Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Cách phân biệt Sư tu thật và Sư tu giả (7)

Thứ sáu - 02/12/2016 05:23
(Bài 7)
Cách phân biệt Sư tu thật và Sư tu giả

 
       Thi thoảng bạn nghe trên báo nọ, đài kia phát hiện được sư khất thực, sư giả, lợi dụng lòng tốt của mọi người. Và để xác định sư thật sư giả, người ta sẽ tìm hiểu xem họ có đang tu ở chùa nào không? Có tên trong hội Phật giáo không?..vv… Hoặc có những vị tuy là sư thật nhưng lại có những hành động, phát ngôn khiếm nhã khiến mọi người phải nghi ngờ đặt câu hỏi... Nhưng thực ra đó cũng chỉ là phường hạ đẳng, hạng tép riu mà thôi, không đáng cho chúng ta phải bàn tới.

 

  
       Tu giả mà có tri thức mới đáng bàn. Khi người ta mượn danh tôn giáo, nhân danh Phật, mượn danh tâm linh, nhân danh điều thiện, nhân danh cứu khổ cứu nạn, nhân danh dẫn dắt bá tánh tu hành; trong vai những trụ trì, trong vai những vị thầy tu khả kính hay những vị có chức sắc của giáo hội mà những người xung quanh bạn đều tôn sùng, thì khi đó bạn không dễ phân biệt họ là thật hay giả.
        Bạn không dễ phân biệt bởi vì không phải bạn không biết, về mặt cảm nhận bạn vẫn ngờ ngợ, nhưng về mặt ý thức, về logic, về thực tế bạn không đủ can đảm để chỉ rõ ra điều đó. Một cách mơ hồ, bạn sợ niềm tin vào điều thiện, vào sự tốt đẹp ở bên trong mình sẽ bị đổ vỡ. Vì sao những người tu hành lại có sức hấp dẫn bạn? Vì theo một cách mặc định của nhân gian họ là tượng trưng cho điều thiện, cho điều lành. Mà trong chiều sâu của tâm thức con người ai cũng hướng đến những điều thiện lành đó, và một cách mơ hồ người ta sợ nó đổ vỡ.
        Bạn không dám phân biệt sư tu thật và sư tu giả, hoặc vì bạn sợ thất lễ bởi lối suy nghĩ: cho dù họ không được hoàn hảo lắm nhưng chắc cũng hơn mình. Mặt khác, cũng do bạn không thực sự hiểu rõ thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng nên bạn không dám quả quyết. Để rồi đa số đám đông đều chọn cách: thôi thì đó là việc của họ, chuyện của thiên hạ… tất thảy họ đều mang trong mình một cảm giác nghi ngại mơ hồ.
 
        Ở đời, người ta rất khôn khéo, mượn chiếc áo tu hành để được học hành tới nơi tới chốn, để tạo được danh lợi dễ dàng hơn so với người đời; khi có bằng cấp lại được tấn phong Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng..vv… khiến cho nhiều người nhầm tưởng họ không những là người tu hành mà còn là sư có đẳng cấp.
        Thực ra, chỉ cần với nhận thức của một người bình thường, chẳng cần phải là một người tu hành chân chính hay một người am hiểu giáo lý nhà Phật, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra đâu là một người tu sĩ thật, đâu chỉ là kẻ đội lốt thầy tu, qua hai khái niệm nhỏ sau:
 
1/. Về phạm trù đạo đức:
 
        Dù là Thánh Hiền, chư Phật, chư Bồ Tát, tất cả phàm phu hoặc mọi chúng sanh cũng đều sinh ra từ nhân quả. Mà đã từ nhân quả sanh ra thì đều sống trong hành động thiện, ác. Hành động thiện là đạo đức, và hành động ác là phi đạo đức.
Lại nữa, bạn hãy xem giáo lý nhà Phật định nghĩa về thiện ác như sau: “Hành động, suy nghĩ, việc làm biết vì người là thiện. Hành động, suy nghĩ, việc làm chỉ vì mình là ác”.
          Nhân danh tôn giáo, mượn cửa chùa để thực hiện đủ mọi thứ lễ nghi, cúng bái, nào là cầu an, cầu siêu, cúng dâng sao giải hạn, cúng chúng sinh, cô hồn các đảng..vv… Mục đích cũng chỉ để trục lợi cho mình, bởi họ thừa biết những việc làm đó chẳng có tác dụng gì cho bá tánh, chỉ là tập tục mê tín của ngoại đạo và đi ngược lại với giáo lý của Đạo Phật. Nhưng chỉ vì để trục lợi cho mình mà họ đã làm cho dân chúng thiệt hại tiền bạc đáng kể, thứ mà người dân phải vất vả mưu sinh mới kiếm được, còn tiêu tốn thời gian vô ích và đôi khi đi vào ngõ cụt nữa. Há chẳng phải đó là những hành động ác, những việc làm phi đạo đức sao?
          Biết mình tu chưa chứng đạo, thậm chì còn biết rõ sẽ chẳng đi về đâu vì đã chọn cách tu hành không đúng như Đức Phật chỉ dạy. Vậy mà đăng đàn giảng pháp, lôi kéo Phật tử, thu nạp đệ tử, hướng dẫn người khác tu hành để rồi làm cho họ lầm đường lạc lối, uổng phí cuộc đời, chẳng phải là việc ác sao? Chưa biết đúng sai thế nào mà đã đi hướng dẫn cho người khác theo mình thì liệu có phải là hành động phù hợp với đạo đức?
 
        Toàn bộ “giới luật” của Phật đều dạy chúng ta phải sống và hành động đạo đức để thành người, thành Thánh nhân, thành Phật. Vì sao những người hành động thiếu đạo đức mà chúng ta lại nương tựa vào họ, cung kính họ, hay nhờ họ chỉ dẫn như một cứu cánh về tinh thần?
 
 

 
2/. Về giới luật:
 
        Đời sống của một người tu hành chân chính là đời sống đức hạnh của một bậc Thánh Tăng, vì thế chúng ta dễ nhận xét. Một vị Thánh Tăng không phải ở chỗ y áo cà sa, không phải ở chỗ đầu cạo có sạch hay không, có già hay không, có bằng cấp, chức tước gì hay không, có đông đảo Phật tử và người tu đi theo hay không… mà ở chỗ họ không vi phạm giới luật. Một chú Sa Di mới 8 tuổi mà đã là bậc Trưởng Lão, vì đã tu tập thanh tịnh. Còn một vị Tỳ Kheo 80 tuổi mà giới luật không thanh tịnh, dù thông suốt Tam tạng kinh điển vẫn không được gọi là người tu hành chân chính.
 
          Đạo Phật đề ra những giới luật, quy định, cho những người tu hành, để người tu hành tuân theo đó, từng bước mà đoạn sở hữu, không còn vướng mắc vào các pháp hữu vi, từ đó đưa con người đến chỗ thanh tịnh, thoát tục và giác ngộ (Giới, Định, Huệ). Không tuân thủ theo những quy định đó thì cái Tâm của người tu sẽ mãi dính mắc với phàm trần, muôn kiếp tu hành sẽ chẳng đạt được gì cả.
 
          Một vài ví dụ về một số giới luật, quy định đơn giản của Phật giáo:
1/. “Không được nằm trên giường cao, nệm ấm…”: Phật giáo không chủ trương khổ hạnh, nhưng đó là điều cần thiết cho người tu. Bởi khi cái thân được chiều theo cảm giác, thỏa mãn sở thích trong chăn mềm, nệm sang… thì sẽ mãi phụ thuộc vào nó. Bởi việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào cảm xúc (Giải thoát) là điều rất khó, là một quá trình miên mật, tinh tấn nhiều năm, nếu không bắt đầu từ bây giờ thì bao giờ mới bắt đầu? Tu mà lần lữa mãi không hành thì sẽ chẳng đi về đâu cả. Nhưng những điều ta thấy thì phần lớn ngược lại, hàng trụ trì trở lên đều có nơi ở riêng, trang trí sân vườn, tiểu cảnh theo kiểu bồng lai tiên cảnh, có phòng ngủ sang trọng, đắt tiền. Họ luôn chạy theo cảm xúc đời thường, tận hưởng thú vui do cảm xúc từ vật chất mang lại, vậy sao dứt khỏi trần lao ngoại cảnh được?
 
2/. “Không được ở trong chùa to, tháp lớn, không được tích trữ tiền bạc…”
          Tu Phật là Tu Tâm, là sửa đổi cái bên trong mình, liên quan gì đến chùa to, phật lớn? Ngược lại nó khiến người ta khó mà tu hành. Chùa to, phật lớn chỉ để ra oai, thể hiện, thỏa mãn cái danh mà thôi. Rằng mình cũng có công lao xây dựng chùa, có di sản để lại cho đời sau; rằng mình có nhiều Phật tử theo chứng tỏ mình là một nhà sư thông thái, có trình độ… Tăng nghĩa là tịnh, một người đang tu hành, đang trên đường đi tới chứng ngộ thì cần phải thanh tịnh. Việc cố ý lôi kéo nhiều người đến chỉ làm cho mọi thứ trở nên huyên náo, ồn ào, nảy sinh nhiều thủ tục và hệ lụy vậy Tu sao đặng? Phần lớn ẩn đằng sau đó cũng chỉ là danh và lợi mà thôi.
        “Không được tích trữ tiền bạc, của cải…” Không phải vô cớ mà giới luật của Phật giáo đã quy định như thế. Bởi nếu không như vậy thì sao đoạn được tâm tham, chưa kể còn tìm mọi cách để kiếm được nhiều tiền. Một người sở hữu sẽ bị sở hữu lại, một người sở hữu vật chất, tiền bạc sẽ bị tiền bạc, vật chất chi phối sở hữu, trở thành nô lệ cho chúng. Cho nên một người sở hữu vật chất, tích trữ tiền bạc mà muốn tu hành chẳng khác nào con lạc đà muốn chui qua lỗ kim.
        Ngày nay sư sãi muốn xây dựng chùa mình cho to để ghi danh với đời, xe cộ đủ loại để thể hiện đẳng cấp, đã lợi dụng tôn giáo bày ra pháp cúng dường nhiều sẽ được nhiều công đức để làm tiền Phật tử. Họ cũng chẳng khác gì người đời đang mưu toan thế sự, thỏa mãn nhu cầu cho bản thân và bản năng. Thậm chí về nhân cách họ còn kém xa người  phàm, người đời; bởi người đời kiếm tiền chân chính dựa vào mồ hôi, nước mắt của bản thân. Còn họ mưu toan trên sự nhẹ dạ, cả tin của người khác, thậm chí còn dẫn dắt họ vào con đường tà đạo sai với lời Phật. Một kiểu lừa lọc nhân danh tôn giáo.
        Họ có thể ngụy biện rằng mình chỉ là người đang tu chứ không phải là đã tu chứng ngộ. Họ có thể ngụy biện rằng mình là người phàm đi tu chứ không phải Thánh nhân giáng trần đi tu, nên mình cũng có những hành động, tính cách của người phàm. Một sự ngụy biện thật dễ nghe và dễ cảm thông làm sao.
        Người phàm đi tu là để đoạn bỏ tính phàm, cứ giữ mãi phàm tính như vậy sao gọi là tu? Chưa chứng ngộ nghĩa là tu chưa đạt kết quả, chưa đạt thì vẫn còn chưa biết mình đúng hay sai, vậy sao lại hướng dẫn người khác tu hành? Nhân danh Đức Phật mà chuyển Pháp luân chẳng phải là một tội lớn hay sao?
 
       Cuộc đời đôi khi cũng thật trớ trêu và nghịch lý, bạn bắt được một tên trộm, tên trộm ngụy biện rằng hắn đang lấy bớt của những người có nhiều hơn để làm cho xã hội trở nên công bằng, bạn liền nguyền rủa, mạt sát hắn thậm tệ. Bạn quyết bắt hắn phải trả giá. Nhưng một người nhân danh việc tu hành để ngụy biện cho những hành động trái đạo lý của mình, rằng mình cũng chỉ là con người lại được đông đảo mọi người chấp nhận và cảm thông?
 
 

 
3/. “Không được ăn uống phi thời”…
          Người tu sĩ trong giai đoạn tu hành thường không trực tiếp làm ra vật chất, của cải, vì thế họ phải sống bằng sự cúng dường, bố thí của người khác. Họ phải ăn ít đi để tự mình hạn chế tâm tham, dần làm chủ cái tâm không để nó chạy theo việc thỏa mãn thú vui ăn uống của bản năng. Làm chủ cảm xúc, mới đặng có thể tu hành. Phần nữa là vì cơm áo do người khác làm ra, người ta phải khổ, mình ăn ít đi để giảm nỗi khổ, giảm gánh nặng cho người khác, chỉ đủ nuôi sự sống cho bản thân là được rồi, đó cũng là biểu thị của lòng Từ bi mà một người tu theo Phật cần phải tự mình vun đắp theo ngày tháng.
“Không ăn quá ngọ”, “Thiểu dục tri túc”… Giới luật nhà Phật đã đề ra như thế, nên người tu hành chân chính thường chỉ ăn ngày 1 bữa vào giờ trưa, đó là một bữa ăn đạm bạc, thanh tịnh và an bình. Không tận hưởng hay bị chị phối bởi lạc thú trong ăn uống, từ đó làm chủ cảm xúc của tâm. Vậy mà ngày nay khối kẻ mang danh tu hành lại ăn uống phi thời, có khi ăn uống toàn sơn hào hải vị, thức ăn đồ uống, đồ bổ, thứ gì cũng có, thậm chí có vị còn chỉ ăn chay mỗi tháng mấy ngày, quả thật là… hết chỗ nói.
          Ở quê lão thi thoảng có sư về giảng đạo, trẻ con lại thì thầm rỉ tai nhau: “Sư mà béo tốt, trông mặt mũi đầy đặn thì nói  mình đừng có nghe”. Có lẽ trong cách suy nghĩ của chúng, béo tốt ắt phải ăn nhiều, ăn nhiều thường do không cưỡng lại được sự thích thú khi thưởng thức mùi và vị của thức ăn, ngắn gọn lại là tham ăn. Tu hành mà tham, thì đã phạm vào đại nghiệp, chỉ là phường tà đạo mà thôi. Cách lý giải của con trẻ tưởng chừng ngô nghê vậy mà đúng, chẳng sai tí nào.
 
          Trên đây lão chỉ mới dẫn ra vài giới luật cơ bản, quy định của nhà Phật mà ai cũng biết thôi. Chứ giới luật, quy định thì nhiều lắm, ví dụ người Phật tử phải giữ 5 giới. Sa-di phải giữ 10 giới không được lơ là. Tỳ kheo phải giữ 250 giới không được phạm..vv…
 
          Con đường tu hành (tu sửa thân tâm) để đạt được giác ngộ, giải thoát tất nhiên  chẳng phải dễ dàng, có người mất nhiều năm, có người mất cả cuộc đời mà cũng chẳng đạt được. Nhưng bước chân vào hàng tu sĩ lẽ nào họ không nhận ra con đường nào đúng, con đường nào sai? Bởi lẽ đó chẳng phải kiến thức siêu phàm hay màu nhiệm đến mức mà người thường không hiểu nổi, ngược lại đó là những kiến thức cơ bản được xây dựng trên nền tảng đạo đức làm người, mà kẻ sơ cơ hay hàng ngu dốt nếu bỏ chút thời gian tìm hiểu cũng đều sẽ biết rõ. Xác định tu hành chân chính hay xác định chỉ lợi dụng Tôn giáo, xác định làm chân sư hay tà sư, tu sĩ hay chỉ là ma vương, thực ra họ đều đã quyết định lựa chọn và họ hiểu rất rõ điều đó. Chỉ có người ngoài là không hiểu mà thôi.
        Một người bình thường nhìn bên ngoài có thể thấy họ sử dụng phương tiện giống nhau, cũng tọa thiền, cũng truyền pháp, cũng giảng đạo, cũng từ thiện, cũng hướng dẫn tu hành..vv… Nhưng mục đích của họ lại khác nhau. Sự khác nhau đó sẽ được biểu hiện ở lối sống. Người tu hành chân chính sẽ có phẩm hạnh, đời sống của một bậc thánh tăng, kẻ dối thế gạt đời sẽ không dấu nổi biểu hiện của người phàm tục.


 

 
        Khuyên người ta giữ giới, nhưng mình lại phá giới. Khuyên người ta đừng làm điều bất lương nhưng mình thì ngược lại. Khi giảng đạo họ khuyên người khác đừng làm điều ác, kẻo bị đọa địa ngục. Làm việc thiện, cúng dường nhiều để được công đức, phước báo; nếu không sẽ bị trầm luân trong bể khổ, phải đầu thai làm súc sinh, ngạ quỷ, còn chẳng được làm người bình thường để sống yên ổn. Nhưng họ thì thừa hiểu, Thiên đường hay Địa ngục, cõi Phật hay Tây Phương chỉ là những hình ảnh ẩn dụ, không có thực. Súc sinh hay ngạ quỷ chỉ là từ trừu tượng chỉ trạng thái cảm xúc của bản thân… Vì thế mà họ lại ngang nhiên làm những điều trái đạo, mưu cầu cá nhân dựa trên niềm tin ngây thơ của người khác. Họ chính là những ma vương đội lốt tu sĩ. Họ có thể viết dăm ba quyển sách do trí tưởng tượng khiến người đời nhầm tưởng họ thông thái. Họ có thể thay đổi lời Phật, giảng đạo theo ý đồ, để ngụy biện cho những hành động của mình, nhưng rồi sâu bên trong họ, thì tất thảy đều biết việc làm của mình là đúng hay sai. Cái tâm của họ mắc kẹt giữa đúng và sai, giữa lương tri và bản năng, giữa thánh nhân và phàm phu… thì sao có thể gọi là thanh tịnh, làm sao có thể đạt được tâm thanh thản và an lạc?.
 
          Trong xã hội, một kẻ hiểu luật, thực thi luật mà lại cố tình phạm luật, thường bị xử tội nặng hơn, bị mọi người lên án và xem thường nhiều hơn. Nhưng một người hiểu rõ giáo lý nhà Phật, hiểu rõ con đường tu hành  nhưng lại không làm theo, mà làm ngược lại, lợi dụng nó để thực hiện mưu đồ, lường gạt người khác, lại khiến đông đảo mọi người tôn thờ, kính trọng. Chả trách gì người ta lại gọi bây giờ là thời mạt Pháp, hàng triệu người tu mà chẳng mấy người đắc. Đó cũng là lý do khiến cho đạo Phật đã biến mất khỏi Ấn Độ, nơi khởi nguồn của một tôn giáo đầy chất nhân văn.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc
 Kỳ tiếp: Phật có cứu độ được Chúng sinh? (Bài 8)

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây