Kỳ 1: Hiểu đúng về ngày xá tội vong nhân và Vu lan báo hiếu
(Kỳ 2: Cô hồn vất vưởng trong nhân gian hay trong tâm thức của bạn?)
Rằm tháng 7, tháng ma quỷ, tháng cô hồn và cả Vu lan báo hiếu, từ khi nào cái ngày này đã đi vào tâm thức của bạn với bao cảm xúc đan xen? Một cách vô thức, bạn có cảm giác lo âu, sợ hãi mơ hồ. Một cách vô cớ, bạn cảm thấy trong mình cũng có lòng từ bi, trắc ẩn nổi lên, và một cách khó giải thích, bạn có cả chút vui mừng, náo nức không giấu được?.
Vậy tại sao bạn lại có những cảm xúc khác nhau đó về ngày rằm tháng 7?. Lão sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời theo một cách gần với sự thật nhất, hay nói cách khác: hiểu đúng bản chất của nó.
Trước hết hãy nhìn nhận sự thật rằng, những cảm xúc này không hề có sẵn bên trong bạn. Từ thuở ấu thơ bạn chẳng hề biết gì về ma quỷ, về những tập tục dân gian, nhưng giờ đây bạn lại có. Điều này chứng tỏ những cảm xúc đó được hình thành từ những tư tưởng mà bạn bị ảnh hưởng, bị tác động một cách khiên cưỡng từ bên ngoài, từ cha mẹ, ông bà, từ bạn bè, đồng nghiệp..vv.. đời trước sợ nên đời sau cũng sợ, người này lo nên truyền cái lo cho người khác.. Chẳng khác gì một con chuột con sinh ra vẫn cứ sợ mèo, mặc dù nó chưa hiểu con mèo là con gì, có nguy hiểm hay ko. Nó sợ, bởi nỗi sợ ấy được lây lan từ bố mẹ và bầy đàn của nó.
Vì sao bạn có cảm giác lo âu, sợ hãi mơ hồ ?
Vì dân gian cho rằng đây là tháng của ma quỷ.
Từ xa xưa, đó là một ngày lễ đánh dấu một tiết kỳ đặc biệt, xuất hiện trong nhiều tôn giáo Á Đông. Tiết Trung Nguyên (ở ta thường hay gọi chệch đi là “Tết”) là danh từ của Đạo Giáo (một tôn giáo lâu đời ở TQ) dùng để gọi lễ hội rằm tháng bảy, đây là “Lễ tiết” theo quan niệm truyền thống của Đạo Giáo. Đạo Giáo cho rằng trong một năm có ba tiết gọi là “Tam Nguyên”, bao gồm Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên”.
Tiết Trung nguyên còn xưng là Trung Nguyên Địa Quan tiết, lễ tiết của giữa năm, vào tháng bảy, đây là tiết giáng trần của Trung Nguyên Xá Tội Địa Quan, Thanh Hư Đại Đế. Quan niệm của Đạo Giáo cho rằng tiết Trung Nguyên bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 7, ngày “Khai mở quỷ môn quan”, cho đến ngày 30 tháng 7, ngày “đóng cửa quỷ môn”, đây là tiết của quỷ, đây là khoảng thời gian, dưới âm phủ, âm ty mở cửa địa ngục, cho các loài quỷ lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người thế gian, cũng như tìm người thế mạng.
Theo Kinh Huyền Đô Đại Hiến của Đạo Giáo có chép: “Ngày 15 tháng 7 là tiết Trung Nguyên vậy…. đây là ngày mà Đại Quan kiểm tra xét hỏi, phân biệt các tội thiện ác dưới địa phủ. Chư Thiên và Thánh chúng đều ở trong cung, kiểm tra sổ ghi kiếp số của các loài quỷ, các loài ngạ quỷ đang bị tù ngục đều được thả ra…”. Bởi thế mà ngày này còn có tên là ngày xá tội vong nhân.
Nỗi sợ hãi ma quỷ mơ hồ có trong bạn, nó được bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và tôn giáo truyền sang từ Trung Quốc, từ người “anh em tốt” này, sau một nghìn năm đô hộ, truyền thuyết về ma quỷ đã truyền đến bạn một cách vô thức qua nhiều đời cha ông bị ảnh hưởng.
Giờ đây một số người vẫn tin rằng tháng 7 là tháng không may mắn vì có nhiều ma quỷ quấy phá, từ đó dẫn đến nhiều điều kiêng kỵ như không khai trương, mở cửa hàng, lập gia đình, không xây nhà.. Và nữa, có những điều kiêng kỵ hài hước như đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi. Không hù doạ người khác khiến họ giật mình "hồn bay phách lạc" dễ bị ma quỷ xâm nhập. Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng "một sợi lông chân quản ba con quỷ", người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần. Hi, một sợi lông chân quản được 3 con quỷ thì con người phải giỏi hơn Tề Thiên Đại Thánh, sao phải sợ ma quỷ chứ. Chắc hẳn khi người xưa phóng tác ra những điều cấm kỵ đã có hàm ý khuyến cáo bạn đừng nên tin vào những điều đó.
Bởi thực ra nó chỉ là một khái niệm bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian mà thôi. Cuối bài chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao các tôn giáo lại cứ vay mượn cảnh địa ngục, ma quỷ của nhân gian vào trong giáo lý của mình.
Vì sao bạn cảm thấy trong mình cũng có lòng từ bi, trắc ẩn nổi lên?
Dân gian nhiều đời vốn có quan niệm trần sao âm vậy. Đây là một quan niệm khá phổ biến ở các dân tộc Á Đông.
Trong bài văn chiêu hồn nổi tiếng của mình, đại thi hào Nguyễn Du đã viết:
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt. Toát hơi may lạnh buốt xương khô. Não người thay buổi chiều thu.
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng. Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọn đường lê lác đác sương sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha. Cõi dương còn thế nữa là cõi âm... Thương thay thập loại chúng sinh…
Trong áng văn của mình, Nguyễn Du đã mô tả 10 loại cô hồn bao gồm những người có nhiều tham vọng công danh phú quí và quyền lực, thúc đẩy những cuộc viễn chinh, cho đến binh lính vì hoàn cảnh xô đẩy mà tham gia vào việc binh lửa phải bỏ mình nơi trận mạc. Cả những phụ nữ khuê các nhưng thời cuộc đổi thay khiến thân phận như bèo hoa trôi dạt, cho đến những cô gái lỡ thì bán hoa, giang hồ không cố quận khi số kiếp hết chết vùi dập bên đường. Những người đi thi cử, đèn sách với mộng công danh phú quí chưa thỏa ước mơ quan trạng đã bỏ mình nơi kinh kỳ xa lạ, cho đến những trẻ thơ yểu mệnh sơ sảy hay bị bỏ đi vì cuộc sống khốn khó đó đây.. Bao nhiêu hoàn cảnh thương tâm của cảnh tử biệt sinh ly, bấy nhiêu nỗi xót xa của những linh hồn bơ vơ vất vưởng… Thương thay:
“Cô hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hóa sinh”…
Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương (xuất bản 1938) của học giả Đào Duy Anh cũng có nói về ngày rằm tháng bảy: “Những vong hồn không có người tế tự, lang thang cơ nhỡ (cô hồn) tìm về dương gian mong được ăn uống, siêu độ..”
Những thuật ngữ lang thang, đói khát, cơ nhỡ.. một cách vô thức đã gợi lên lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Theo tiếng gọi của lòng từ bi, hướng thiện, những cô hồn không nơi nương dựa cần được người cõi giới mở rộng lòng thương, cúng cáp cho đỡ tủi. Bởi thế, từ xa xưa, dầu đời sống khó khăn nhưng người ta đã biết đến cúng cháo hoa và đốt mã, cung cấp đồ ăn, tiền bạc và quần áo cho những cô hồn lang thang đó.
Nhiều nơi hiện vẫn duy trì nghi thức cúng rằm tháng 7 bằng một mâm cơm cúng tổ tiên ông bà trong nhà và một mâm cúng thí thực cho cô hồn lang thang ngoài sân hoặc trước ngõ.
Các Tôn giáo đã đồng hóa tín ngưỡng dân gian như thế nào?
Theo dòng lịch sử, các tín ngưỡng dân gian ra đời trước các tôn giáo. Khi xã hội còn hỗn mang, chưa có thể chế, pháp luật để duy trì trật tự xã hội. Trong bối cảnh con người nhận thức thấp, sống và hành xử thiên về bản năng, sống xấu dễ hơn là sống tốt. Đây là lý do các tín ngưỡng được hình thành, những khái niệm về thiên đường và địa ngục ra đời để cho con người bớt ích kỷ, biết giúp người khác và không làm hại người khác vì lợi ích của họ. Thiên đường là phần thưởng nếu họ sống tốt,và Địa ngục sẽ là hình phạt rùng rợn, khổ đau nếu họ không sống tốt. Những tín ngưỡng đó đã góp phần đem lại lợi ích, trật tự cho xã hội trong thời hỗn mang.
Khi các tôn giáo được truyền bá, họ đã đồng hóa các tín ngưỡng đó, hay nói cách khác họ đã bổ sung tín ngưỡng dân gian vào trong giáo lý của mình để dễ bề truyền bá và chi phối xã hội hơn. Khi đồng hóa được rồi, họ lại dùng chính khái niệm đó để dụ dỗ và dọa dẫm người khác.. Nếu anh không theo tôn giáo của tôi thì chắc chắn anh phải trả giá cho những việc mình làm, nếu kiếp này anh không làm gì sai thì kiếp trước anh cũng đã sai, và chắc chắn anh phải đọa địa ngục. Còn nếu theo tôn giáo của tôi thì không sao, anh sẽ được đến cực lạc, thiên đàng..
Trong xã hội sơ khai, phận người luôn cảm thấy mong manh và nhỏ bé, bất lực trước hoàn cảnh. Bạn khổ đau và bạn muốn thoát khổ, bạn khó khăn và bạn không muốn khó khăn nữa, bạn muốn thiên đàng chứ không phải địa ngục… và bỗng dưng một tư tưởng nào đó lại trở thành cứu cánh cho bạn, với giọng nói từ bi, ê a và nhân danh tôn giáo.
Họ cứ úp mở, dường như họ là người nắm giữ mọi phép màu nhiệm, bạn gặp vận hạn ư? Rồi họ sẽ hóa giải cho. Bạn khổ đau ư? Rồi họ sẽ giúp bạn thoát khổ, con cháu sẽ được nhiều công đức, phước báo. Cứ nghe lời họ là được. Bạn không biết kiếp sau sẽ ra sao ư? Cứ yên tâm, họ sẽ giúp cho bạn được đến với cõi Phật, đến Tây Phương cực lạc, được lên Thiên đường hay Cõi Trời, không phải xuống Địa ngục hay đầu thai thành súc sanh, ngạ quỷ. Họ cứ làm như họ đang giữ cái cánh cửa mà nếu họ mở ra cho bạn, bạn sẽ đổi đời, hay bạn sẽ được bước vào cõi khác.. Họ cứ làm như nếu bạn muốn đến với Phật, đến với Niết bàn, đến với Chúa, đến với Thiên Đường thì phải qua họ, chỉ có họ mới liên lạc được với các đấng tối cao, chỉ họ mới có số điện thoại của các Ngài ấy..
(Một góc lớp học Thiền của Về với yêu thương)
Phật giáo cũng vậy, trong quá trình lịch sử truyền bá, đã viết thêm kinh sách (“kinh sách phát triển”, “Đạo phật phát triển”), họ đã phóng tác nên những câu chuyện, để đồng hóa khái niệm Thiên đường và Địa ngục của tín ngưỡng dân gian vào trong giáo lý của mình.
Bạn từng nghe câu chuyện: “Vào thời Đức Phật còn tại thế, một hôm vua Bình sa vương (Bimbisara) nằm mộng thấy những chúng sinh đói khổ rách rưới đeo bám vào tường thành kêu khóc thảm thiết. Vốn là một người giàu lòng từ bi, vua rất xúc động và khi có cơ hội, đức vua đã hỏi Đức Phật về họ- những chúng sinh đau khổ xuất hiện trong giấc mơ của ông- là ai và phải làm gì để cho họ bớt khổ? Đức Phật đã cho đức vua biết…”
Hay chuyện: “Ngài A Nan Đà (em ruột của Đức Phật, 1 trong 10 đại đệ tử giỏi nhất của Phật) trong khi đang tọa tại tịnh thất, thì có 1 con Quỷ miệng lửa vào báo rằng ba ngày nữa Đức Phật sẽ chết và cũng bị hóa thành Diệm Khẩu Quỷ. Trừ khi Người cho chúng thức ăn, tụng kinh siêu độ cho chúng thì thì mới thêm tuổi thọ. Từ đây, mọi người trên dương gian làm theo Đức Phật, và ngày lễ Xá Tội Vong Nhân cũng hình thành từ đó...”
Và điển hình là câu chuyện bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ trong bản kinh Vu Lan Bồn, đã có ảnh hưởng, tác động rộng rãi trong xã hội. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn một chút về sự tích này:
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc
Kỳ 2: Cô hồn vất vưởng trong nhân gian hay trong tâm thức của bạn?