(Bài 3)
Đạo Phật là gì?
“Đạo”, theo nghĩa bóng mang khái niệm trừu tượng về phương hướng, đường lối, dẫn dắt con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó. Có rất nhiều phương hướng, ý tưởng khác nhau về Đạo, ví dụ: Thiên đạo (đạo trời), Nhân đạo (đạo người), Trí đạo (đạo của trí tuệ), Tâm đạo (đạo của cái tâm con người)… Từ đó mà hình thành nên các Tôn giáo. Tuy vậy, tất cả những con đường đạo khác nhau đó có cùng chung một nền tảng cơ bản là dựa trên cái Thiện, cái Đẹp, cái Tự Nhiên trong sáng lành mạnh và chân chính để mưu cầu hạnh phúc và bình an cho con người. Dẫn dạy con người cách sống, cách hành xử, cách yêu thương cho và nhận trên phương diện công bình, bác ái.
Đạo, theo nghĩa thực tế trong tiếng Hán nghĩa là con đường, hay đường đi.
“Phật” là từ chỉ nghĩa giác ngộ, giải thoát.
“Đạo Phật” hiểu đơn giản là con đường dẫn đến sự giác ngộ, hay con đường thoát khổ.
Đức Phật là một người như chúng ta . Ngài sinh ra là một người, đã sống như một người và từ giã cõi đời như một người. Mặc dầu là Người, Ngài trở thành một Người thầy siêu phàm (Achariya Manussa). Từ một Thái tử đã đi tu thành Phật, rồi vẽ lại bản đồ giải thích con đường mình đã đi “từng bước” trong 300 Pháp hội cho tất cả chúng ta.
Thời Đức Phật thuyết pháp thì chữ viết chưa ra đời, về sau 300 buổi giảng đạo đó của Ngài được người đời sau chép lại thành kinh sách. A-Nan-Đà, là một đệ tử của Đức Phật, là người có trí nhớ phi thường, đã thuật lại những lời Phật nói sau khi Phật diệt độ. Bởi thế mà ngày nay, khởi đầu các bộ kinh sách ta thường hay nghe câu: “Tôi nghe như vầy…” (Như thị ngã văn 如是我聞, sa. evaṃ śrute mayā).
Lời hướng dẫn của Đức phật được chép trong những bộ chính kinh, người đời sau dựa vào đó mà thực hành để hầu mong được thoát khổ, được thành Phật giống như Ngài. Nhưng rồi trong quá trình đó, có người còn đang trên đường tu hành dang dở chưa đạt được kết quả, có người muốn giải thích theo ý mình, có người lại lầm đường lạc lối, có người vì mưu cầu danh lợi… và họ đều đã viết ra thêm những kinh sách nhằm kiến giải con đường dẫn đến giác ngộ đó theo cách của mình. Phật giáo gọi đó là những “kinh sách phát triển”, do người đời sau viết thêm, không phải là lời của Đức Phật. Vì thế mà thời nay chúng ta thấy kinh sách nhà Phật có đến thiên kinh vạn quyển, các pháp để tu thì nhiều như lá rụng.
Thời Đức Phật tại thế, Ngài trực tiếp hướng dẫn mọi người tu sửa thân tâm. Khi ngài nhập diệt đã chọn người hiểu biết về giáo lý của ngài nhất để kế nghiệp ngài (truyền y bát), tiếp tục hướng dẫn tăng chúng tu hành. Người đầu tiên kế nghiệp Đức Phật đó là đệ tử Ca-Diếp, Ca-Diếp mất lại chọn A-nan thay mình tiếp tục hướng dẫn giáo lý của Đức Phật… Cứ như thế Đạo Phật tồn tại qua 33 đời chư tổ, trải được 483 năm thì mất dấu. Đến đời Lục Tổ Huệ Năng (đời cuối cùng, thứ 33) xã hội loạn lạc, người ta tranh dành y bát (bát ăn cơm và bộ y phục, bằng chứng xác định là truyền nhân của Đức Phật đứng ra hướng dẫn tu tập). Họ sẵn sàng chém giết lẫn nhau để tranh đoạt được điều đó, bởi thế mà Lục Tổ Huệ Năng theo lời dặn của Ngũ Tổ Huệ Khả đã giấu y bát đi, không truyền cho ai nữa. Đạo Phật chính gốc kết thúc, và thất truyền từ đó.
Người đời sau mạnh ai nấy giảng, viết thêm kinh sách hướng dẫn theo ý thích của mình, bởi thế nên gọi là thời mạt pháp, kéo dài đã hai nghìn năm cho đến tận bây giờ. Không còn người thực sự hiểu thấu, kế nghiệp Đức Phật đứng ra hướng dẫn nữa, nên dân gian thường nói, “thời mạt pháp hàng triệu người tu mà chẳng mấy người đắc” là vì thế.
Đạo Phật dù nói thiên kinh, vạn quyển, hay đời này sang kiếp khác nhưng con đường tu chỉ có một hướng duy nhất: Quay vào trong mình, nương Kinh văn để Tìm cái chân tâm của mình, để thấy rằng ràng buộc hay giải thoát cũng đều do cái tâm mê. Hết mê là Tỉnh hay Giác. Mọi công phu, tu hành đều tập trung ở đó gọi là Tu tâm. Tất cả những phương tiện hữu tướng bên ngoài như cạo đầu, đắp y, chùa chiền, nghi lễ… chỉ là để hỗ trợ mà thôi. Đạo Phật, con đường thoát khổ chung quy lại có thể tóm tắt gồm có 3 nội dung chính:
- KINH: Là những lời của Đức Phật Thích Ca đã nói khi còn tại thế, được chép thành những bộ sách để dạy chúng sanh cách dứt trừ phiền não và đạt đến quả Niết bàn. (Về sau có thêm nhiều kinh sách phát triển được viết thêm)
- LUẬT: (Giới luật) Là những giới luật, quy định, mà nhà Phật đã đặt ra cho những người tu tâm, để giúp họ ngăn ngừa các điều dữ, tu tập các điều lành, trau dồi thân tâm cho thanh tịnh. Từ đó hạn chế được tham, sân, si, kiểm soát được tâm tính của mình, giúp người tu có thể thành tựu.
Ví dụ vì sao nhà Phật lại có quy định cấm người tu uống rượu? Bởi khi uống rượu người ta có được cảm xúc nào đó, và muốn có lại cảm xúc đó người ta lại phải uống; nó trở thành một thói quen lặp đi lặp lại, đó là biểu hiện bên ngoài. Biểu hiện sâu xa bên trong chính là khi người ta bị lệ thuộc vào cảm xúc, thì cái tâm của người đó sẽ khởi dậy cái khát khao, cái thèm muốn có được cảm xúc đó, nó thôi thúc, xúi dục, thiêu đốt cái tâm của họ khiến cho tâm họ không an, và khi không thỏa mãn được thì thấy thiếu thiếu, thấy khổ.
Khi có quy định (giới luật) cấm uống rượu, tuy không uống nhưng người ta vẫn cứ thèm, vẫn nghĩ đến nó. Nhưng nếu là một người tu chân chính thì người ta sẽ giữ vững nguyên tắc không uống (tuân thủ giới luật) cho dù bên trong có thèm muốn đến đâu. Để rồi cái nguyên tắc, sự kiên trì đó làm cho cái tâm của họ dần lắng dịu xuống, theo ngày tháng, một lúc nào đó tâm họ sẽ tuyệt nhiên không còn khởi lên cảm hứng nào với cảm xúc do rượu mang lại nữa.
Tương tự, để cho tâm không còn tham tiền bạc, tham danh, tham lợi, tham sắc dục, tham đủ thứ… không còn sân, giận dữ vì đủ các lý do, không còn si, không có khả năng phân biệt đúng sai… giáo lý nhà Phật sẽ có những giới luật tương ứng. Người phật tử phải giữ 5 giới luật, Sa-di (người mới tu) giữ 10 giới, Tỳ kheo giữ 250 giới không được phạm..vv…
Con người, theo một cách hiểu nào đó cũng chỉ là phàm phu sống theo bản năng và chạy theo cảm xúc, nên giới luật là những quy định, ràng buộc để giúp cho người tu sửa đổi được tâm tính. Nếu không có giới luật sẽ không ngăn được tâm khởi, mà không làm chủ được tâm sao gọi là tu? Bởi thế trong chính kinh Đức Phật từng nói “Giới luật còn là đạo ta còn, giới luật mất là đạo ta mất”.
- LUẬN: Là khả năng luận giải của mỗi người. Để bàn giải rõ ràng nghĩa lý mầu nhiệm trong Kinh, để phân biệt những lẽ phải trái của chánh đạo và tà đạo, để cho người đời khỏi nhận lầm phải trái, đúng sai.
Đạo Phật ngày nay là một rừng hỗn loạn của của các kinh sách và những sự thuyết giảng khác nhau, những người giảng pháp có người vì chưa tu chứng, có người vì mưu đồ, có người vì vụ lợi, có người vì không hiểu biết… đã truyền bá Phật pháp theo những cách khác nhau. Nếu người tu không có khả năng luận giải đúng sai, không phân biệt kinh nào của Đức Phật, kinh nào do đời sau viết thêm, không hiểu ý nghĩa thực sự của lời kinh muốn nói, mà cứ nhắm mắt làm theo người khác hướng dẫn rồi thực hành thì chẳng thể đi về đâu cả.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng nói: “Muốn thấy Phật phải ngó vào trong Tánh mình mà tìm, đứng ngó ra ngoài thân mà kiếm. Tánh mình mê tức là chúng sanh. Tánh mình giác tức là Phật”. Con người ta sanh ra, không phải để phục vụ Phật Pháp. Ngược lại Phật Pháp được sinh ra để phục vụ con người, giúp cho con người có đời sống an ổn, hạnh phúc. Học Phật là để biết ta là người làm chủ vận mệnh mình; biết luật nhân quả bao trùm mọi sinh hoạt của nhân sinh trong vũ trụ; biết ta có trí tuệ để chọn đi con đường sáng; biết từ bi để yêu thương ta cũng như yêu thương người khác. Trong hệ thống giáo lý của Đức Phật, Ngài thiết tha kêu gọi những ai hoan hỉ bước theo dấu chân Ngài, không nên ỷ lại nơi người khác mà phải tự mình giải thoát lấy. Thoát khỏi mọi phiền não, hệ lụy trong đời, đạt tới cảnh giới thân tâm an lạc và thanh tịnh, đó cũng chính là cảnh giới của chư Phật mà Đạo Phật muốn bạn biết đến.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…
xin cảm ơn!