Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Vì sao chúng ta sợ ma? Thế nào là hồn, ma, bóng, vía ?

Thứ hai - 22/02/2016 10:52
Kỳ 1:  Vì sao chúng ta sợ ma.
 
     Nỗi ám ảnh truyền đời vể một thế giới ở phía bên kia của cuộc sống, những câu chuyện về vong hồn, ma quỷ đã khiến cho không ít người rơi vào cảnh mơ hồ, không rõ thực hư.
 

 
    Đôi khi trong đời sống chúng ta gặp nhiều nỗi bất an, nhiều biến cố bất thường, và có khi là bệnh tật hiểm nghèo, thì những suy nghĩ mơ hồ bắt đầu len lỏi, thoáng chút lo âu.  Không biết mình có “phạm” điều gì đó không? có bị cõi âm quấy rối không? Có bị báo oán không, hay đã có sai lầm gì đó chăng?... Sự ám ảnh bởi thế giới huyền bí, đôi khi đã khiến con người ta lầm đường lạc lối. Tiếp tục sửa chữa sai lầm này bằng một sai lầm khác, nhiều trường hợp đã để lại những hậu quả thật đáng tiếc. Có người chữa bệnh bằng cái gọi là tâm linh khiến bệnh càng trầm trọng hơn. Có người chỉ vì áp vong tìm mộ cũng dẫn đến tâm thần, điên loạn, có khi mất mạng. Cũng có trường hợp do không hiểu, không biết cách ứng xử với thế giới tâm linh huyền bí, chủ quan mà vô tình rước họa.
 
Vì sao chúng ta sợ ? Và chúng ta sợ những điều gì ?
Câu trả lời là: Con người chúng ta sợ những điều mà mình không biết.
 
    Chúng ta không biết tương lai, ngày mai cuộc sống của mình sẽ ra sao nên chúng ta mang một nỗi sợ mơ hồ, chông chênh ở trong lòng. Liệu những rủi ro, bệnh tật, bất trắc có đến với mình, với gia đình mình trong chuỗi ngày phía trước không ?
Chúng ta lo lắng bởi đôi khi chúng ta cảm thấy không biết mình là ai, đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu giữa cõi đời mênh mông và vô định này.
Chúng ta sợ bởi không biết những gì mình có hôm nay chẳng biết ngày mai có còn giữ  được không, sức khỏe, hạnh phúc, gia tài, sự nghiệp...
 
     Cuộc sống của một đứa trẻ thì ngược lại, chúng hoàn toàn vô ưu, bởi chúng chẳng có chút sợ hãi và lo lắng nào ở trong lòng, và thế là chúng luôn hạnh phúc, yêu đời. Vì sao trẻ không thường sợ hãi, lo âu? Vì chúng có điểm tựa. Vì trẻ em biết và cảm nhận được bố, mẹ, người thân của mình là những điểm tựa vững chắc cho mình, sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ mình, dành cho mình những điều tốt đẹp nhất, tin rằng không có gì xấu có thể đến với mình được. Thế là chúng cứ an nhiên sống đời vui vẻ và hạnh phúc tràn đầy.
    Còn người lớn chúng ta thì sao? Chúng ta đã đánh mất điểm tựa của chính mình. Người lớn để con trẻ dựa vào, nhưng người lớn lại chẳng biết dựa vào đâu. Chúng ta đã phá hỏng  những điểm tựa vốn có của mình, để rồi rơi vào âu lo, bất an và sợ hãi. Vậy đâu là những điểm tựa, và chúng ta đã phá hủy nó như thế nào? Chúng ta sẽ nói ở phần sau.

Cuộc đời là chuỗi kéo dài của những sự bất ổn, dường như chẳng có gì là chắc chắn cả. Trong chiều sâu của tâm thức ai cũng muốn tìm kiếm cho mình một điểm tựa, cho dù là mong manh, bởi thế mà chúng ta cứ mong muốn giá như biết trước được tương lai, để mà dự liệu, để mà đề phòng... mục đích cũng chỉ để hy vọng, để vơi bớt đi những sự sợ hãi mơ hồ thường trực trong tâm khảm.
     Bói toán, tướng số, tử vi, tâm linh... có ma lực vô hình lôi cuốn chúng ta là bởi vậy. Chúng ta muốn biết những điều mà mình không biết, muốn biết những điều có thể xảy ra trong tương lai, hầu mong mang lại một chút cảm giác an tâm, có thể dự liệu, dù ít dù nhiều. Để rồi đôi khi mọi thứ lại càng trở nên phức tạp hơn, khó hiểu hơn, khi chúng ta đi sai hướng, khi lạc vào thế giới mà mình không hiểu biết đó, rồi chẳng còn biết đâu là lối ra nữa, có khi lại còn hoang mang và cảm thấy bất an hơn.


 
(Ngôi nhà có ma)
 
 
      Chúng ta sợ chết, bởi chúng ta không hiểu đằng sau sự chết  là gì. Chúng ta sợ mình phải buông xuôi, phải chia ly tình thân quyến thuộc, đánh mất cuộc sống, mất những gì mà mình đang có, nhà cửa, đất đai, công danh, địa vị, tiền tài.. mất tất cả những gì mà mình phải lao tâm khổ tứ suốt đời mới có được.
     Chúng ta sợ bệnh tật, bởi chúng ta không biết bệnh tật từ đâu mà đến, không biết cách nào để chữa khỏi bệnh tật, không biết làm thế nào để bệnh tật đừng bao giờ xảy đến. Trong cơn bấn loạn với bệnh nan y chúng ra có thể sử dụng cả những loại thuốc mà mình không biết rõ có chữa được khỏi bệnh hay không, để rồi bệnh lại càng nặng hơn. Cầu cúng, trình đồng, mở phủ ... để rồi, đôi khi, nẻo về lại càng lắm gian nan.
Chúng ta sợ ma, bởi mình chẳng hiểu thế nào là ma. Nếu có một con ma ngồi đó cho ta quan sát, sờ nắn, cho dù hình thù của nó có gớm giếc đến đâu, thì rồi người này sẽ bàn luận với người kia “như thế là con ma” từ đó chúng ta sẽ chẳng còn sợ ma nữa.
 
      Chung quy lại, con người chúng ta chỉ sợ những điều mà mình không biết, khi mình không hiểu rõ mà thôi, nếu hiểu rõ thì sẽ không còn sợ nữa. Nếu biết những rủi ro sẽ không đến trong ngày mai, chúng ta sẽ không còn lo âu về tương lai nữa. Nếu hiểu về bệnh tật do đâu mà có, biết cách chữa khỏi mọi bệnh tật thì chúng ta chẳng còn phải sợ bệnh tật nữa. Nếu hiểu rõ thế nào là sự chết, chúng ta sẽ không còn sợ chết nữa. Nếu hiểu về ma, chúng ta sẽ không còn sợ ma nữa...  từ đó chúng ta sẽ vững tâm hơn. Hiểu biết về cơ thể, về con người, về bệnh tật, về đời sống, về tâm linh, về thế giới tự nhiên... Hiểu biết, đó chính là điểm tựa của con người. Nhưng dường như con người lúc nào cũng mâu thuẫn, chúng ta nghĩ là mình biết, nhưng rồi lại thấy mình chẳng biết gì. Chẳng biết gì, đó là cách mà người lớn đã đánh mất điểm tựa của chính mình.
      Khi bạn hiểu biết, đó là lúc bạn tìm được điểm tựa trong đời sống cho mình, bệnh tật sẽ được chữa khỏi, sức khỏe  được phục hồi, cuộc đời sẽ bắt đầu thuận lợi, may mắn trở thành hiện thực, bớt khổ đau và trở nên hạnh phúc từ đó.
 
       Hôm nay lão nói một chút về thế giới của vong linh, một trong những thứ mà bạn có thể còn chưa hiểu rõ, một thứ bạn nghĩ là mình biết nhưng lại không biết gì, và có thể bạn sẽ bắt gặp thường ngày với nhiều sự mơ hồ, nghi ngại. Nó sẽ là một điểm tựa về tinh thần nếu chúng ta hiểu và nhìn nhận đúng về nó, chứ không phải là một sự sợ hãi.
 
       Một người sống ở phương Tây sẽ gần như chẳng bao giờ gặp ma và cũng ít thấy những hiện tượng huyền bí. Nhưng một người ở phương Đông như chúng ta thì thi thoảng ta lại nghe nói có người gặp ma, hay có người tiếp xúc được với cõi âm, vong hồn, ma quỷ..vv... Chẳng nhẽ một người phương Đông khi chết đi thì biến thành con ma, còn một người phương Tây khi chết thì... chẳng biến thành gì cả ??
    Ai đó cho rằng người Phương Tây khi chết họ đều về với Chúa, chứ không trở thành những hồn ma lang thang vất vưởng chốn nhân gian? Không phải thế, người Phương Tây không phải ai cũng theo đạo Thiên Chúa, và Thiên đường chẳng phải là nơi có thể mua vé đến. (Để hiểu đúng bản chất, sự thật về các Tôn giáo, bạn hãy đón đọc những bài viết về các Tôn giáo ở trang web này của lão nhé).
 
     Vì sao từ bé chúng ta đã có cảm giác tò mò, và sợ... ma. Chúng ta mang nỗi sợ mơ hồ đó thậm chí ngay từ lúc mình còn chưa có khái niệm gì về ma. Một đứa trẻ sinh ra ở Châu Âu chắc hẳn chẳng bao giờ biết sợ ma, bởi trong đời sống của họ, trong xã hội, trong thế giới của những người lớn ở xứ họ chẳng có khái niệm gì về ma cả.
      Một đứa trẻ sinh ra ở phương Đông như chúng ta thì lại sợ ma một cách mơ hồ, mặc dù chẳng biết ma là gì, vậy thì nỗi sợ đó do đâu mà có? Là do người lớn mang lại. Vì người lớn cũng sợ, sợ vì không hiểu, vì không biết, vì nghe nói vậy... một sự ám ảnh thường trực, và một cách nào đó người lớn đã truyền nỗi sợ hãi đó của mình cho trẻ nhỏ. Cũng giống như những con Chuột con, sinh ra chẳng biết con Mèo là con gì, có nguy hiểm gì với mình hay không, vì cũng chưa từng chạm trán và thoát khỏi nanh vuốt của mèo, nhưng lập tức đã biết sợ Mèo, mỗi khi nghe tiếng mèo kêu thì chạy bán sống bán chết.   
    Qua điều này, lão muốn nói với bạn rằng, nỗi sợ hãi của con người, thực ra bản thân nỗi sợ nó không đến từ bên ngoài, mà nó đến từ bên trong, trong chiều sâu tâm thức của chính mình.
Đây chính là cánh cửa để bước vào thế giới Tâm linh, để hiểu những điều huyền bí. Con người chỉ cần hiểu được bản thân mình, hiều được chiều sâu của tâm thức, của tâm trí mình, thì sẽ hiểu được một cách rõ ràng thế nào là thế giới tâm linh.
 
 
(Giải mã Tâm linh)
 
 
      Ngay thuật ngữ “Tâm linh” đã ít nhiều nói lên bản chất của nó. Tâm là tâm tính, là nội tâm, là thế giới bên trong của con người. Linh là linh động, linh ứng. Một nội tâm linh ứng sẽ tạo nên một thế giới tâm linh. Chỉ thế thôi, không có gì khác, và đó chính là lý do vì sao con ma mà người này nhìn thấy lại khác với ma mà người khác biết. Trong kinh nguyên thủy Đức Phật đã chỉ rõ Lục đạo luân hồi đều do tâm mình sinh ra.
     Nhưng lão sẽ không tiếp tục nói theo hướng này, vì tiếp tục nói thì đó sẽ là phân tích và giải thích Tâm linh một cách khoa học, biện chứng, lão sẽ nói vào một dịp khác thích hợp. Sẽ cung cấp cho bạn một cách nhìn đa chiều về thế giới tâm linh huyền bí, sự phân tích khoa học của người Phương Tây, sự trải nghiệm của một người tu đúng chánh pháp... từ đó bạn sẽ đến gần hơn với sự thật, hiểu được bản chất về thế giới tâm linh, để rồi chúng ta biết phát huy những mặt tích cực của nó và biết loại bỏ đi sự mê tín, si mê.
 
      Còn bây giờ chúng ta sẽ thử tiếp cận Tâm linh, hay “được cho là Tâm linh” trong phạm vi bài viết này theo một cách thông thường, một cách mà bạn vẫn thấy, vẫn gặp hay được nghe những người xung quanh nói đến… Lão sẽ đề cập về một vài hiện tượng, và nói theo kiểu dân gian. Nhưng bạn nên nhớ, sự vật, hiện tượng tùy theo hoàn cảnh mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu bạn không hiểu biết, bạn vẫn sẽ không biết đâu là sự thật.
( Còn nữa)
Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc
  
Bài liên quan:
Chữa bệnh cho ma. Cách phân biệt vong linh thật giả (Kỳ 2)
Có nên đi gọi hồn, áp vong? Cách phân biệt vong thật vong giả (Kỳ 3)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây