(Bài 6 )
Nên tu theo Phật hay cầu xin được Phật gia hộ giúp đỡ?
Hiểu một cách dân giã, Đạo nghĩa là đường, “Theo đạo” nghĩa là đi theo con đường mà người khác đã đi, dã tìm ra. Trong Phật giáo thì đó chính là con đường mà Đức Phật Thích ca đã đi, đã tìm ra và đã chỉ dẫn lại cho người khác. Còn việc tự mình mở đường khác, hay không muốn đi mà mong vẫn đến lại là chuyện khác.
Không đọc kỹ Kinh, không đủ trí tuệ để phân biệt, nên người ta thường dễ hiểu sai về Phật. Bởi vậy mà ngày nay người tu Phật, theo Đạo Phật cũng có hai hạng. Hoặc xem Phật là Thần Linh để tôn thờ, để cầu được ban ơn, được cứu độ. Hoặc sẽ thực hành theo những gì mà giáo lý của Ngài đã dạy rồi tự mình thực hành để có thể thành tựu được như Ngài. Hai kiểu theo Đạo Phật này chúng ta tạm chia là “Người tu theo Phật” và “Người cầu được Phật ban cho”. Lão sẽ nói thêm một chút về hai khái niệm này để bạn hiểu được rõ hơn:
Người tu theo Phật:
Người tu theo Phật phải là người có khả năng đọc hiểu được kinh sách (LUẬN), hiểu rõ những lời dạy của đấng Như Lai một cách đúng đắn. Nếu không cũng sẽ đi nhầm đường và chẳng bao giờ tới đích. Không đi thì không đến, nhưng đi mà không đến đâu thì cũng chẳng khác gì nhau cả. Vì thế trong Đạo Phật đã đặt trí tuệ lên hàng đầu, còn gọi là Tri kiến hay Trí Bát Nhã.
Trong kinh Tứ diệu đế, Đức Phật đã chỉ rõ nguồn gốc xuất phát của mọi khổ đau, phiền não đều ở cái Tâm, đều do cái tâm mà ra. Con người quen sống với được, mất, hơn, thua, có, không, sống, chết… của những gì mắt thấy, tai nghe, thân va chạm, ý thích… Từ đó hình thành nên những cảm xúc khổ, vui, giận dữ, buồn phiền, lo âu, uất hận… Khiến con người ta luôn cảm thấy bất an, khổ sở vì những cảm xúc đó. Tức là khổ do cái Tâm của mình bị tác động, bị dính mắc, bị phụ thuộc vào hoàn cảnh, vào mọi sự vật, hiện tượng mà ra.
Kinh Duy Ma Cật viết: "Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh". Tâm rỗng rang, thanh tịnh, an vui đó là Phật, Tâm ngổn ngang phiền não là chúng sinh. Đạo Phật, con đường giác ngộ, là để giúp cho tâm mình thoát khỏi, giải thoát, không còn bị cảm xúc chi phối nữa, hết khổ là an vui, là tự tại, là thành Phật, chính là Niết bàn.
Tu là sửa, hành là thực hiện. Cái tâm thì ở trong mỗi con người, tâm của ai thì ở trong cơ thể người đó, vì thế người này không thể làm thay hay làm giúp, sửa đổi giúp cho cái tâm của người khác được. Mỗi người cần ý thức lấy để tự cải tạo, tự thanh lọc lấy mình, vì thế mà tu theo Đạo Phật gọi là Tu Tâm. Là con đường tự mình thoát khổ. Là mình tự độ cho mình. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng nói rõ: “Muốn thấy Phật phải ngó vào trong Tánh mình mà tìm, đứng ngó ra ngoài thân mà kiếm. Tánh mình mê tức là chúng sanh. Tánh mình giác tức là Phật”.
Nhiều người tu Phật, theo Đạo Phật đã không biết nên làm thế nào? Không biết nên bắt đầu từ đâu? Là vì họ không hiểu được mục đích của công việc tu hành, không hiểu Tu Phật chỉ là để "độ khổ" hay "trừ phiền não" cho bản thân, vì thế mà cũng không biết rằng khổ hay phiền não đều do Tâm đem lại. Cái Tâm mà Đức Thích Ca cho là quan trọng nhất, là đầu mối của những dính mắc, mê lầm, đó chính là tư tưởng của chúng ta. Những tư tưởng này, dựa trên căn bản cái Thân khi tiếp xúc với các pháp (hoàn cảnh, sự vật, hiện tượng) mà nảy sinh ra. Con đường tu hành với những thiện tín sẽ trở nên cam go, nếu không hiểu thế nào là Phật, là Đạo. Khi được hướng dẫn sai sẽ uổng phí cuộc đời mà chẳng đạt được gì, lại còn bị che mắt, dối gạt rằng cần phải tu nhiều đời, nhiều kiếp mới thành. Nhưng thật ra, chỉ cần hiểu rõ rồi theo hướng dẫn của một quyển chính kinh, như Kinh Lăng Nghiêm chẳng hạn, ta thấy Phật dạy thật đơn giản:
"Ông nay muốn đặng đạo Vô thượng Bồ Đề, thì điều cần thứ nhứt là phải hiểu hai món căn bản:
1/- Căn bản của Sinh tử là Vọng Tâm"
2/-Căn bản của Bồ Đề Niết Bàn là Chân Tâm".
Sau khi biết được hai thứ, biết là phải Phản Vọng, Qui Chân rồi, nhưng không biết phải làm như thế nào thì ta lại thấy Phật dạy cho Ngài Anan như sau:
"Ông hỏi phương tiện tu hành để độ chúng sanh trầm luân đời sau, vậy ông nên chú ý, ta sẽ vì các ông chỉ dạy: "Này Anan, Ông đã thường nghe ta dạy, tu hành quyết định phải đủ 3 điều:
1/- Dùng Giới luật nhiếp phục Tự Tâm.
2/- Nhơn Giới Tâm mới sinh Định.
3/- Nhơn Định, Tâm phát Huệ. (Kinh Lăng Nghiêm)
Hiểu đơn giản có nghĩa là: Tuân theo giới luật quy định của giáo lý Đạo Phật đã đề ra để Tâm không dao động bởi ngoại cảnh. Khi tâm đoạn tuyệt với những ham muốn, dính mắc ở đời thì sẽ an nhiên tự tại (sinh Định). Tâm định (không còn dao động, thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảm xúc) sẽ trở nên sáng suốt, dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc (phát Huệ). Nói ngắn gọn lại là Giới, Định, Huệ. Con Đường tu hành có thể nói không ngoài ba chữ đó. “Giữ giới” mới “sinh Định”, sinh Định mới “phát Huệ”(Giác ngộ). Đó chính là bản chất, là sự thật, là căn bản, là nội dung, là con đường chân chính của Đạo Phật. Không có con đường nào khác, có chăng chỉ là do giới ngoại đạo vẽ ra nhằm đạt mục lường gạt người khác mà thôi.
Một người tu hành đúng chánh pháp là người đi đúng con đường mà Đức Phật Thích Ca đã tìm ra, theo sự chỉ dạy của Ngài để có thể thành tựu tự mình thoát khổ, giác ngộ được như Ngài.
Người thờ cúng Phật và cầu được Phật ban cho:
Một cách mặc nhiên, bây giờ một số người theo Đạo Phật, đi theo hướng thờ phụng, hay cầu xin Phật cũng đang được coi là một pháp tu. Tất nhiên không phải do họ tự biết, tự làm mà do được một số vị sư hướng dẫn cho. Theo lão thì đó không phải là một pháp tu, vì tu dịch nghĩa là sửa, sửa ở đây có nghĩa là tự mình sửa đổi tâm tính, bản thân mình. Việc cầu xin được Phật gia hộ, giúp đỡ và việc tự mình tu sửa thân tâm là hai chuyện khác nhau cả về nghĩa và về thực tế.
Vì sao Đạo Phật lại có nhánh phát triển thành tâm linh mầu nhiệm? Hào quang của Phật chiếu sáng đến đâu thì khổ đau biến mất ở đó?… Vì sao người tu hành hay Phật tử khi đi theo hướng này, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật, cầu mong, lại có được những kết quả nhất định? Lão sẽ giải thích rõ ở bài “Đức Phật A di đà và Tây Phương cực lạc có thật hay không?”. Còn trong giới hạn của bài viết này, lão muốn bạn hiểu rõ bản chất thật của Đạo Phật.
Trong chính kinh ta thấy Đức Phật đã nói rõ: "Ta không thể trực tiếp làm cho ai trong sạch hay ô nhiễm ". – (kinh Pháp Cú câu 165).
Đức Phật chưa hề tự nhận mình là Người cứu độ, là Đấng cứu thế, có quyền năng cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rỗi của mình. Bởi người tự mình giải thoát được cũng không thể “Độ” được cho ai khác. Bằng chứng là con ruột của Đức Phật Thích Ca là La Hầu La, và em ruột là Ngài Anan cũng phải tự mình tu hành để thoát khổ. Rồi các chư tổ và mọi người về sau cũng thế, nên Đạo Phật gọi là đạo “Tự độ”. Nếu Phật đã “Độ tha” được thì còn bắt em là Ngài Anan và con là La Hầu La phải phải tu tâm sửa tính làm gì!.
Tu Phật là Tu Tâm thì tụng kinh, niệm phật, cạo đầu, đắp y, chùa to, phật lớn… chẳng qua chỉ là phương tiện, cũng chỉ là những hình thức kỉnh mộ bên ngoài mà thôi. Tu Phật, hay theo Đạo Phật là để thực hiện lời thọ ký của Đức Phật Thích Ca: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa).
Học hỏi để hiểu biết, hiểu biết để thực hành, thực hành là để tự mình giúp mình thoát khổ. Căn bản của Đạo Phật chỉ có vậy mà thôi. Đó là một tôn giáo dựa trên nền tảng đạo đức nhân bản, nhân quả, một cách khoa học. Không phải là một tôn giáo dẫn dắt con người đi vào con đường mê tín, thờ cúng, hoặc không rõ ràng, mà ngược lại, Đạo Phật có những phương pháp hướng dẫn hợp lý và thực tế, để giúp người đời noi theo, tự mình hành trì, tự mình thực hiện từ đó mà tự mình thoát khổ, đạt được an vui.
Biết rằng tu Phật là tự độ thì không nhờ Đức Phật cứu rỗi, mà chỉ xem Đức Phật như là tấm gương để học theo, hành theo. Kinh sách là bản đồ, là di chúc, để nương theo đó mà thực hiện.
Với những ai chỉ biết tôn thờ, xây chùa to, phật lớn, vọng tưởng bên ngoài để mong cầu được cứu độ, thì trong chính kinh, Đức Phật cũng đã có lời phê phán, chỉ rõ: "Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị Nhân Hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai!" (Kinh Kim Cang).
Dịch nghĩa là: "Ai nương sắc để thấy ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó đang hành tà đạo. Không thấy được Như Lai".
Đức Phật không ban phúc cũng chẳng giáng họa cho ai. Không giúp người tốt cũng chẳng trừng phạt kẻ xấu. Ngài chỉ là người chỉ ra con đường đem đến hạnh phúc an vui, ai thực hiện sẽ đạt được, không thực hiện thì không đạt được. Nhân quả là nội dung chính trong giáo lý của Ngài, dựa trên nền tảng đạo đức nhân bản, con người sống nhân nghĩa sẽ được đời thương, ăn ở bất lương thì ai cũng ghét. Nếu chỉ vì bạn cầu xin mà Ngài gia hộ, giúp đỡ thì Ngài đã tự mình phá bỏ, làm ngược lại những gì mà Ngài đã chỉ dạy. Cuộc đời này sẽ không còn sự công bằng, văn minh nữa và Đạo Phật cũng sẽ không còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngài chỉ là người chỉ ra cho ta con đường và phương pháp, mà thực hành theo đó ta có thể tự mình giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của đời thường.
Đi trên con đường và theo đúng phương pháp, là phần của người theo đạo chân chính muốn thoát khỏi những bất hạnh của đời sống. Một người làm được thì trước hết bản thân họ, gia đình, anh em, bè bạn và người chung quanh cũng được nhờ. Cứ thế nhân lên thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp, cuộc sống hiện tại của người thực hành sẽ trở nên thanh bình, an vui, gọi là Niết bàn tại thế.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…