Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Thiền - Năng lượng chữa bệnh (1)

Thứ năm - 19/11/2015 15:54

Kỳ 1: Thiền là gì?
 
      Nếu bạn vào Google và gõ câu hỏi Thiền là gì? Thì thôi rồi, bạn sẽ lạc vào cơ man nào  những sự giải thích, trùng điệp như sóng, lớp sau xô lớp trước... đem lại cho bạn một mớ những sự rối rắm, khó hiểu. Một sự cao siêu được diễn tả bởi những bộ óc tưởng chừng như thông thái. Khiến cho Thiền, một thứ vốn tự nhiên đã trở nên khó hiểu và phức tạp. Mà đôi khi sự khó hiểu đó không phải nằm ở bản chất vấn để, bản chất của Thiền, mà lại do người giải thích tạo ra. Người ta cứ nói Thiền là không thể diễn đạt, là không thể nghĩ bàn, bất khả tư nghì, tri giả bất ngôn...  Lạ nhỉ, cứ nói, cứ viết tràng giang đại hải, người ta cứ phải đọc, phải nghe mãi, in thành sách bán lấy tiền rồi cuối cùng lại kết luận biết thì không thể nói được, không thể diễn đạt... đi đứng nằm ngồi cũng có thể là thiền, thiền có thể là mọi lúc, mọi nơi, là kết già nhập định, là siêu tâm thức... phải chăng là họ đang chơi khăm chúng ta?
 
 
(“Mãi đi về phía mặt trời – Bẵng quên cái bóng rối bời sau ta)
 
      Vậy là khi chưa tìm hiểu, chúng ta chưa biết thế nào là Thiền. Nhưng khi tìm hiểu rồi chúng ta lại thấy Thiền trở thành một... nỗi băn khoăn. Và rồi cuối cùng ta cũng chẳng thể hiểu thế nào là Thiền, chẳng phân biệt được đâu là Thiền định, thế nào là Thiền quán, Thiền minh sát, Thiền tông, Thiền Đông Độ, Thiền đốn ngộ, hay Thiền của Phật giáo..vv...
 
     Nếu là một Thiền sư thực sự có trải nghiệm về Thiền thì họ sẽ dùng lời lẽ bình dị, mộc mạc để cho ta hiểu, cũng như thời Đức Phật tại thế Ngài đã dùng ngôn ngữ của giới bình dân để nói về Thiền. Nhưng những người như thế, các ngài lại đi đâu hết, hiếm khi lên mạng, hiếm khi viết. Không có duyên khó gặp được thầy tu là bởi vậy, chỉ gặp toàn thầy chùa với thầy tụng mà thôi.
 
      Và cũng không biết từ khi nào, ai đó đã từng nói với ta, hay tự ta nghĩ thế. Thiền là một cái gì đó không bình thường, không phải là thứ  phổ biến trong đời sống, là trọc đầu, là áo nâu trầm mặc... Vô tình điều đó cũng trở thành một chướng ngại khiến ta khó có thể biết thế nào là Thiền. Chỉ đến khi nào đó, có thể là do bệnh tật, do gặp phải nhiều biến cố, do cuộc đời không may mắn, chúng ta mới chợt nghĩ, mới thử tìm đến Thiền như một giải pháp. Một giải pháp mà lúc đầu ta cũng nghĩ là siêu hình, siêu tưởng…  Nhưng rồi đến đâu? Gặp ai? Liệu Thiền có hợp với mình không? Làm thế nào để có thể Thiền được? Mãi vẫn cứ là một câu hỏi không lời đáp.
 
      Không phải thế, và cũng không nên như thế. Sự thực, Thiền không phải là chỉ dành cho một số người, một nhóm người, hay một trường phái nào đó. Bởi Thiền luôn có ích cho tất cả mọi người.
 
     Bản chất của Thiền không phải là một tôn giáo, nó là một khoa học. Nhiều ngàn năm trước khi Phật giáo ra đời thì đã có Thiền. Thiền là một phương tiện hữu hiệu mà nhiều tôn giáo, nhiều phương pháp tập luyện đã sử dụng để nhằm đạt được mục đích và nhiều sự tốt đẹp.
     Thiền chẳng phải là cửa Phật, là tu hành, là của một tông phái hay pháp môn nào cả, và cũng chẳng phải là một sự huyền bí nào đó.
    Thiền là một khoa học về cơ thể con người, là cánh cửa mà khi mở ra chúng ta có thể bước vào bên trong bản thân, bước vào thế giới nội tâm của mình.
    Thế giới bên trong, bên trong cơ thể chúng ta không chỉ là bộ xương, bộ xương thì chẳng nói lên điều gì. Còn có Tâm trí với những cảm xúc buồn, vui, yêu, ghét... Còn có Nội tâm để cảm nhận cuộc đời bình an hay bất an, hạnh phúc hay bất hạnh. Còn có những mạch nguồn tươi trẻ bất tận không ngừng. Có những khả năng diệu kỳ và những điều huyền bí tiềm ẩn chưa được đánh thức.
 
 
(Đời thì rộng, mơ thì xa – Không ta mướp vẫn nở hoa đúng mùa)
 
 
      Nhiều năm qua, chúng ta đã sống với suy nghĩ rằng, những niềm vui, hay nỗi buồn, yêu thương hay giận dữ đều do cuộc sống mang lại. Điều này hoàn toàn sai. Những cảm xúc, tình cảm của con người chẳng bao giờ đến từ bên ngoài, mà nó đến từ bên trong. Chính bản thân chúng ta đã tạo nên những cảm xúc đó cho mình. Để rồi trong cuộc hành trình của một người kiếm tìm hạnh phúc chúng ta đã đi sai hướng.
     Người nam nghĩ rằng niềm vui có thể đến từ nơi quán xá, từ những cuộc vui chơi tưởng chừng như bất tận. Người nữ nghĩ rằng hạnh phúc đến khi có một tình yêu, niềm vui có khi tụ họp bạn bè... Và cũng có người nghĩ rằng danh vọng tiền tài có thể đem lại niềm vui, hạnh phúc. Nhưng rồi khi cuộc nhậu tàn canh, những cuộc gặp gỡ kết thúc, tình yêu ít đi, danh vọng không còn, hoặc những sự việc đem đến niềm vui đã trôi qua, thì ngay lập tức chúng ta lại quay trở về với túp lều và cái máng sứt mẻ của mình. Cơ thể vẫn bệnh tật, tư tưởng vẫn muộn phiền và cuộc đời vẫn không như ý muốn.
     Đó chỉ là những thú vui, hạnh phúc nhất thời, bất chợt mà thôi, do hoàn cảnh mang lại, nên khi hoàn cảnh thay đổi thì chúng sẽ thay đổi, chúng đến từ bên ngoài mà không phải từ bên trong. Đó không phải là phúc lạc vô biên và hạnh phúc vĩnh cữu, là đích đến của một người trên hành trình tìm kiếm.
 
      Cuộc đời mỗi con người trung bình khoảng 70 năm, không dài cũng không ngắn. Nhưng chúng ta đã mất khoảng 1/3 quỹ thời gian đó cho việc ngủ, cũng mất chừng ấy thời gian cho công việc, mất khoảng 10 năm cho việc ăn uống, hoạt động cá nhân; Mất khoảng 15 năm cho việc chạy theo những cảm xúc vui buồn, thất vọng, lo toan đến từ cuộc sống, mất 5 năm cho phim Hàn quốc và những giải trí trên truyền hình..vv... Ta chẳng còn chút thời gian nào cho bản thân mình cả.
     Có người nói rằng trong suốt 70 năm đó, nếu chúng ta dành được khoảng 7 phút cho bản thân mình thôi thì chúng ta đã trở nên một hiền giả. Nếu chúng ta có những phút giây, mà những phút giây đó không phải dành cho việc ngủ, không dành cho công việc, không dành cho những muộn phiền và lo toan, không dành cho suy nghĩ hay chạy theo những cảm xúc, không dành cho ngày mai hay quá khứ, mà có thể dành cho bản thân mình. Những thời  khắc mà cơ thể có thể tận hưởng niềm vui sướng, sự thảnh thơi thấm sâu trong tận tế bào, sự yên bình sâu sắc đến từ trong nội tại. Chỉ 7 phút thôi chúng ta đã trở thành một hiền giả, thật vậy chăng?
    Thiền sẽ giúp chúng ta làm được điều đó, Thiền giúp chúng ta trở về với chính mình. Thiền giúp chúng ta dành lại thời gian cho cơ thể, cuộc sống cho bản thân, và những niềm vui, hạnh phúc bất tận đến từ bên trong.
 
    Thiền sẽ làm cho tâm bình, trí huệ, thân thể khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được sự an vui, yên bình trong một đời sống nhiều hạnh phúc. Cho dù đó là đời sống của một tu sĩ, một nông phu, một doanh gia, hay một thường dân áo vải.
 
    Bất cứ một môn phái nào, tôn giáo nào muốn đạt được sự đổi thay của cơ thể, những sự màu nhiệm và những điều huyền diệu mà cơ thể con người có thể đạt tới, thì không thể không dùng đến môn khoa học về thân thể, về nội tâm và đó chính là Thiền.
 
     Bởi vậy ngày nay hầu như chúng ta bắt gặp, cho dù ở phương pháp tập luyện nào, ở đâu người ta cũng đều sử dụng đến Thiền. Thiền trong Yoga, thiền trong Khí công, Thiền trong võ thuật, Thiền trong các tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, Thiền tông, Mật tông..vv...
 
     Tùy vào mục đích, nhu cầu mà phương pháp thực hành Thiền sẽ có ít nhiều những sự khác biệt. Nhưng bản chất của Thiền thì vẫn không hề thay đổi. Đó là một khoa học, không thuộc về một tôn giáo, trường phái nào cả. Lão sẽ có nhiều bài viết về những phương pháp Thiền của những tôn giáo, những môn phái khác nhau để bạn hiểu hơn, nhưng đó là chuyện của ngày hôm sau, không phải bây giờ.
 
 
(Mắt ai rớt xuống sân chùa – Ngẩn ngơ chú tiểu phải bùa heo may...”)
 
      Mục đích, mong muốn hiện tại của chúng ta thì sao? Thiền để trở thành một tu sĩ khổ hạnh chăng? Hay Thiền để trở thành một vị thầy chùa chỉ để suốt ngày tụng niệm nam mô? Hay để trở thành một vị Phật. Hoặc trở nên những người có khả năng đặc biệt, siêu phàm khiến cho thiên hạ phải ngưỡng mộ? Lão không  nghĩ vậy, đơn giản lão và bạn chúng ta chỉ muốn có một cơ thể khỏe mạnh, bớt đi những bệnh tật, và để cho tâm trí không còn căng thẳng, mệt mỏi, có khi là khổ đau. Từ đó chúng ta có thể yêu thương bản thân hơn và yêu thương đời sống của mình nhiều hơn. Thiền sẽ làm cho cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn, sức khỏe sẽ tạo ra niềm vui, và niềm vui sẽ làm nên hạnh phúc.
 
(Kỳ 2: Thiền – Năng lượng chữa bệnh)
 
Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã  đọc.
 
 
Bài liên quan:
Về với yêu thương
Thiền năng lượng chữa bệnh 2
Phương pháp chữa trị toàn đồ (1) -  không cần dùng thuốc

 

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

  • nguyen sinh quân

    Con muốn tham gia khoá thiền.

      nguyen sinh quân   nguyenquan.tb17.7.1995@gmail.com   28/01/2020 14:22
  • Tưởng Đăng Tùng

    Con ở Đồng Nai. Xin đăng ký lớp học thiền ạ.

      Tưởng Đăng Tùng   tungkcx@gmail.com   02/12/2018 13:50
  • Kiên

    Tôi muốn tham gia khóa thiền năng lượng chữa bệnh.Xin hỏi lão tiên sinh từ nay đến cuối năm 2018 có khai giảng khóa nào không ạ?

      Kiên   kiennguyen2408@gmail.com   23/08/2018 10:28
  • Trang

    Cháu rất thích đọc những bài viết của tiên sinh. Cháu vốn rất thích đi chùa để vãn cảnh yên tĩnh chứ không phải cầu xin ban phước. Ngày rằm, mùng 1 cháu cũng muốn đi chùa để tạ ơn, tuy nhiên cháu cũng bối rối không hiểu đến chùa mình phải làm gì ngoài việc chuẩn bị lễ lạt. Như tiên sinh nói: cúng bái cốt ở tâm, không câu nệ nghi lễ. Xin tiên sinh cho cháu lời khuyên. Cháu cảm ơn và mong tiên sinh luôn an yên để có nhiều bài viết hay cho mọi người ạ.

      Trang   trang.nguyen182003@gmail.com   06/02/2018 15:55
    • Chào bạn Trang: Còn nhiều bài viết về Phật giáo tiếp theo, bạn sẽ đọc thêm bài: "Bạn nên làm gì khi đi lễ chùa" nhé. Chúc bạn bình an

        vevoiyeuthuong - Lão tiensinh   vuotquasinhtu@gmail.com   06/02/2018 16:08
  • Phạm Văn Hải

    Tuyệt vời Tiên SInh ạ!

      Phạm Văn Hải   mope65@gmail.com   22/11/2017 18:02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây