Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Cách thờ cúng trong gia đình hợp lý đơn giản hiệu quả.

Thứ năm - 10/12/2015 06:50

Kỳ 1: Phong tục thờ cúng
  
     “ Thầy cho em hỏi về phong tục thờ cúng tổ tiên và gia thần. Em là con thứ trong nhà, khi lập ban thờ vọng thì cần lập mấy bát nhang? Trình tự, thủ tục cần những gì ah?
Em đọc báo mạng có nhiều thông tin trái chiều qúa, không biết ntn, mong thầy chỉ bảo ạ! Em cám ơn thầy! ”
      (Đây là câu hỏi của bạn Hiển nđ, trong nhóm: “Hỏi đáp về Thiền. Tâm linh. Bệnh tật. Tướng số” trên facebook của lão. Vì câu trả lời dài nên lão viết thành bài đăng lên web).
 


Phong tục thờ cúng Tổ tiên:
 
      Cổ nhân nói: “ẩm thủy đương tư tuyền nguyên đầu, thực mễ đang tư nông canh khổ, hữu tiền đang tư vô tiền thời, kiện khang đang tư phụ mẫu ân”, nghĩa là “khi uống nước thì phải nhớ đầu nguồn suối, ăn cơm phải nhớ lúc cày cấy vất vả, giàu có phải nhớ lúc nghèo khổ, khỏe mạnh phải nhớ đến ân của cha mẹ”.
     Người ta sinh ra có được sinh mệnh, được sống đến ngày nay là nhờ vào tổ tiên. Nếu không có tổ tiên duy trì nòi giống truyền từ đời này sang đời khác thì cũng không có con cháu ngày nay. Vì thế việc tưởng nhớ, biết ơn bố mẹ, ông bà, tổ tiên là việc nên làm.
      Tục này ở đâu cũng có. Ở Phương Tây tuy không có bàn thờ gia tiên trong nhà nhưng họ vẫn viếng mộ người thân, gia tiên, tưởng nhớ người đã khuất những lúc thích hợp.
 
Phong tục thờ Thần linh:
       Thờ thần linh có hai loại: gia thần, và thần bản xứ (thần bản xứ lại chia ra nhân thần và thiên thần... lão sẽ giải thích ở một bài khác). Phong tục này chỉ có ở các nước Phương Đông, trong đó có Việt Nam. Nơi con người khó làm chủ được đời sống của mình nên tìm cách nương tựa vào tâm lý, tâm linh để trấn an tinh thần, mong cho mọi thứ bớt chông chênh.
 
      Bạn hỏi về gia thần, nghĩa là những vị thần tại gia, thổ công, thổ địa..vv… Dân gian quan niệm, nơi gia đình mình sinh sống cũng có ông thần trông coi về đất đai, có ông trông coi việc nhà, có ông phù trợ tài lộc..vv… Cái này do ảnh hưởng bởi tín ngưỡng đa thần giáo của xã hội Trung Quốc cũ.
      Thần linh có thật hay không? Vì sao một số ít người lại đạt được hiệu quả trong cầu cúng… rồi lão sẽ giải thích rõ ở những bài viết khác, ở bài này lão chỉ nói ngắn gọn trong phạm vi bạn hỏi.
 
       Vì là tâm linh, nên chỉ cần thành tâm là đủ, thế nên mới gọi là tâm linh. Thứ đến mới là các cách thức, nghi lễ…, nhưng thường thì nếu nghi lễ đơn giản quá khổ chủ lại có cảm giác không linh, rườm rà quá lại thấy mệt mỏi… vì thế cứ làm sao mình thấy vừa phải, phù hợp là được, đừng bận tâm quá mức.
      Vì tâm linh lấy thành tâm làm đầu. Nên tâm niệm của mình nếu đến được trực tiếp với ông bà, tổ tiên, thần linh thì sẽ tốt hơn là nhờ gián tiếp qua ai đó. Vì thế các nghi lễ như động thổ, khánh thành, khai trương, lập bát nhang, cầu an..vv… nếu mình tự làm được thì tốt hơn. Phần lớn do người ta cứ sợ mình không hiểu nghi lễ nên nhờ “thầy” cho chắc mà thôi. Không hẳn vậy đâu bạn, như lão đã nói, việc thực hành nghi lễ mục đích của nó cốt chỉ để bổ trợ cho tâm thành mà thôi, vì thế nó không phải là phần quan trọng nhất.
        Nếu nói trong thế giới tâm linh có thể sử dụng hình thái tư tưởng để giao tiếp, ví dụ khi bạn mời ông bà, tổ tiên từ nhà cũ về nhà mới, hay từ nghĩa trang về ban thờ. Thì trong tư tưởng của bạn đã hiện lên hình ảnh những nơi đó, tạo nên một hình thái tư tưởng kết nối các địa điểm đó với nhau, và các hương linh có thể nương theo hình thái tư tưởng đó mà về. Còn thầy cúng, biết gia tiên nhà bạn chôn cất ở nơi nao? Mặt mũi họ thế nào? Biết bạn thực sự mong muốn điều gì hơn điều gì chứ ? Hay như trong việc lễ tạ, cũng giống như trong đời sống vậy, nếu đứa con trong gia đình không trực tiếp xin lỗi, hay cảm ơn bố mẹ, hoặc người đã giúp đỡ mình mà lại đi nhờ bạn bè hay một người hàng xóm, thậm chí chẳng quen biết làm thay, vậy có tác dụng hơn sao?
 
       Tại gia, tức việc của gia chủ. Nghĩa là mọi nghi lễ trong gia đình nếu mình tự làm được thì tốt hơn. Cũng chẳng khó khăn gì, lão sẽ hướng dẫn ở phần sau. Còn nghi lễ cúng kiến, có tuần tự lớp lang, thể hiện ý nghĩa nào đó thì thường được dùng nơi công cộng, cho một cộng đồng nhiều người, và người ta gọi đó là văn hóa tín ngưỡng. Lúc đó mới cần đầy đủ bộ lễ, thầy bà, nghi thức… để tạo nên được giá trị bản sắc văn hóa riêng.

 
Trong gia đình cần lập mấy bát nhang?
 
      Cho dù là trưởng hay thứ, thờ chính hay thờ vọng, trong mỗi gia đình chỉ cần một bát nhang là đủ.
- Về mặt khoa học: sẽ giảm được diện tích bàn thờ, đỡ chật chội, rườm rà và cũng tiện cho việc lau chùi nữa.
- Về mặt cảm quan: đỡ gây cảm giác huyền bí, âm u không cần thiết, bởi nơi thờ tự cần toát ra sự ấm cúng, thân thiện, như bản chất vốn có của nó.
- Về mặt tâm linh: Nhiều người vẽ ra bát nhang này thờ gia tiên, bát nọ bà cô ông mãnh (những người chết trẻ), bát này thần linh, bát kia thờ Phật… Luận cho cùng thì điều này không hợp lý lắm.
- Về Phật: Có người nói nếu thờ chung Phật với gia tiên, thì gia tiên không về được. Điều này sai, vì họ không hiểu thế nào là Phật. Phật không phải là những vị nào đó, có quyền năng gì đó trong thế giới tâm linh…
Cũng như vậy, không hiểu thế nào là thần linh? Sao lại lo thần linh quở phạt ??
 
      Trong quy luật về tâm lý, kẻ yếu nên dựa vào kẻ mạnh, người nhỏ nên dựa vào người lớn, như thế sẽ đem lại cảm giác an tâm, vững dạ, có chỗ dựa. Kiểu như cán bộ xã có cán bộ huyện che chở thì tốt, huyện, xã có quan tỉnh che chở cho thì yên tâm quá rồi. Mà việc thờ cúng cốt để an thần (trấn an tinh thần) là chính. Vì thế dân gian cho rằng, gia tiên được thần linh bào vệ thì tốt, gia tiên và thần linh được Phật gia hộ lại càng tốt hơn.
     Vì thế, việc lập mấy bát nhang, thờ chung hay thờ riêng không nên cứng nhắc, quan trọng hóa, cứ tùy quan niệm của từng người mà làm. Nhưng theo lão, trong gia đình việc thờ chung một bát nhang có phần tiện hơn vì những lý do lão đã nói ở trên.
      Nếu thờ chung, bạn không cần phải treo ảnh bất cứ vị Phật nào, vì Phật không có hình tướng. Những hình ảnh mà bạn thường thấy như Phật tổ Như Lai, Quan âm Bồ Tát, Phật dược sư..vv… đó chỉ là giả tưởng mà thôi. Không cần phải để tâm lễ chay hay lễ mặn, vì Phật càng không phải là đối tượng để thờ cúng (đọc thêm những bài viết về Phật giáo của lão sắp tới, bạn sẽ hiểu rõ điều này).
 Về thần linh cũng vậy, chẳng biết mặt mũi thổ địa, thần tài… ra sao mà vẽ, nên từ xa xưa ta cũng chưa thấy hình ảnh các vị này bao giờ. Tất cả cốt để an tâm thôi bạn.
 
         Nếu bàn thờ một người thì treo ảnh người đó sau bát nhang, treo cao lên để khi mình cắm nhang không che khuất nửa phần trên của ảnh, tạo cảm giác tức, không thoải mái. Nếu là ban thờ gia tiên (thờ nhiều người) thường có long ngai hay bài vị để giữa, bạn có ảnh ông, bà, bố, mẹ… cứ để lên ban thờ, hai bên tả hữu đều được, cốt sao thuận mắt nhìn.
Trong việc thờ chung, thoạt nhìn tưởng chỉ là thờ gia tiên, nhưng vì Phật, thần linh không có hình tướng, nên chỉ cần trong lúc lễ, lúc khấn bạn thỉnh (nhắc đến) đủ các chư vị là được. Nhiều gia đình thờ thần linh, trên ban thờ người ta treo chữ “Thần” (神), đây cũng chỉ là giả tướng mà thôi.
 
Về không gian tâm linh:
      Dân gian nói: “Trên đầu một mũi kim, 3 Thiên tử đứng không đụng nhau”, vì thế bạn không sợ thiếu chỗ cho Phật, Thần linh, gia tiên trên cùng một bát nhang. (Nếu bạn đọc không thực sự hiểu về thế giới tâm linh, xin đừng bình luận về câu nói này).
 
Vế quan niệm đời thường:
      Nếu bạn cho rằng, Phật, Thần linh, Tổ tiên hay những người chết trẻ (bà cô ông mãnh), không thể về cùng nhau trên một bát nhang được, nghĩa là họ không thể ngồi cùng nhau. Vậy lúc dọn mâm cỗ lên để cúng, có nhà nào dọn được 4, 5 mâm cỗ để cúng riêng cho từng nhóm không? Vì không ngồi với nhau được sao ăn chung được? Rồi mỗi nhóm liệu có bao nhiêu vị bạn có biết không? nhỡ không đủ bát đũa thì sao? Vị nào hợp món ăn đó thì không nói làm gì, vị nào không hợp, không ăn được thì sao, rồi còn vị thích ăn mặn, ăn nhạt, hút thuốc, uống rượu nữa..??...
     Vì thế, lão muốn nói với bạn, trong việc thờ cúng, đừng quá câu nệ tiểu tiết, chỉ cần thành tâm là được.
(Một ban thờ Phật được lập đơn giản, chiếm ít diện tích nhưng trang trọng)
 
 
Trình tự, thủ tục và những thứ cần thiết cho việc thờ cúng mà bạn hỏi:
 
Bát nhang:
     Trong việc lập ban thờ tại gia, điều đầu tiên cần có là bát nhang, bạn có thể mua ở đâu đó tùy ý, ở chùa hay từ chợ đều như nhau. Một số người nói nếu mua phải bát nhang nhập từ Tàu, thì nó đã trấn yểm, vong nhà mình không về được mà chỉ cúng cho vong nhà nó thôi. Theo lão điều này không có cơ sở. Nhưng nếu bạn vẫn còn nghi ngại và để tránh người khác nói ra nói vào thì đừng mua bát nhang tàu (màu vàng nhạt, nhìn óng ánh) là được.
       Về vật liệu cho vào bát nhang dùng để cắm nhang, có nơi dùng cát, có một số ban  thờ liệt sĩ người ta lấy đất ở nơi liệt sĩ nằm cho vào bát nhang… theo lão, nếu không có lý do gì đặc biệt thì nên dùng vỏ trấu, hoặc rơm, đốt lấy tro, cho vào bát nhang sẽ tạo cảm giác sạch sẽ và ấm cúng nơi ban thờ hơn, và cũng dễ cắm nhang nữa.
 
Về cốt bát nhang:
       Theo lão điều này là không hợp lý nhất, chẳng nói lên điều gì cả. Nếu nói cốt đó có tác dụng trừ vong linh lạ, thì nó cũng trừ luôn hương linh nhà bạn. Mà những vật vô tri đó thì khó mà có tác dụng gì được. Vì thế chẳng cần cho cốt gì vào bát nhang cả, chỉ cần tro để cắm nhang là được.
 
Về nhang:
        Nhiều người thích nhang đậu tàn, thắp xong tàn nhang vẫn còn uốn lượn trên ban thờ mà không rụng, trông nó cũng ra vẻ hơn. Thực tế chẳng khác gì nhau, nhang đậu tàn thường sử dụng thêm phụ gia, hóa chất nên cũng có phần độc hại. Nếu nghi lễ lớn thì thắp 3 nén nhang (3 cây), lễ vừa, lễ nhỏ một nén là đủ. Linh hay không linh chẳng lệ thuộc gì vào việc thắp nhiều hay ít nhang, đốt nhiều quá chỉ gây ô nhiễm không khí, có hại cho người lễ mà thôi.
 
        Nếu là thờ vọng, thì lúc nào thuận tiện lấy một ít chân nhang ở bát nhang cũ (gốc) về cắm vào bát nhang mới, dân gian gọi là rước linh. Rước linh cho đền, chùa thì cần nghi lễ trang trọng, còn tại gia có khi chẳng cần lễ lạt gì, bạn chỉ thành tâm nói đôi lời đơn giản là được.

(Còn tiếp kỳ 2:Hướng và vị trí ban thờ trong gia đình có tạo nên tốt xấu?.
Kỳ 3: Thờ cúng trong cơ chế thị trường ngày nay)
Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
 
Bài viết liên quan:
Kỳ 2: Hướng và vị trí ban thờ trong gia đình có thực sự tạo nên tốt xấu?
Bạn nhấp chuột vào thẻ Tâm linh để đọc các bài viết cùng chuyên mục

 

  Ý kiến bạn đọc

  • Diệu ngà

    Chào thầy. Nhà cháu ở trong nam. Nhà bố mẹ chồng ở ngoài bắc. Bố mẹ chồng cháu còn sống. Chồng cháu đem hình ông bà nội vào đòi thờ. Cháu khg chịu vì bố mẹ cháu còn sống. Cháu nghĩ Một mai bố mẹ cháu mất đi thì chồng cháu mới tiếp nhận thờ nên khg chịu. Vậy cháu làm đunhs hay sai. Xin thầy cho biết. Vì chồng cháu bảo phong tục mỗi vùng 1 khác

      Diệu ngà   dieunga03@gmail.com   25/01/2019 20:09
  • Nguyen Thi Thuy An

    Kính chào Lão tiên sinh! Cách đây mấy năm 2 vợ chồng con xây được nhà và do chưa hiểu rõ nên đã làm 2 bàn thờ nhỏ treo 1 ở bếp để cúng thần linh và 1 ở trên gác để cúng gia tiên. Nay con muốn đổi thành 1 bàn thờ chung treo dưới phòng khách cho tiện thì phải làm sao ạ? Và gia đình ở quê ba mẹ vẫn còn khỏe mạnh nên có cần thờ gia tiên không hay chỉ thờ thần linh là đủ ạ? Mong Lão tiên sinh hồi âm sớm giúp để con kịp làm trước tết ạ. Con xin cảm ơn!

      Nguyen Thi Thuy An   antroiu@gmail.com   21/01/2019 09:47
  • nguyễn đức ngọc

    Chào lão tiên sinh, cho cháu hỏi: cháu thờ ba cháu chung bát hương của gia tiên có được không ạ
    Cháu xin cảm ơn

      nguyễn đức ngọc   ducngoc511@yahoo.com   09/01/2019 09:47
  • phan thị Hiền

    Kính chào Lão Tiên Sinh: CHồng con là con trai thứ trong nhà, Bố chồng đã mất. Trước đây hai vợ chồng con sống cùng mẹ chồng nay vợ chông con xây nhà ra ở riêng và anh trai chồng về ở cùng mẹ chồng. Tiên sinh cho con hỏi là khi vợ chồng con ra ở riêng thì có lập bàn thờ và có 3 bát hương lag thờ thần linh - gia tiên -và tổ cô. Nhưng bát hương gia tiên thì giờ vợ chồng con phải về nhà mẹ chồng con dể xin chân hương có phải không? Nếu xin chân hương thì phải ;làm thế nào? Mong tiên sinh hãy chỉ giúp cho con với ạ. Con Cảm ơn lão tiên sinh.

      phan thị Hiền   phanthuyhien.na@gmail.com   14/12/2018 10:03
  • Nguyễn Văn An

    Con kính chầu lão tiên sinh. Cho con hỏi một việc với ạ. Con mong lão tiên sinh cố gắng bớt chút thời gian trả lời giúp con. Con là trưởng họ. Tuy nhiên lâu nay bàn thờ tổ tiên dòng họ lại ở nhà chú con (do chú con ở với ông bà nội). Hiện tại ông bà nội, bố con và chú con đã mất. Đất để bàn thờ họ bây giờ đứng tên trích lục của thím. Con muốn xây nhà thờ họ ở đất của con và lập bàn thờ khác có được không, vì thím không cho đất, mặc dù là đất do ông bà tổ tiên để lại, cũng không cho mang bát hương và bàn thờ đi. Thực sự việc này làm con nghĩ mãi không thông. Con xin cảm ơn.

      Nguyễn Văn An   nguyenvanan.10042003@gmail.com   02/11/2018 09:44
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây