắt đầu rơi rụng, lìa bỏ sự sống. Mọi thứ xinh đẹp, quý giá đều chỉ tồn tại trong chốc lát. Nhưng bạn lại muốn chúng kéo dài mãi mãi?? Những người làm vườn đều cho rằng sự chóng tàn của những bông hoa đã khiến chúng có giá trị. Vẻ đẹp của khu vườn phụ thuộc tính luôn thay đổi, ở những màu sắc tươi đẹp và đa hình dạng. Vẻ đẹp của cuộc đời cũng nằm trong sự chuyển động không ngừng của nó. Chúng ta có thể bước vào một cuộc đời đẹp đẽ này giữa những cái đang nảy sinh và những cái đang lụi tàn, giữa sự sống và cái chết. Con người sẽ hạnh phúc nếu  sống cởi mở, cho phép mọi thứ xảy ra, bất cứ thứ gì xảy ra và cảm thấy biết ơn vì điều đó. Lúc đó bạn thực sự sống, bạn hạnh phúc và bạn đang đến gần với sự Giác ngộ, giải thoát.
 
      Có một sự khác biệt giữa tồn tại và sống. Tồn tại chỉ là trạng thái kéo dài từ lúc lọt lòng cho đến lúc chết, luôn có nỗi sợ khi nào cái chết sẽ đến. Và tai họa lớn nhất xảy ra cho tâm trí con người là ở chỗ nó chống lại cái chết. Chống lại cái chết cũng có nghĩa là bạn sẽ bỏ lỡ bản thân cuộc sống – vì chúng gắn bó sâu sắc với nhau: chúng không phải là hai. Con người không thể sống mà không chết. Cuộc sống là sự trưởng thành, cái chết là sự nở hoa của nó. Cuộc hành trình và mục tiêu là không tách rời – cuộc hành trình kết thúc trong mục tiêu.
      Nỗi sợ đến bởi vì bạn chưa thực sự sống, cho nên bạn sợ - “Mình vẫn chưa hạnh phúc, mình vẫn chưa hết nghèo, vẫn chưa giàu sang, con cái mình vẫn chưa trưởng thành, mọi cảm xúc mong muốn của bạn đều chưa được thỏa mãn… và nếu cái chết xảy ra thì sao đây? Chưa hoàn tất, chưa được sống, mà tôi sẽ chết sao?”. Nỗi sợ về cái chết chỉ đến với những người còn chưa thực sự sống. Nếu bạn sống động, bạn giác ngộ, bạn sẽ đón mừng cái chết. Trong khoảng không gian giữa cái nôi và nấm mồ, sao phải sợ hãi? Cái chết là không thể tránh khỏi và bạn không có gì để mất. Bạn đến với thế giới này một cách “trần trụi”. Nỗi lo sợ của bạn chỉ là những thứ được hình thành từ suy nghĩ. Bạn luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ về cái chết, nghĩa là bạn đang ở trong nó. Nếu bạn không còn sợ nữa, bạn vẫn thấy bình an nếu nó xảy ra, và sẽ xảy ra, vậy thì bạn đã thoát khỏi nó. Đó chính là bạn đã Thoát Tử.
 
 


       Bậc Giác Ngộ là người ý thức được rằng cái Thân người có được ước chừng trăm năm, sự đời tất yếu có sinh thì có diệt, nên cuộc sống của họ không chiều theo Mắt mà nuối tiếc, không chiều theo Tai để giận hờn… Nhờ ý thức rằng tất cả chỉ là Duyên, duyên hợp thì vật sẽ thành, hết duyên thì vật tan rã, nên họ không tranh giành, níu kéo, nuối tiếc. Chỉ sống một cách vừa phải, làm tròn trách nhiệm của kiếp sống như mọi người trong xã hội. Khi cái thân hết duyên, hết Nghiệp mà chết đi, thì họ biết rằng đó là sự tan rã tất yếu của  nó. Cái biết của họ không chết. Họ không vì nó mà khổ đau, không vì nó mà oán thán.
      Sinh nghĩa là sống, dân gian thường cho rằng con người đến với cuộc đời này là khổ, người khổ vì thiếu thốn vật chất, kẻ khổ vì tinh thần, người khổ vì cuộc đời không như ý, kẻ khổ vì được mất hơn thua… Người giác ngộ thì đã thoát khỏi, không còn phụ thuộc vào những cảm xúc do đời sống mang lại nữa, đó là Thoát Sinh. Khi họ chết, lúc cái Thân tan rã, họ biết đó là lúc nó hết Nghiệp, không phải cái biết của họ Chết, nên họ không đau khổ, không lo sợ, tiếc nuối, nghĩa là họ thoát khỏi, không phụ thuộc vào cảm xúc của cái chết chi phối nữa cho nên gọi là Thoát Tử.
 
       Cái “Thoát” đó có nghĩa là vẫn ở trong cảnh đó mà không phụ thuộc, không bị ràng buộc, không bị ảnh hưởng, không dính mắc, không khổ não, chứ không phải là ra ngoài cảnh đó. Cũng giống như bông hoa sen tuyệt đẹp, vẫn sống trong bùn, không ra khỏi bùn lầy mà không nhiễm mùi bùn. Đức Thích Ca ngày xưa cũng vẫn Sống trong cái thân giả tạm. Nhưng Ngài không để cho nó làm chủ, không để cho mình phụ thuộc nó, mà thoát khỏi cảm xúc của nó, điều khiển được nó. Nên Ngài Thoát Sinh. Cái Thân của Ngài vẫn Chết, nhưng vì Ngài không trụ vào cái Thân hư thối, không bị cảm xúc tiêu cực của cái chết làm ảnh hưởng nên Ngài thoát tử.
 
       Trong bài “Phật là gì?”, “Thế nào là Thành Phật?”, bạn hiểu Đức Phật đã nói rõ trong chính kinh rằng, thành phật nghĩa là đạt được giác ngộ, giải thoát nơi tâm mình. Giác ngộ là hiểu biết sâu sắc, giải thoát là không còn phụ thuộc vào những cảm xúc do đời sống mang lại. Những nỗi khổ trong đời sống (Sinh) là những cảm xúc, sợ chết (Tử), bị ám ảnh bởi khổ đau của sự chết là cảm xúc. Một người giải thoát tức là đã thoát khỏi việc phụ thuộc vào những cảm xúc này, không vì nó mà đánh mất đi sự an ổn, thanh tịnh nơi tâm mình. Đó chính là Thoát khỏi Sinh Tử mà Đức Phật Thích Ca muốn nói đến.
       Tất cả cũng đều do cái tâm con người bị dính mắc vào hoàn cảnh mà ra, khi ta làm chủ được cái tâm thì không còn phụ thuộc vào cảm xúc nữa. Đức Phật đã giải thích rất rõ điều này: "Các vị còn trong phàm phu địa, không Quán Tự Tâm nên phải trôi giạt trong bể sinh tử. Chư Phật, Bồ Tát vì Quán được Tâm, nên thoát được bể sinh tử, đến bờ Niết Bàn" (Kinh Tâm Địa Quán: tr. 61).

       Trong nghĩa tiếng Hán “luân” là chuyển, chuyển động, “hồi” là quay lại, trở lại. Một người chứng ngộ chân lý thì Tâm họ luôn an trú trong an lạc, thanh bình và yên ổn. Luôn quán được tâm, làm chủ được cái tâm của mình. Cảm xúc phiền não về sống và chết sẽ không còn quay lại (luân hồi) nơi tâm của họ, không bao giờ còn khởi lên trong tâm họ nữa, bởi thế nên nói họ đã thoát khỏi Luân Hồi Sinh Tử.
       
 
 
       Còn cách giải nghĩa “thoát khỏi luân hồi sinh tử” rằng: thành Phật rồi thì không còn phải đầu thai sinh ra làm người nữa là thoát sinh. Được đến sống ở một cõi vĩnh hằng sung sướng nào đó và không bao giờ chết nữa là thoát tử. Không phải sinh ra nhiều lần và không phải chết đi nhiều lần nữa gọi là thoát khỏi luân hồi sinh tử?. Đó chỉ là cách giải thích của hàng mê tín, đọc kinh mà không hiểu nghĩa mà thôi, điều đó chứng tỏ việc tu hành của họ cũng sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Không hiểu rồi giảng đạo sai, làm cho biết bao nhiêu người khác cũng không hiểu được bản chất của sự thật. Mà khi không hiểu đúng, không thực hành đúng sao có thể đem lại kết quả đúng? Tu hành, theo Đạo, mà không chuyển được khổ đau, phiền não thành an vui, tự tại là đã nhầm đường , mọi công sức đều trở nên uổng phí.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây