Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

THẾ NÀO LÀ THÀNH PHẬT (2)

Thứ ba - 22/11/2016 04:50
(Bài 2)
Thế nào là thành Phật ?

 
      Bạn thường nghe nói rằng một người tu hành nếu đặng chánh quả, thành Phật, sẽ thoát khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử, nghĩa là không còn sinh ra, không còn già đi, không còn phải bệnh tật, và không còn chết nữa. Nghĩa là họ về nơi bồng lai tiên cảnh, về nơi cõi Phật, cõi Niết bàn, sống đời thần tiên, họ có quyền phép vô biên và cuộc sống nhiệm màu không thể tưởng…
 
       Vậy tại sao Đức Phật Thích Ca, hay còn gọi Phật tổ Như Lai, người sáng lập ra đạo Phật, người đầu tiên thành Phật, lại cũng đã già, đã chết, đã trà tỳ?
Nếu thành Phật, nghĩa là thành một đấng siêu đẳng, vượt qua mọi lẽ của nhân gian, mọi quy luật của đời thường, thì lẽ ra ngài phải “bất tử” mới đúng chứ? Bản thân ngài đã không “Thoát tử” tử được vậy sao có thể cứu độ, giúp đỡ được cho ai? Đây là điều mà những người Nhị thừa, xem Phật như vị thần linh tối cao, quyền phép vô biên không dám bàn tới.
 
 

 
        Bình sinh Thái tử Tất Đạt Đa sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ, cuộc sống vô ưu, không phải lo nghĩ gì, tư duy của Ngài ban đầu chỉ dừng lại ở đó. Hiểu theo một cách nào đó thì cũng giống như suy nghĩ của một thiếu niên trẻ bây giờ, chưa có đầy đủ nhận thức và trải nghiệm về cuộc sống.
       Trong thời khắc đó Ngài đã không cảm nhận được cái thực tế của cuộc sống. Cho đến khi Ngài có cơ hội tiếp xúc với đời sống thực ở bên ngoài, thấy đời sống thực không như bấy lâu mình tưởng, đầu óc của ngài bắt đầu mở mang, ngài bắt đầu thấy, biết, bắt đầu cảm nhận được những nỗi bất hạnh của nhân gian. Con người khổ đau vì bệnh tật, con người buồn khổ vì phải già đi, con người nuối tiếc và khổ đau khi phải chết, con người thật khổ khi phải sinh ra, khi đến với cuộc đời này…
        Vậy có cách nào để vẫn sống mà vẫn hạnh phúc, mà vẫn thanh thản bình an, mà vẫn  thoát khỏi được những khổ đau, phiền não của kiếp nhân sinh đó không?
 
       Một câu hỏi lớn! Và Ngài đã ra đi, bước vào con đường tìm kiếm câu trả lời cho nỗi khổ của nhân gian, vì sao mà có? Làm sao để thoát khỏi?
     Trên con đường đó, Ngài cũng đã gặp những chỉ dẫn sai, gặp những phương pháp không đúng, Ngài trải qua nhiều khổ hạnh mất mát, và suýt phải trả giá bằng tính mạng của mình. Nhưng rồi cuối cùng Ngài đã tìm ra (ngộ đạo), biết vì sao người ta khổ, và biết cách để thoát khỏi nó. Từ đó ngài không còn khổ não, buồn phiền bởi mọi lẽ của thế gian nữa. Lúc nào cũng an vui tự tại, tuyệt đối hạnh phúc, cho dù hoàn cảnh có thể nào, cho dù những gì sẽ đến và dẫu cho cuộc đời có ra sao (thành Phật).
       Khi đạt được điều đó rồi, Ngài đã bắt đầu hướng dẫn cho mọi người phương pháp thực hiện để ai cũng có thể đạt được điều đó như Ngài, đó chính là Giáo lý, còn gọi là Pháp, là sự hướng dẫn, chỉ ra con đường tu hành trong Phật giáo.
 
       Kinh sách, hay gọi tắt là “Kinh”, bạn nghe nói “Kinh Tứ niệm xứ”, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Kim Cang..vv… Kinh chính là những quyển sách ghi lại những giáo lý, những tư tưởng, hay còn gọi là những “hướng dẫn” của Ngài để cho người khác có thể noi theo đó mà thực hành đặng trở thành người giác ngộ giống như Ngài.
 
 
(Thái tử Tất-Đạt-Đa)
 
 
       Trong Kinh Tứ Diệu Đế, Đức Phật Thích ca đã chỉ rõ, Con người chúng ta không khổ vì hoàn cảnh, không khổ vì những điều mà cuộc sống đem lại, mà con người ta khổ vì những ham muốn, vì cảm xúc, vì cái bản ngã, vì cái tôi của mình.
       Cho rằng cuộc sống là những khổ đau phiền muộn nối tiếp nhau, nên người ta chẳng muốn sinh ra, nhưng họ vẫn cứ được đem đến với cuộc đời này (SINH), thế là khổ. Vì không muốn già đi (LÃO), muốn tận hưởng mãi tuổi thanh xuân tràn nhựa sống, tận hưởng thú vui, nhưng thực tế vẫn cứ phải già đi một cách nghiệt ngã nên người ta thấy khổ. Vì không muốn bị sự đau đớn của bệnh tật (BỆNH), nhưng bệnh tật vẫn cứ đến và hành hạ nên con người ta thấy khổ. Vì không muốn chết (TỬ), muốn sống mãi với người thân nhưng vẫn phải chết nên người ta thấy khổ.
        Nghĩa là con người ta khổ vì những điều mình ước mong mà không đạt được, chung quy lại là con người ta khổ vì cảm xúc ham muốn của mình, mà theo cách thông thường thì cảm xúc do hoàn cảnh tạo nên, do hoàn cảnh tác động mà có. Hay nói cách khác, con người ta không khổ vì những điều mà cuộc sống, hoàn cảnh mang đến, mà con người ta khổ vì cách mình phản ứng lại với nó. Bởi cách phản ứng khác nhau sẽ tạo nên những cảm xúc khác nhau.
 
       Bạn thử nghĩ xem, nếu xung quanh bạn, ai cũng làm một công việc giống như bạn, có thu nhập giống như bạn, cũng ở trong một ngôi nhà giống y hệt ngôi nhà mà bạn đang ở, đi chiếc xe giống như bạn đang đi, họ có bệnh tật giống hệt như bệnh tật mà bạn đang có, và tất thảy họ cũng chết đúng vào lúc bạn chết… Lúc đó liệu bạn có còn phải suy nghĩ, có muốn giống ai khác nữa không? Lúc đó bạn sẽ không muốn, không khát khao điều gì nữa, vì tất thảy mọi thứ xảy ra, với bạn và với mọi người, đều giống nhau. Không có gì để mà so sánh. Vậy thì lúc đó bạn sẽ sống, một cuộc sống vui vẻ, chẳng phải ưu tư hay nghĩ ngợi gì.
 
        Nhưng thực tế lại khác, họ đi xe hơi hạng sang, bạn lại đi xe đạp; họ ở biệt thự mộng mơ, bạn ở nhà cấp chị Dậu; họ ăn sơn hào hải vị, bạn ăn những món ăn mặn chát. Người ta khỏe mạnh người ta vui, mình bệnh tật thế này vui gì chứ. Họ có nhiều tiền, bạn không có; họ có vợ đẹp chồng tài, vợ hay chồng của bạn lại giống con diều hâu; họ có những đứa con khỏe mạnh, thành đạt, bạn thì không..vv…
      Hoàn cảnh khác nhau sẽ nảy sinh sự so sánh, sự so sánh sẽ tạo nên cảm xúc. Và con người ta khổ vì những cảm xúc đó.
      Mong muốn bên trong tạo nên cảm xúc, sự so sánh tạo nên cảm xúc, hoàn cảnh bất lợi tạo nên cảm xúc, giận giữ, buồn phiền, lo âu..vv… là những cảm xúc. Những cảm xúc đó cứ lặp đi lặp lại mãi trong cuộc đời của con người ta cho đến lúc chết, cho đến tận cuối đời. Bởi thế nên trong giáo lý nhà Phật mới dùng từ ngữ, hình ảnh ví von rằng “Đời là bể khổ”, hay bể khổ luân hồi, mà chúng sinh cứ trôi lăn, ngụp lặn mãi trong đó.
 
       Nếu có một ngày bạn không còn đòi hỏi hay ham muốn để được giống như ai đó, về sức khỏe, về nhà cửa, về gia đình, về tiền bạc… (THAM). Nếu có một ngày bạn không còn giận dữ, không còn ưu phiền về việc ai đó xúc phạm bạn, về việc cuộc đời cứ đưa đến cho bạn những hoàn cảnh trái ngang, những điều không như ý nữa (SÂN). Nếu có một ngày bạn trở nên thông minh, hiểu biết, không bao giờ suy nghĩ hay hành động sai nữa, không còn phạm những sai lầm để rồi cứ phải ân hận, nuối tiếc, giá như (SI). Mà ngược lại bạn trở nên rất hiểu biết, hiểu thấu mọi lẽ ở đời, làm việc gì cũng đúng, lúc đó bạn sẽ luôn đem lại sự an vui, hạnh phúc cho mình, cho người thân và cho những người xung quanh khác. Vậy lúc đó liệu bạn còn khổ nữa không!?
 
 

 
        Trong Kinh Viên Giác có kệ: “Nếu người đoạn thương ghét / Cùng với Tham, Sân, Si / Chẳng cần tu gì khác / Cũng đều đặng thành Phật”.
      Đức Phật đã quan sát thấy mọi người đều có tính Phật; nghĩa là đều có tâm tư, mong ước mình lúc nào cũng được an vui, than thản, và có thể biến điều đó thành sự thực. Nhưng rồi chỉ vì vọng niệm tham, sân, si, mạn, nghi… che lấp nên con người ta cứ mãi quẩn quanh với những cảm xúc phiền não, mới trôi lăn trong luân hồi lục đạo của cảm xúc, chịu khổ sở không biết đến bao giờ. Vậy chỉ cần loại trừ các vọng niệm, các cảm xúc đó thì Phật tính hiện lên liền - tức là thành Phật.
 
       Chính kinh đều nói: “Tu Phật là Tu Tâm”. Tổ Bồ Đề Đạt Ma khẳng định: “Muốn cầu Phật thà cầu Tâm. Chỉ Tâm Tâm Tâm ấy tức là Phật”. “Lìa Tâm không Phật. Lìa Phật không Tâm” “Tâm tức là Phật. Phật tức là Tâm. Ngoài Tâm không Phật. Ngoài Phật không Tâm”.
       Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng cũng khẳng định: “Nếu không thấy Tâm thì học pháp vô ích”.

            Bởi vậy, về căn bản Tu Phật chính là Tu Tâm, vì thế nên bạn cần biết Tâm là gì? Ở đâu? Phải Tu nó như thế nào? Bạn cần hiểu thế nào là Tâm của Phật và thế nào là Tâm của thế gian.
Tâm của Phật được diễn tả trong Kinh là “Rỗng rang, thanh tịnh”, còn Tâm của thế gian thì ngổn ngang phiền não, đầy rẫy những đố kỵ, hơn thua, cao thấp, ghét thương, tham lam, sân hận, si mê...
        Như vậy điều cần “Sửa” (Tu), cần “Làm” (hành) là loại bỏ những tạp chất đó, những cảm xúc đó. Chỉ cần đoạn được Tham, Sân, Si, mạn, nghi, Tâm của bạn sẽ trở nên thanh tịnh và an lạc, hạnh phúc vô biên, tức bạn đã thành Phật.
 
       Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật Thích Ca chỉ rõ cho môn đệ của mình: “Anan, hiện nay các căn của ông, nếu hoàn toàn gỡ hết khắn chặt nơi trần cảnh, trong chinh phục được phiền não, trở về Chân Tâm rồi, thì hiện tiền thân căn và thế giới đều không còn, cũng như nước nóng băng tan Ông liền chứng được quả Phật”. (L.N. tr.149)
 
       Như ở bài 1: “Phật là gì?” lão đã chia sẻ với bạn, Phật tức là một từ chỉ trạng thái “giác ngộ, giải thoát” của tâm mình mà bất cứ ai đều có thể đạt tới. “Giác ngộ” là hiểu biết sâu sắc trọn vẹn, “Giải thoát” là thoát khỏi, không còn phụ thuộc vào các cảm xúc mà hoàn cảnh đem đến nữa. Lúc đó bạn đã Thành Phật. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên luôn an vui, tự tại, hạnh phúc viên mãn, vĩnh hằng, không bao giờ còn phiền muộn bởi bất cứ điều gì xảy ra trong đời nữa. Đời sống của một con người khi đạt đến trạng thái như thế, được người ta dùng hình ảnh, từ ngữ ẩn dụ để mô tả đó là Phật, là cõi Phật, Là thoát luân hồi sinh tử, là chốn Bồng lai tiên cảnh, là cõi Niết Bàn..vv…
       Nhưng hãy lưu ý, đây là một điều khó, hết sức khó, nó thường nằm ngoài giới hạn mà một con người bình thường có thể đạt tới. Bạn chỉ đạt được sự giác ngộ khi bạn không còn phụ thuộc vào cảm xúc nữa. Hoặc ngược lại, chỉ khi bạn hoàn toàn thoát khỏi, không còn phụ thuộc, dính mắc, bị tác động bởi những cảm xúc do hoàn cảnh, đời sống mang lại, lúc đó bạn mới giác ngộ.
 

 

 
       Bạn thường nghe nói Niết Bàn là cõi, là nơi mà các vị Phật tồn tại, sinh sống. Hay nói cách khác nếu một vị tu hành mà trở thành Phật vị đó sẽ được về nơi Niết Bàn sinh sống và tồn tại. Đó là cõi thần tiên, chốn Bồng lai, là cõi Phật, họ không còn phải sống ở nơi của trần gian lao khổ nữa. Không phải vậy.
        Chúng ta hãy lắng nghe, trong chính kinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xác định Niết Bàn: “Này Bà La Môn, khi vị ấy cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân đoạn tận không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận không có dư tàn. Như vậy này Bà La Môn Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người tri giác hiểu”. (Kinh Tăng Chi tập 1 trang 285).
 
       Niết Bàn, hay cõi Phật chẳng qua là một danh từ để chỉ cho chân lí thứ ba (Diệt đế) mà trong kinh Tứ Diệu Đế, Phật tổ Như Lai đã nói rõ. Diệt đế là một trạng thái của tâm không còn tham, sân, si nữa. Là một trạng thái tâm không còn bị các ham muốn chi phối (ly dục), không còn bị những cảm xúc được mất hơn thua làm ảnh hưởng (ly ác pháp).
Cho nên Niết Bàn hay cõi Phật là một trạng thái của tâm mình. Đó là một trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự của thân tâm, dù cho bất cứ các cảm thọ hay các ác pháp nào đến cũng không làm cho họ dao động tâm được.
 
        Khi một người bước vào con đường tự sửa đổi thân tâm mình (tu hành), tu chứng rồi, ngộ đạo rồi, thành Phật rồi, họ sẽ về đâu? Ngay chỗ trạng thái tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là chỗ về. Nghĩa là họ vẫn là họ thôi, vẫn ở đây, vẫn sống cuộc sống đời thường như bao người khác. Cái khác của họ là không còn khổ đau hay phiền não nữa, mà ngược lại họ luôn an lạc, hạnh phúc và viên mãn. Trạng thái tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi đó là Niết Bàn. Niết bàn hay cõi Phật là một trạng thái của cái Tâm con người không còn tham, sân, si nữa, chứ không phải có cảnh giới Niết Bàn để về, có cõi Phật để đến.
 
       Bởi vậy, lão muốn nhắc lại với bạn lần nữa, “thành Phật” không phải là thành một “ông Phật” có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp sống thoát tục ở cõi nào đó. Trở thành một người có quyền phép vô biên có thể cứu độ cả tam thiên đại thiên thế giới, hào quang chiếu khắp 4 cõi…  Thành Phật, là đạt được thành tựu trên con đường tự giác ngộ (hiểu biết sâu sắc), và tự giải thoát (không còn phụ thuộc vào cảm xúc do hoàn cảnh mang lại), cho cái Tâm của bản thân người thành mà thôi.
 
        Về hình ảnh Đức Phật ngồi trên Tòa Sen chúng ta đừng hiểu nhầm đó là một sự cao siêu, mầu nhiệm, hay hiển linh gì. Đó chỉ là hình ảnh tượng trưng của một vị nhờ tu sửa Thân, Tâm, nên đạt được kết quả là Giải Thoát Phiền Não, sống giữa phiền não mà không còn bị phiền não làm ô nhiễm hay tác động đến .
       Tượng trưng thôi bạn nhé, Phật Thích Ca Mâu Ni là người thật như chúng ta, ngài không thể ngồi trên đóa hoa sen được. Và còn nữa, hình ảnh của Ngài mà chúng ta đang nhìn thấy, đang được tạc tượng đặt trong các ngôi chùa, được in ảnh treo khắp mọi nơi, cũng chỉ là hình ảnh mô phỏng, tưởng tượng của người đời sau mà thôi, đó không phải là hình ảnh thật của Ngài, của người đầu tiên tìm ra chân lý. Vì thời Đức Phật, cách đây hai nghìn năm trăm năm, xã hội chưa phát triển, chữ viết còn chưa ra đời, lấy đâu ra phương tiện mà lưu lại hình ảnh.
        Người ta đã tạo dựng ra một hình ảnh thoát tục, viên mãn, không còn bị tác động bởi những cảm xúc buồn vui sướng khổ của đời thường, để làm biểu tượng cho mọi người hướng tới. Thế nên, đôi khi vào những ngôi chùa, nếu bạn thấy người ta cứ tôn thờ những bức tượng “Phật” mà mặt mũi lại cứ đăm chiêu, nhăn nhó, trầm tư, hay đang có vẻ ra chiều suy nghĩ lắm. Đó là cơ hội để cho bạn, cho những người khi đọc xong bài viết này sẽ mỉm cười thú vị. hi.
 
 

 
       Thành Phật là thành ngay giữa đời thường, và vẫn là người thường, sống cuộc sống đời thường chứ không phải là đợi chết rồi, biến thành thần tiên hay biến thành ai đó và đi về cõi nào đó. Chết rồi thì còn nói gì nữa.
       Khi tu xong cái tâm của con người sẽ không còn tham, sân, si nữa, thì cái tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi, không còn bị ngoại cảnh hay cảm xúc đời thường chi phối đó sẽ trở nên luôn an lạc, ung dung tự tại, tự do vĩnh cửu và hạnh phúc vô biên, chính là trạng thái Niết Bàn của tâm, là thành Phật.
       Cái giải thoát phiền não giữa rừng phiền não, sống giữa cuộc sống đầy ngổn ngang phiền não mà không hề phiền não đó được ví như hoa Sen, vươn lên từ bùn mà không nhiễm mùi bùn. Cho nên Đạo Phật đã dùng hình ảnh của Đức Phật ngồi trên đài Sen là để tượng trưng cho ý nghĩa đó.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây