Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

PHẬT LÀ GÌ ? (1)

Thứ ba - 28/03/2017 06:17
(Bài 1)
Phật nghĩa là gì?

 
        Danh từ “Phật” xuất phát từ chữ phạn बुद्धा, đọc là Buddhā, dịch nghĩa là “Giác ngộ”.
Ban đầu người Việt tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ theo ngả nam truyền khi các nhà sư Ấn Độ đi theo các nhà buôn bằng đường biển tới vịnh Bắc Việt, mang đạo vào kinh đô Luy Lâu của nước Việt lúc bấy giờ. Nghe họ phát âm là “Buddha”, được ông cha phiên âm trực tiếp là “Bụt” (đọc Nôm chữ 孛 hoặc 侼). Nên trong các truyện cổ Việt nam từ thời Văn Lang trở đi, ta thấy “ông Bụt” hay xuất hiện cứu giúp người bị oan trái hay khổ đau là vậy.
      Về sau, khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành Phật đà, rồi được rút gọn thành Phật.
      Vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa đến từ Trung Quốc mà ở ta từ Bụt dần bị mất đi và dần được thay thế bởi từ Phật.

 

 
      Vậy Phật hay Bụt là cùng một nghĩa, dùng để chỉ sự “Giác ngộ”. Theo nghĩa dân gian ta tạm hiểu “Giác ngộ” là dùng để chỉ sự “hiểu biết một cách sâu sắc, trọn vẹn”. Sau này Bác Hồ cũng đã vận dụng ý nghĩa của từ này vào cụm từ “Giác ngộ cách mạng”.
Đến đây bạn sẽ tự hỏi: Phật nghĩa là từ chỉ sự “giác ngộ”,  giác ngộ là sự hiểu biết về một điều gì đó. Vậy đâu có gì ghê gớm? Làm gì mà nói lắm thế?
 
      Vậy mà không phải vậy, nó không đơn giản như bạn nghĩ. Phật hay là sự giác ngộ không phải là chỉ sự hiểu biết về một lĩnh vực gì đó, mà là sự thấu hiểu rõ ràng, thông suốt về muôn sự, muôn vật có trên cõi đời này. Bạn vẫn còn chưa hiểu đâu, và sẽ phải còn rất lâu nữa bạn mới thực sự hiểu được rằng, cái khác nhau giữa sự hiểu biết thông thường và sự hiểu biết một cách sâu sắc, trọn vẹn hay còn gọi là sự giác ngộ, sẽ khác xa nhau như thế nào.
 
      Con người chỉ đạt được sự giác ngộ khi đã tự mình trải qua hoàn cảnh, tự mình đúc rút được kinh nghiệm. Kinh nghiệm, bài học và kết quả mà người đó hiểu được, đúc kết được, đạt được đó đều đúng với tất cả mọi người, mọi việc, mọi sự vật, mọi hoàn cảnh, mọi hiện tượng có trong thế gian. Nó trở thành một thứ chân lý tối thượng. Lúc đó người ấy mới đạt được sự hiểu biết thực sự, gọi là giác ngộ.
 
     Cũng là hiểu biết nhưng sẽ có nhiều mức độ khác nhau, ví dụ:
  - Khi bạn nghe nói ai đó thất bại trong công việc, bạn hiểu chắc hẳn người đó đã phạm sai lầm. Bạn cho rằng mình đã hiểu, nhưng không phải vậy. Khi bạn là người trực tiếp thất bại, lúc đó bạn mới thực sự thấm thía điều đó và cái hiểu của bạn lúc này sẽ ở một mức độ sâu sắc hơn, thấu rõ hơn.
       Bạn nghe nói về một người bạn thất bại trong trong đường đời, bạn cho rằng mình đã biết, nhưng đó chỉ là cái biết thông thường. Khi bạn thực sự thất bại trong việc mình đang làm, trong đời sống và phải trả bằng giá đắt, bạn biết, và cái biết lúc này của bạn mới trở nên sâu sắc hơn, thực tế hơn.
      Nhưng đó cũng chỉ mới là cái biết nhỏ, cái biết hạn hẹp về một hoàn cảnh, một sự việc cụ thể nào đó mà thôi. Đó vẫn chưa phải là cái biết bao trùm lên muôn sự, muôn vật (giác ngộ).
 
 

 
     - Khi bạn nghe nói ai đó bị chó cắn, bị tai nạn mất một chân, bạn nghĩ sự việc đã thế có gì phải đau khổ, cứ vui vẻ mà sống tiếp, vì có đau khổ, buồn phiền thì cũng có thay đổi được gì đâu. Bạn hiểu đấy, nhưng đó là cái hiểu thông thường. Cho đến khi chính bạn thực sự bị tai nạn, bị mất một chân, hay hai chân, lúc đó tâm trạng của bạn sẽ thế nào? Liệu bạn vẫn có thể tiếp tục sống một cuộc đời ung dung và hạnh phúc như chưa từng có gì xảy ra?
        Người hiểu biết sâu sắc, sự giác ngộ thì khác, họ thực sự hiểu cái thân này chỉ là giả tạm, có đến thì có đi, có sinh thì có diệt, có nguyên vẹn thì sẽ có không nguyên vẹn, có tồn tại thì sẽ có mất đi… vì bởi thế nên họ sẽ không đau khổ về điều đó. Để rồi cho dù có chuyện gì thực sự xảy ra với thân họ, mất một chân hay hai chân, mù lòa hay thảm bại, vẫn khiến họ không hề thay đổi cảm xúc. Họ vẫn sống một đời sống an nhiên và tự tại, an lạc và hạnh phúc. Đó mới chính là biểu hiện của cái sự hiểu biết sâu sắc, thấu rõ mọi lẽ.
 
       Khi bạn gặp nghịch cảnh khó khăn, tan vỡ gia đình, đổ bể công việc, bệnh tật nan y… dẫu biết rằng giữa cuộc đời mọi thứ đều khó mà như ý mình muốn, nhưng liệu bạn có tránh khỏi sự buồn chán, khổ não, u sầu hay thất vọng không? Cái sự biết của chúng ta vẫn chỉ là cái biết thông thường, cái biết mê lầm, chúng ta vẫn dính mắc vào hoàn cảnh, và vẫn không thể tách rời với những cảm xúc vui, buồn, khổ não, hay thất vọng do hoàn cảnh mang đến.
 
        Một người giác ngộ, thực sự hiểu biết sâu sắc mọi vấn đề thì không như thế, họ biết cái tâm của mình do hoàn cảnh tác động, từ đó mà nảy sinh ra những cảm xúc khác nhau. Và họ đã giữ được cho tâm mình bất động, không bị hoàn cảnh chi phối, tác động hay làm ảnh hưởng. Để rồi cho dù đời sống có thế nào, cuộc đời có ra sao, họ vẫn luôn có được tâm trạng yên ổn và hạnh phúc, thanh thản và an lạc, mọi phút mọi giây, mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Cuộc sống của họ lúc đó sẽ trở nên Vô vi (như Lão Tử nói), họ sẽ luôn ở trong cảnh giới của Thiên đàng (như Kinh Thánh nói), và đó cũng chính là Phật, là cõi Niết bàn như giáo lý nhà Phật đã mô tả.
      Cái tâm của họ thoát khỏi sự phụ thuộc, thoát khỏi sự tác động của các cảm xúc, đó chính là sự “Giải thoát” mà Phật giáo muốn nói đến. “Giác ngộ” là hiểu biết, “Giải thoát” là thoát khỏi sự phụ thuộc vào cảm xúc do hoàn cảnh đem lại. Đó chính là quả vị Phật mà một người trên con đường sửa đổi nhận thức, tâm tính có thể đạt tới. Và bạn chỉ đạt được “Giác ngộ” khi bạn đã “Giải thoát” mà thôi.
 
      Phật có nghĩa là giác ngộ, là tình trạng giải thoát trong tâm mà một người tu hướng tới. Cái này ở trong tâm của mỗi người, không liên quan đến hình tướng, nghề nghiệp, địa vị, sang hèn, nên trong  kinh văn Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã nhấn mạnh: “Nếu thấy rõ pháp ấy thì phàm phu không biết một chữ cũng có thể là Phật”.
 
 

 
      Đa phần ngày nay chúng ta đang hiểu Phật nghĩa là một vị tối cao trong Phật giáo, trong thế giới Tâm linh. Phật là người đang được tôn sùng và thờ tự trong các ngôi chùa. Là người có mọi khả năng kỳ diệu, có hiểu biết nhiệm màu, quyền phép vô biên, có thể thấu hiểu và giúp đỡ người tu hành hay tất cả chúng sinh. Không phải vậy. Phật chỉ là một danh từ dùng để mô tả trạng thái của cái tâm con người đạt được sau khi trải qua quá trình sửa đổi. Vượt qua được cái tâm vướng mắc, khổ não để đạt được cái tâm an lạc, hạnh phúc, viên mãn đó là Phật.
 
      Muốn đạt được điều đó, con người ta phải trải qua quá trình “tu hành” (thực hành sửa chữa thân tâm) một cách đúng phương pháp. Cũng như trong đời sống, trong công việc, trong học tập bạn muốn đạt được mục đích, kết quả thì bạn phải có phương pháp đúng. Nếu phương pháp của bạn sai sẽ dẫn đến kết quả sai, bạn sẽ không bao giờ đạt được điều mình mong muốn. Trong Phật giáo thường hay nói câu: “Tu đúng chánh pháp” là vì thế.
 
       Người đầu tiên đạt được trạng thái giác ngộ giải thoát của tâm mình đó là một người Ấn Độ, là Thái tử Tất Đạt Đa, hiệu là Thích Ca Mâu Ni (người trí giả thầm lặng của dòng họ Thích Ca). Đạt được mục đích, chứng tỏ rằng phương pháp thực hành để đem lại kết quả đó đã đúng. Và Ngài đã truyền dạy lại phương pháp đó cho người khác, cho đời sau để họ có thể đạt được như mình. Cái cách làm, cái sự hướng dẫn đúng đắn để theo đó mà đạt được mục đích, trong Phật giáo gọi là Chính pháp (phương pháp đúng), hay Chánh Pháp (theo cách nói của người miền nam), hay nói gọn lại là Pháp.
 
       Theo một tư duy thói quen, khi nói Phật hay Đức Phật, chúng ta thường ngầm hiểu, thường mặc định đó là Đức Thích Ca Mâu Ni, là người sáng lập ra tôn giáo Đạo Phật. Không phải vậy.
      Phật chỉ là một danh từ chung, một từ dùng để mô tả, diễn đạt mà nghĩa của nó là chỉ sự giác ngộ, sự hiểu biết sâu sắc về mọi vấn đề mà con người có thể đạt tới.  Nhưng vì được sử dụng trong ngữ cảnh phù hợp nên đã được hiểu theo một cách mặc định. Ví dụ khi nghe câu: “Bác nói Không có gì quý hơn độc lập tự do”; thì mặc nhiên chúng ta hiểu đó là Bác Hồ nói. Nhưng thực ra cách nói đúng phải là: “Bác Hồ nói Không có gì…”. Vì từ “Bác” là danh từ chung, đều có thể được hiểu là Bác Giáp, Bác Hồ, Bác Phạm Văn Đồng, hay một bác nào đó khác.
     Cách nói thông thường: “Phật nói”, “Đức Phật nói” là không chính xác, đó chỉ là cách gán nghĩa mặc định, vì “Phật” là danh từ chỉ trạng thái, và ai cũng có thể thành Phật. Người đầu tiên đạt được thì gọi là Phật tổ. Vì thế cách nói đúng trong khi trích dẫn kinh kệ phải là: “Phật tổ Như Lai nói…”, hay: “Phật Thích Ca nói…” để chỉ đích danh người nói.
 
 

 
      “Cảnh giới của Phật”, hay “cõi Phật”, hay “cõi Niết bàn”, thực ra đó chỉ là một cách nói văn hoa, ẩn dụ mà thôi. Vì thế lão muốn bạn nhớ rằng: “Phật” chỉ là một từ mô tả trạng thái giác ngộ, sự hiểu biết sâu sắc, nội tâm không còn vướng mắc hay bị hoàn cảnh tác động, để từ đó mãi sống đời viên mãn, bình an, hạnh phúc mà một người có ý thức sửa đổi thân tâm, sửa đổi con người mình (tu hành) có thể đạt được. Và bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể đạt tới điều đó. Bởi vậy mà giáo lý nhà Phật thường hay nói “Phật ở trong tâm của mỗi người”. Hoặc trong dân gian thường hay nói vui “Phật không có giới tính, không phải đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà”, có hàm ý chế giễu những người không hiểu biết thế nào là Phật.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây