Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Hướng và vị trí ban thờ trong gia đình có thực sự tạo nên tốt xấu?

Thứ hai - 09/05/2016 06:14

Kỳ 2: Ban thờ đặt hướng nào tốt?
(tiếp theo kỳ trước)
 
Bài trí ban thờ:
      Bạn cần phân biệt hai khái niệm:
Bàn thờ:  Chỉ một diện tích cụ thể (ví dụ mặt bàn), trên đó để các thứ thờ cúng.
Ví dụ nói: bát nhang đặt trên bàn thờ…
Ban thờ:  Chỉ chung khu vực riêng dùng để thờ tự. Ví dụ khi nói: Có một bức phù điêu trên ban thờ. Nghĩa là có một bức phù điêu ở khu vực thờ tự đó, nó có thể được treo trên cao, gắn trên vách, chứ không cứ là phải đặt trực tiếp lên bàn thờ. Người ta hay nói trong ngôi đình nọ có ban thờ Phật, có ban thờ Thánh..vv…
 
 

 
 
        Bài trí ban thờ trong gia đình thì cứ tùy gia cảnh mà bày biện. Cũng không nhất thiết bắt buộc phải theo quy chuẩn nào cả. Người giàu sang thì có phòng thờ, nhà thờ riêng, có bàn thờ chân quỳ chạm trổ, có nhiều cấp, sơn son thếp vàng, có long ngai, hoành phi, có bộ ngũ sự, thất sự, có câu đối, độc bình, hạc chầu đôi bên, giá đũa, giá nến, chưng đèn kết hoa..vv… Người không có điều kiện thì chỉ cần kiếm chỗ nào đặt tạm mỗi bát nhang thôi cũng đủ rồi.
 
 Độ cao của bàn thờ:
       Ngày nay người ta truyền miệng nhau theo thước Lỗ Ban, độ cao của mặt bàn thờ để đặt bát nhang là 1,27m thì tốt nhất (nó rơi vào cung tốt trên thước Lỗ Ban). Theo lão kiểu lý luận này không có cơ sở, vì họ chẳng hiểu bản chất của thước Lỗ Ban là gì, có tốt xấu thật hay không? (Lão sẽ lý giải ở một bài viết khác).
      Nhưng xét về mặt thực tế, độ cao đó (hoặc hơn kém nhau một chút) không quá cao để ta phải kiễng chân, nghển cổ, và cũng thuận tiện cho việc bày biện, lau chùi. Nó cũng không quá thấp để giảm đi tính trang trọng của ban thờ, vì thế cũng là hợp lý.
Nếu ban thờ đặt cao quá, mỗi khi cúng kiến, phải đứng trên ghế cao, hay phải bắc thang leo trèo kể cũng bất tiện, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Đôi khi tốt lành đâu chưa thấy mà đã phải nhập viện vì bị ngã rồi.
Nhưng với những gia đình điều kiện chật hẹp thì việc có một nơi thờ tự theo ý mình là bất khả thi, vì vậy cứ tùy theo hoàn cảnh hiện tại của mình mà làm, không sao cả.
 

Về vị trí và hướng đặt ban thờ:
- Về vị trí:     
     Theo truyền thống, ban thờ được xem là là nơi nghiêm túc và quan trọng nhất trong gia đình, vì thế ngày trước ông bà mình thường đặt ở gian giữa, hay còn gọi “gian bảy” (nơi diễn ra, bàn bạc 7 sự việc chính trong gia đình: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục).
       Mọi người thường xuất hiện ở đó với thái độ, tinh thần, bộ dạng dễ coi nhất, kẻo làm giảm ý nghĩa, giảm sự tôn trọng với ông bà tổ tiên và còn thể hiện tính nề nếp, gia phong, gia giáo.
Vì thế trong gia đình bây giờ, chọn nơi đặt ban thờ, bạn cứ đặt ở chỗ nào mà bạn ít qua lại hay xuất hiện trong bộ dạng được cho là thường ít nghiêm túc nhất là được. Ví dụ: tránh đối diện với khu vệ sinh, nhà tắm, phòng ngủ, bếp.
        Ngày trước ban thờ được ông bà mình đặt ở nơi trung tâm của ngôi nhà, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, là nơi thường tập trung đông người trong gia đình. Là nơi gia chủ thường xuất hiện nhiều thời gian nhất, trong trạng thái tinh thần tốt nhất, đó chính là yếu tố quan trọng chủ yếu làm cho ban thờ trở nên ấm cúng (tăng sinh khí, nói theo ngôn ngữ hiện đại).
       Ngày nay do kết cấu nhà ở, do điều kiện sống mà ban thờ được bày biện khác đi. Cũng có trường hợp do sính lễ quá đáng, bày biện nơi thờ tự một cách quá mức và có mục đích, vì ngại người khác tò mò, dị nghị, nên mới đẩy nơi thờ tự vào phòng riêng, lên tầng cao..vv…
 

- Về hướng ban thờ:
       Có người nói ban thờ nếu đặt ở nơi ai cũng nhìn thấy thì dễ hao tài, tốn của... Vậy ở các đình chùa, nhà thờ dòng họ, gia tộc, hay nơi thờ các danh nhân, khoa bảng thì sao?
Theo tâm lý, người ta thường chỉ không muốn người khác nhìn thấy điều xấu hay việc không tốt của mình. Thờ cúng là việc xấu ư? Trong khi đó họ cũng đang cố thuyết phục bạn việc thờ cúng thế nào cho đúng cách là hết sức cần thiết, là nét đẹp… Đó chẳng phải là một lối nói hết sức mâu thuẫn sao?
Nếu tư duy một chút chúng ta sẽ nhận ra đầy rẫy những sự mâu thuẫn, những sự không hợp lý khi nghe họ nói về cách thờ cúng. Lão mà nói tiếp thì sẽ không có hồi kết, bạn cần hỏi gì thêm hãy bình luận phía dưới bài viết nhé.
 
    Có người nói cần phải đặt ban thờ theo phong thủy, theo tọa độ, hay cho hợp với bản mệnh của gia chủ, đặt vào cung xấu thì gia đình khó làm ăn, đặt sai vị trí thì nảy sinh bệnh tật..vv…
 
      Không phải vậy đâu bạn, họ chỉ nhai lại bã mía của  nhau mà thôi, người này phịa ra thế thì người khác cũng nương theo đó thêm thắt vào mà hù dọa hay kích động lòng tham của người khác. Những người đưa ra những luận điểm đó, liệu có ai đã giải thích được vì sao? một cách thấu đáo và thuyết phục chứ?
     Kiến thức về tâm linh thì chỉ lấy từ chuyện ma, từ những giả thiết giả tưởng của những bộ não chưa hề biết đi xuống dưới (đọc bài “Về với yêu thương”), từ những đồn thổi thất thiệt tam sao thất bản. Lại chẳng có chút hiểu biết gì về khoa học, đạo nghĩa, chẳng có một luận cứ, dẫn chứng hay lý giải nào thuyết phục. Vậy mà cũng khối kẻ tin theo thế mới kỳ.
    Trong thực tế, nếu bạn muốn tìm thấy được một ai đó đã khỏi bệnh thực thể, một nhà nào đó đã thay được đời, đổi được vận nhờ thay đổi vị trí và hướng ban thờ, sẽ còn vạn lần khó hơn tìm lá diêu bông nữa.
      Vì thế, bạn đừng nên bị tác động bởi những cách nói này, chỉ là do giới buôn bán, hành nghề tâm linh nửa mùa vẽ vời ra có mục đích của họ mà thôi. Và họ thực sự cũng chẳng hiểu cái gọi là Phong thủy, thực hư ra sao, tốt xấu do đâu mà đến, (lão sẽ phân tích ở bài “Sự thật về phong thủy”).
 
     Bởi vậy, bạn chỉ cần để ý một chút về những điều cơ bản lão đã nói ở trên, còn lại trong gia đình nhà mình, tùy không gian, tùy hoàn cảnh mà bạn chọn vị trí, chọn hướng, hay bày biện ban thờ sao cho thuận mắt và tiện cho sinh hoạt của gia đình là được. Cho dù có điều kiện thì cũng chỉ nên bài trí sao cho dễ coi, tạo cảm giác thân thiện, ấm cúng. Đừng rình rang quá lại thành ra khoe mẽ, còn tạo cảm giác âm u, không thoải mái trong gia đình.
 
 
Về lễ:
      Theo lão trên ban thờ thì vật phẩm cúng tế tượng trưng cho vật chất, hoa tượng trưng cho tinh thần. Nếu không có hoa bạn có thể ngắt một cành lá nào đó trong vườn nhà bạn thay thế. Khói nhang bảng lảng, quện với hoa lá tinh khôi sẽ cho ta cảm giác thanh bình, ấm cúng và yên ả hơn (không có hoa lá gì cũng chẳng sao cả).
 

Về vật phẩm cúng tế:
      Cái này cũng tùy mình thôi, đơn giản thì gói bánh hoặc dĩa trái cây..vv… hoặc thắp nhang không thôi cũng được. Lễ Phật thường người ta cúng đồ chay, tại gia nếu muốn thêm chút mặn có thể dùng bánh chưng, giò chả tượng trưng, nhà nào sang hơn thì cỗ xôi, con gà hay làm mâm cỗ… Nói chung là nên tùy điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm và nghi lễ, đừng nên cứng nhắc.
Tiền vàng âm phủ (vàng mã) có hay không tùy thuộc vào tập tục mà nơi bạn sinh sống (rồi lão sẽ có bài người âm tiêu tiền vàng, sử dụng hàng mã thế nào).
 
        Khi nhờ các thầy cúng bái, các thầy thường biện ra đủ thứ lễ lạt, vật phẩm, chạy mua cho được cũng hết hơi, có nhiều thứ còn chẳng biết nó là cái gì, phải mua ở đâu nữa, nhiều người ngại nên khoán luôn cho thầy. Việc này có 2 mục đích, một là khi được khoán lễ thầy cũng có thêm thu nhập, hai là nghi lễ rườm rà, sách vở, phức tạp, dễ tác động được vào tâm lý khổ chủ hơn.
 

Về nghi thức vái hoặc lạy:
         Những người mộ đạo thường quan niệm đã lễ thì phải lạy để biểu thị tâm thành, nên trước ban thờ họ trải sẵn chiếu, nhà nào sang thì sắm luôn bục gỗ để tiện cho việc lạy, rồi còn lạy sao cho đúng, cho đẹp nữa.
Về mặt hình thức, quỳ lạy sẽ tạo được cảm giác tôn kính và cũng làm cho khung cảnh của nghi lễ trở nên tôn nghiêm hơn.
     Cũng tùy bạn thôi, việc đứng chắp tay lễ hay quỳ lạy tùy vào cảm nghĩ của người hành lễ trong nghi lễ đó. Đôi khi nếu cảm được cái ân to lớn của cha mẹ, của người đã giúp đỡ hoặc đưa đường chỉ lối cho mình, tự nhiên người ta sẽ quỳ xuống để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ mà chẳng cần phải lý do sách vở gì. Đứng trước đại họa, quá sức chịu đựng, tự nhiên người ta đứng không vững, cũng tự khắc biến thành quỳ lạy.
 
        Ngoài ra còn tấu sớ nữa, theo lão tấu sớ thì thường chỉ nên dùng cho nghi lễ chung nơi công cộng, để biểu thị tính hình thức của nó mà thôi. Tấu sớ thường viết bằng hán nôm, nếu người ngồi trên ban thờ nhà bạn, hay nơi bạn đến lễ lại chẳng biết tiếng hán, tiếng nôm mà bạn cứ ngắc ngứ đọc cái này lên thì chắc các vị cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ cho lắm.
 

Về văn khấn:
        Tùy vào ban thờ nhà bạn thờ nhiều đời hay ít, nhiều gia đình có gia phả hẳn hoi, có tên húy, ghi rõ dị hiệu từng vị. Lúc khấn lại phải đọc rõ dị hiệu, lại còn kèm với cao tằng tổ khảo… Nếu bạn là người trẻ, lại chẳng hiểu thế nào là “cao”, thế nào là “tằng” và gắn nó với vị nào để cho đúng, thế thì mệt rồi.
 
 

 
       Theo lão, thờ cúng cốt thành tâm. Vì thế bạn cứ làm theo cách lão hướng dẫn dưới đây là được:
 
- Đầu tiên đốt nến hay bật đèn trên ban thờ (nếu có), rót rượu hoặc nước lã (nếu có chén), thắp nhang (tất nhiên rồi), 1 hoặc 3 cây. Cắm nhang vào bát nhang rồi mới vái hoặc lạy. 3 vái là đủ, nhiều người mộ đạo còn cầu kỳ lễ Phật mấy vái, lễ Gia tiên mấy vái… bạn đừng bận tâm.
Tiếp theo bạn khấn như sau (đọc thành tiếng thì tốt để tăng mức độ thành kính, nếu bạn ngại, đọc thầm trong đầu cũng không sao):
 
Lão tạm chia phần lời khấn làm 3 phần để bạn dễ nhớ.
 
Phần 1: Đối tượng được mình cúng, lễ:
 
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, người miền nam thì niệm Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, vì sao lại khác nhau lão sẽ giải thích ở bài khác).
- Kính thưa chư Phật, chư đại Bồ Tát mười phương (như thế là đủ, không cần phải xướng tên từng vị).
Kính thưa chư vị thần linh (như thế là đủ cả các vị thần, không lo thiếu vị nào, nếu bạn muốn xướng đủ lão sẽ cho danh sách, trong gia đình có 26 vị).
Kính thưa gia tiên, tiền tổ (gia tiên: những người trong gia đình đã mất trước; tiền tổ: những người cách mình nhiều đời, nhiều kiếp mà mình không biết. Như thế là đủ cả. Bạn nào chắc ăn hơn thì tiếp thêm câu sau:)
Kính thưa cố can, ông bà, cha mẹ, các cô, các chú, các bác… (thêm bớt tùy hoàn cảnh, nếu đi lễ ở phủ, đền, chùa bạn bỏ phần gia tiên mà thêm phần tương ứng)
(Phần này thuộc nghi thức, giống như hội họp hành chính, lần lượt xướng từ to đến nhỏ để biểu thị sự tôn trọng, đầu tiên thưa các vị Trung ương Đảng, rồi đến Tỉnh, Huyện, rồi mới dân chúng…)
 
Phần 2: giới thiệu người làm lễ:
 
Tín chủ con là: Nguyễn Văn A (nếu là lễ cầu an cho cả gia đình, lễ động thổ, khánh thành nhà… cho nhiều người cùng ở thì đọc luôn đầy đủ tên vợ chồng con cái – tùy theo mục đích lễ)
Nếu bạn là dân di cư thì nói rõ thêm quê quán ở đâu?, và hiện đang sinh sống tại đây hay tại chỗ nào (nói rõ địa chỉ).
 
Phần 3: Lý do hay mục đích lễ:
 
Hôm nay là ngày…, Con (hay gia đình con, làm gì đó: lập ban thờ mới, động thổ, hay khánh thành, hay đi lễ cầu gì.. nếu là ngày giỗ thì nói là ngày giỗ, nói ngày rằm, ngày tết…)
- Lễ bạc lòng thành con có ít lễ (nói rõ là có gì, mâm cỗ, hay trái cây, bánh kẹo…) dâng lên ban thờ. Con xin kính mời chư Phật, chư đại Bồ Tát mười phương, chư vị Thần linh, gia tiên tiền tổ, cố can ông bà… về tại ban thờ hưởng chút lộc do con (gia đình con) cúng dường.
Con xin cầu chúc cho “chư …”(lặp lại đối tượng mà mình lễ) Gặp nhiều may mắn, an lành, phúc lạc trong thế giới tâm linh.
Kính xin “chư ….”, Gia hộ, giúp đỡ cho con (hay gia đình con, trong việc mà vì nó bạn làm lễ này, ví dụ làm nhà được thuận lợi, nơi ở mới được khỏe mạnh bình yên, làm ăn được may mắn, hay tai qua nạn khỏi..vv..)
- Con xin chân thành cảm ơn “chư Phật, chư đại Bồ tát mười phương, chư vị thần linh, gia tiên tiền tổ, cố can ông bà…”.
Con Nguyễn Văn A cẩn cáo.
 
Sau cùng bạn niệm Nam mô A Di Đà Phật (hay Bổn sư… 3 lần) và kết thúc buổi lễ với 3 lần vái hoặc lạy.
 
       Nếu bạn chưa quen thì có thể viết ra giấy trước, một hai lần sẽ quen, vì cách thức lão chia sẻ với bạn khá đơn giản, nhưng đầy đủ và đáp ứng mọi nhu cầu về tâm linh và có thể áp dụng trong mọi nghi lễ thờ cúng, mọi lúc, mọi nơi.
 
Bạn nhớ nhé, đơn giản mà:
Đầu tiên kính thưa những vị, những người mà bạn muốn đề cập đến.
Kế tiếp là giới thiệu bản thân, ngày tháng, vì sao có lễ này.
Tiếp theo là mời họ về chứng giám, hưởng lộc, chúc họ điều tốt đẹp.
Tiếp đến mới nhờ họ giúp đỡ (nếu cần).
Cuối cùng cảm ơn họ.
 
       Như vậy là bạn đã hoàn thành nghi lễ một cách tốt đẹp, bạn sẽ có được cảm giác an bình, yên ổn, và cảm thấy yên tâm hơn trong đời sống và trong kế hoạch, công việc hiện tại. Nếu bạn nhờ người khác lễ thay, bạn sẽ không có được cảm giác này. Và khi không có được cảm giác cần có thì nói theo một cách nào đó, nghi lễ của bạn đã không đạt được mục đích.
      Trong lời khấn lễ bạn có thể chủ động thay đổi đối tượng lễ, mục đích lễ… linh động cho phù hợp với hoàn cảnh, nhưng cơ bản như thế là đầy đủ. Nếu bạn khấn nguyện không trôi chảy, không sao cả, nếu muốn bạn có thể khấn lại. Đôi khi trong những nghi lễ người ta cũng khấn đi khấn lại cùng một nội dung 3 lần (3 tuần nhang) cho thêm phần thành kính.


 

      
       Theo tín ngưỡng dân gian, trong lúc khấn nguyện bạn nên tạo thành những hình thái tư tưởng để thế giới tâm linh có thể nương vào đó mà kết nối và giúp đỡ được cho bạn. Ví dụ: Khấn giỗ, ngày rằm, lễ tết cho người thân bạn nên nghĩ đến hình ảnh phần mộ, nghĩa trang… hiểu nôm na là bạn đã bắc một chiếc cầu theo hình thái tư tưởng cho những người thân đã khuất của bạn để họ nương theo đó mà về. Hay khi cầu cúng chư Phật, thần linh, bạn hãy nghĩ trong đầu là họ đang hiện diện ở đó để giúp đỡ cho bạn. Hoặc khi nhờ họ giúp đỡ bạn vượt qua sự việc hoàn cảnh nào đó, trong lúc khấn nguyện hãy liên tưởng đến sự việc đó một cách cụ thể.
      Nếu bạn nhờ ai đó lễ thay thì bạn đã không đạt được điều này, vì họ không biết được hình ảnh người thân của bạn, địa điểm nơi người thân của bạn an nghỉ. Hoặc khi lễ Phật, thần linh hay lễ ở đình chùa, họ không thực sự cảm nhận được sâu sắc điều mà bạn cần nhất lúc đó.
 
     Như vậy là ổn, kết thúc một nghi lễ thờ cúng, mà ai cũng có thể tự làm, và vài lần sẽ quen. Quy luật là, nghi lễ tâm linh sẽ tác động lên tâm lý, tư tưởng; tâm lý sẽ tác  động lên thân thể, tư tưởng sẽ tác động lên đời sống. Do vậy, sau nghi lễ ít nhiều bạn có được cảm giác thấy mình trở nên chân thật hơn, con người mình dường như cũng trở nên tốt hơn một chút, đơn giản hơn, bớt lo lắng hơn và cũng thấy an lòng hơn, như vậy là đã thành công.

 
Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
 
(Bạn nào có góp ý, hay hỏi thêm điều gì, xin bình luận phía dưới bài viết nhé, lão sẽ hầu chuyện tiếp cùng bạn).
(Kỳ 3: Cầu cúng trong cơ chế thị trường ngày nay: Dân sính lễ là điềm suy xã tắc)
Bạn nhấp chuột vào thẻ tâm linh để đọc các bài viết cùng chuyên mục

 

  Ý kiến bạn đọc

  • Giao Nguyen

    Con xin chào lão tiên sinh.lão cho con hỏi chút ạ.nhà con đang thờ trên phòng thờ tầng 3 con muốn chuyển xuống phòng khách tầng 1 có được không ạ và phòng khách có cửa sổ nhưng con bịt kín dể lưng ban thờ tựa vào có được không lão?con xin cảm ơn lão nhiều

      Giao Nguyen   nguyenduygiaopc@gmail.com   17/01/2019 15:52
  • Hoà

    Xin chào lão tiên sinh. Cho em hỏi tí. E ở chung cư. Treo hướng bàn thờ cảm thấy k hợp lý lắm. Bây giờ muốn chuyển qua vị trí khác. Thì nghi thức, nghi lễ cần cúng bái như thế nào ạ? Xin cảm ơn!

      Hoà   hoa37.vn@gmail.com   28/07/2018 18:50
    • @Hoà; Như lão đã nói trong bài, thờ cúng cốt thành tâm, không cốt ở hình thức hay nghi lễ. Bạn cứ chân thành thắp nén nhang, chân thành nói điều mình nghĩ, mình muốn là được. Sau đó tự mình làm bình thường. Chúc bạn luôn bình an, nhiều may mắn nhé.

        vevoiyeuthuong - Lão tiensinh   vuotquasinhtu@gmail.com   30/07/2018 16:30
  • huyền

    Xin chào Lão tiên sinh ạ.
    Xin cho tôi hỏi trước đây nhà tôi để bàn thờ ở phòng phía trước nhà to rộng thoáng mát. nay vì nhu cầu sinh hoạt cho con cái nên tôi muốn chuyển bàn thờ vào phòng bên trong nhưng nhỏ hơn (chỉ để phòng thờ cúng)cùng tầng với phong ngoài có được ko ạ. nghe mọi người nói là ko được nên cứ lăn tăn. Xin lão tiên sinh chỉ giáo.

      huyền   huyenvu1262@gmail.com   04/07/2018 13:33
    • Chào bạn huyền: Thờ cúng cốt thành tâm, không cốt ở nghi lễ, hình thức. Nên cứ tùy hoàn cảnh mà làm, được vậy cũng là quá tốt rồi bạn. Người khác không có ban thờ chỉ thờ ở gốc cây thôi cũng được nữa là. Chúc bạn bình an, nhiều may mắn nhé.

        vevoiyeuthuong - Lão tiensinh   vuotquasinhtu@gmail.com   18/07/2018 07:55
  • thuyen

    kinh lao tien sinh
    xin cho hoi toi muon thay ban tho moi va muon thay luon ca bat huong moi thi len lam the nao a?

      thuyen   vuthuyentw@gmail.com   25/04/2018 23:18
    • Chào bạn thuyen: Cứ làm thôi bạn, không cần bận tâm gì đâu, ngày tháng, nghi lễ... Miễn thành tâm là được.

        vevoiyeuthuong - Lão tiensinh   vuotquasinhtu@gmail.com   16/06/2018 04:04
  • Trang

    Kg Lão.
    Gia đình con gần đây bệnh tật lien mien, đi xem phong thủy bang ban vẽ nhà thi họ noi phạm long mạch, con phải lam sao?. Xin lão giúp con

      Trang   vantrangtthl@gmail.com   01/04/2018 22:59
    • Chào bạn Trang: Khái niệm "Long mạch" là một suy diễn thiếu logic, thiếu cơ sở, thiếu luận chứng thuyết phục. Bạn chờ đọc bài "Sự thật về Phong thủy" trên trang web này nhé. Mình có bệnh tật, nhưng vì mình không hiểu do đâu mà bệnh tật nảy sinh nên mình sẽ hoang mang. Nếu mình hiểu rõ nguyên nhân gì đã tạo nên cái bệnh của mình, và từ đó hiểu rõ nguyên lý để chữa khỏi nó, thì những tư tưởng hoang mang sẽ không còn nữa. Nếu sắp xếp được thời gian, bạn nên đăng ký tham gia khóa học chữa trị toàn đồ trên trang wep này để hiểu hơn bạn nhé. Chúc bạn bình an.

        vevoiyeuthuong - Lão tiensinh   vuotquasinhtu@gmail.com   17/04/2018 08:20
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây