Kỳ 2: Cô hồn vất vưởng trong nhân gian hay trong tâm thức của bạn?
(Kỳ 1: Hiểu đúng về ngày xá tội vong nhân và Vu lan báo hiếu)
Kinh Vu-Lan-Bồn (chữ Hán:佛說報恩奉盆經) là một bộ kinh Đại Thừa bao gồm một bài giảng ngắn gọn (pháp thoại) được gán cho là bởi Đức Phật dạy Bồ tát Mục Kiền Liên cách thực hành đạo hiếu. Theo đó Phật dạy cách làm thế nào để có được sự giải thoát cho mẹ mình, và cách báo hiếu cha mẹ, những người đã được tái sanh vào cõi âm, bằng cách cúng dường thực phẩm cho Tăng đoàn vào ngày rằm tháng bảy, và nhờ lời chư Tăng chú nguyện mà được cứu độ.
Truyền thống Phật giáo cho rằng kinh này đã được dịch từ tiếng Phạn bởi cao tăng Trúc Pháp Hộ (竺法護, sa. Dharmarakṣa, Đàm Ma La Sát) dịch vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV. Tuy nhiên, các học giả gần đây thừa nhận rằng kinh này ban đầu không có gốc từ Ấn Độ (không có trong Đạo Phật của Đức Thích Ca) mà được phóng tác tại Trung Quốc vào giữa thế kỷ thứ sáu (do kinh sách phát phát triển sau thời Đức Phật nhập diệt viết thêm, nhằm mục đích đồng hóa các tín ngưỡng dân gian để mở rộng tầm ảnh hưởng của Phật giáo). Văn bản gốc do Trúc Pháp Hộ dịch (hoặc được viết trong thời đại của ông) còn lưu lại đều không đề cập đến nhân thân của Tôn giả Mục Kiền Liên và câu chuyện của mẹ ông, mà chỉ trong các tác phẩm của người đời sau tại Trung Quốc, như “Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn” được xác định viết vào khoảng từ thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ thứ X, mới có kể về sự tích trên. Cũng có ý kiến cho rằng, câu chuyện Mục Kiền Liên là biến tấu từ chuyện “Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên”, gọi tắt là kinh Ưu Đa La mẫu có viết trong mục "Chuyện ngạ quỷ" của bộ “Kinh tiểu bộ” chỉ thay tên nhân vật từ Ưu Đa La (Uttara hay là Uttaramātu) thành Mục Kiền Liên và thay tên người giảng là một tỳ kheo thành lời giảng của đức Phật mà thôi.
Đọc Kinh Vu Lan, nếu có chút suy nghĩ, ta sẽ thấy những ngờ vực sau :
1.- Tôn chỉ của Đạo Phật là Tự Độ. Chính La Hầu La là con ruột của Phật còn phải tự tu hành, tại sao trong Kinh Vu Lan, chư tăng lại có thể cứu độ cho mẹ của Ngài Mục Liên? (đọc thêm bài: “Thế nào là Đạo Phật”)
2.- Kinh viết: “Khi Phật thấy Ngài Mục Liên quá đau khổ vì thương mẹ thì động lòng thương xót, cùng đệ tử và thánh chúng bay lên hư không, phóng hào quang xuống làm tắt lửa địa ngục, nhưng Bà Thanh Đề thoát địa ngục đó liền sinh vào địa ngục khác..”. Trong khi đó, chỉ cần cúng dường Trai Tăng thì Bà Thanh Đề được sinh lên cõi trời. Như vậy chẳng lẽ quyền phép của Phật lại thua chư Tăng?
3.- Lời chúa ngục trong bản kinh nói: “Tội ai làm nấy chịu, dù có thân thiết như mẹ với con cũng không thể chịu thay được”. Câu này nói lên tôn chỉ luật nhân quả của đạo Phật, ai gieo nhân nào thì phải gặt quả nấy, không ai ra khỏi vòng nhân quả cho dù đó là bậc Bồ tát (những câu chuyện trong những bản kinh khác nói về đệ tử thần thông bậc nhất của Đức phật, khi nghiệp quả đến cũng đành phải chấp nhận). Vậy sao trong bản kinh này bà Thanh Đề chưa hoàn thành việc trả quả mà chỉ cần lời thỉnh nguyện của chư tăng thì được giải thoát?
..vv…
Bản kinh được viết thêm sau thời Đức Phật này nhằm mục đích đồng hóa tín ngưỡng dân gian để mở rộng tầm ảnh hưởng của Đạo Phật phát triển, nhưng mặt khác nó chưa kín kẽ, hoặc nói theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ là do những tác giả của bản kinh này thời đó.. chưa đủ trình. hi.
Cũng có giả thiết cho rằng bản kinh này được viết ra có mục đích vụ lợi, khuyến khích những người vô minh cúng kiến, thết đãi chư tăng nhiều hơn.
Nhiều học giả ngày nay và cả những vị giảng sư trong Phật giáo đều hiểu nhầm là ngày xá tội vong nhân có nguồn gốc từ Đạo Phật. Không phải vậy. Ngày xá tội vong nhân có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian. Đạo phật muốn đồng hóa tín ngưỡng dân gian nên tạo ra ngày lễ Vu Lan. Ngày xá tội vong nhân diễn ra vào tháng 7, lễ Vu Lan vì muốn đồng hóa lễ xá tội vong nhân nên cũng phải diễn ra cùng thời gian.
Mặc dù ý nghĩa chính của lễ “Vu Lan” trong Phật giáo Đại thừa là cúng kiến, thết đãi chư tăng, lập công đức, tạo phước để siêu độ cho người thân ở cõi âm. Nhưng khi truyền vào Việt Nam, nơi đang có tín ngưỡng bản địa là thờ cúng tổ tiên, ông bà, dòng họ. Để dễ bề được chấp nhận nên đã linh hoạt kết hợp (đồng hóa) với tín ngưỡng bản địa thành “Vu Lan Báo Hiếu”. Nhưng nếu chỉ báo hiếu với người đã khuất sẽ gây ra nhiều tranh cãi và khó phù hợp với thực tế hiện tiền, bởi ngày nay nhận thức của con người đã cao hơn. Bởi thế nên có nhiều phong trào khởi xướng báo hiếu với cha mẹ hiện tại đã ra đời. Điển hình là nghi thức “Bông hồng cài áo” do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng trong một cuốn sách của ông xuất bản năm 1962 (nguồn gốc xuất xứ của nó là từ nghi thức lễ giáo của người Nhật Bản). Ngày nay nghi thức này được phổ biến và lan truyền khá rộng rãi vì nó đáp ứng được nhiều thị hiếu (cho cả người sống và người đã khuất) và cũng thực tế, gần gũi với đời sống hơn. Ai còn cha mẹ thì cài hoa hồng hay hoa đỏ, ai có đấng sinh thành đã khuất núi về với tổ tiên thì cài bông hoa màu trắng (màu tang trong văn hóa Việt).
Ở Việt Nam, ngày rằm tháng bảy nói chung bị những chi phối của các tôn giáo khác nhau lên tục thờ cúng, từ thuyết ma quỷ của Đạo Giáo TQ (xá tội vong nhân), đến tín ngưỡng dân gian thờ cô hồn lang thang cơ nhỡ, kết hợp với phong tục thờ cúng tổ tiên ông bà, và cả tư tưởng siêu độ, từ bi, hiếu thảo của Phật giáo phát triển (Vu Lan Báo Hiếu) nữa. Bởi thế mà mỗi người, mỗi nơi mang những sắc thái, tâm trạng khác nhau, người sợ hãi mơ hồ, kẻ đắn đo suy nghĩ, người đầm ấm vui vẻ, kẻ hỉ xả từ bi…
Nhưng tựu trung lại, khi hiểu được bản chất cốt lõi, mục đích của các tín ngưỡng, tôn giáo là muốn làm cho đời sống trở nên tốt đẹp hơn, còn các tư tưởng, giả tưởng, giáo lý, giả thuyết cũng chỉ là những thứ dùng để làm phương tiện mà thôi, thì ta sẽ thấy nhẹ nhõm và an vui hơn. Vì thế, dù đi đâu, làm gì bạn cũng hướng lòng mình về tổ tiên, gia đình, với những xúc cảm riêng biệt của bản thân trong ngày rằm tháng 7. Khởi lên trong mình niềm vui, sự ấm áp của tình thân quyến thuộc. Cũng là dịp nhắc nhở mỗi người thực hành đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tự nguyện, tự thân. Như vậy là bạn đã đúng đường, đúng Đạo. Hãy bỏ qua nhưng quan niệm, giả thiết mê tín quá mức không cần thiết, vì thời thế, nhận thức, hoàn cảnh chung đã đổi thay rồi.
(Thiền - Lão tiensinh)
Xá tội vong nhân dưới góc nhìn của Thiền và Chánh Pháp.
Nhìn ra bên ngoài thì có 10 loại cô hồn như Nguyễn Du đã mô tả trong bài văn tế nổi tiếng, nhưng liệu nó có thật hay không? Giờ này nếu lão nói với bạn thì sẽ là hơi sớm.
Nhưng khi hướng vào bên trong tâm thức mình, bạn sẽ thấy có biết bao nhiêu loài “cô hồn” – là những mảnh vỡ của thương tổn, những vết sẹo, những nỗi đau trong quá khứ và hiện tại – có bao nhiêu chúng sinh như vậy đang lang thang cơ nhỡ trong chiều sâu tâm thức của bạn chưa được giải thoát? (đọc thêm bài “Phật có cứu được chúng sinh ?”).
Các loài “cô hồn” bên trong chúng ta là những phiền não nghiệp chướng mà chúng ta ôm mang, giam nhốt trong tâm thức, mà không xả bỏ được, để cho chúng sai khiến, thao túng làm cho chúng ta phải mệt mỏi, lụy phiền.
Ai trong chúng ta, trong cuộc sinh tồn mà không kinh qua những cuộc trầm luân khổ vui đắp đổi. Khi còn là một đứa trẻ, nhiều khi những hành động được cho là giáo dục của người lớn đã làm tổn thương tâm hồn của chúng ta. Khi bị tổn thương mà chúng ta không hiểu vì sao người lớn đối xử với chúng ta như vậy, ta giận dỗi, thù oán, và ôm mang vết thương trong lòng. Đã có những “chúng sinh” chết oan ức theo những thực tế như vậy. Chúng đi về đâu? Chúng tạo thành một dạng năng lượng tiêu cực, và được đẩy sâu vào tiềm thức, để rồi ‘luân hồi’ trong nẻo vô minh của thế giới vô thức bên trong chúng ta.
Quá trình trưởng thành, có cả những cuộc phiêu lưu tình ái, những vật lộn với thế giới cơm áo gạo tiền, những bon chen địa vị, chỗ đứng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, không ít lần chúng ta cảm thấy tả tơi đến cùng cực để vượt qua những thách thức của đời sống. Có những hoài bão, lý tưởng, mong ước thầm kín, những bản năng trỗi dậy nhưng không được đáp ứng vì môi trường xã hội, kinh tế hay những buộc ràng về đạo đức luân lý. Có thể coi như đó là những phần, những mảnh ghép khác nhau trong con người chúng ta đã phải chết yểu, hay chết tức tưởi oan uổng dọc đường đời. Biến thành những chúng sinh, cô hồn lang thang vất vưởng đâu đó trong chiều sâu tâm khảm của bản thân. Chúng ta có thể “mở cửa ngục” cho những cô hồn này được giải thoát không?
Thiền – Về với yêu thương – trưởng thành từ chính bạn, sẽ giúp bạn làm được điều đó.
(Một góc lớp học Thiền – Về với yêu thương 30/07/2018)
Những hành giả trên con đường tìm kiếm đều hiểu “xá tội vong nhân” là soi chiếu ánh sáng giác ngộ vào trong tâm thức mình, để ánh hào quang của Phật (chánh niệm) chiếu vào những chỗ khuất lấp nhất trong tâm thức của chúng ta.
Về với yêu thương, đó là chất liệu chính để tạo nên con người. Hãy cho phép bản thân mình từng phút, từng giây được tái sinh vào cuộc đời mới.
Chúc bạn một mùa Vu lan với những hành động, ứng xử tạo được nhiều thiện nghiệp để hồi hướng cho thân nhân quá vãng. Và điều quan trọng là bạn khó có thể mở một cánh cửa ngục ở đâu đó mà bạn không biết, không rõ nghĩa, và cũng không rõ kết quả. Nhưng nếu bạn mở “cánh cửa ngục” bên trong bạn, bạn sẽ thấy được kết quả ngay tức thì. Chữa lành được những vết thương cho tâm hồn và cho thể chất, bạn sẽ có được sức khỏe, cảm xúc yên bình, tự tại và hạnh phúc an vui.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.