Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Sáu nẻo luân hồi: Cõi trời, súc sinh, ngạ quỷ… có thật hay không? (10)

Thứ ba - 21/03/2017 15:30
Bài 10
Kỳ 2: Lục đạo luân hồi

 
       Như đã nói ở Kỳ 1: Thiên đường và Địa ngục, là các cảnh giới siêu hình được Kinh sách phát triển đưa vào trong Phật giáo khoảng 500 năm sau thời Phật Thích Ca nhập diệt, mang hàm ý giáo dục, nhưng rồi trong quá trình truyền bá có khi cũng được hiểu theo nghĩa mê tín.
       Thiên đường là nghĩa trừu tượng dùng để mô tả trạng thái hạnh phúc, sung sướng nơi cái tâm con người. Địa ngục là từ ngữ ẩn dụ ám chỉ sự khổ đau, phiền não cũng ở nơi cái tâm con người mà có. Giữa “Thiên đường” và “Địa ngục”, giữa trạng thái cảm xúc hết mực hạnh phúc và  trạng thái cảm xúc tận cùng của khổ đau đó, người ta lại chia ra những cung bậc, những cấp độ khác nhau nữa của cảm xúc, và những hình ảnh ẩn dụ được sử dụng để mô tả đó là  Người, Atula, Súc sinh, Ngạ quỷ..vv..  Đây chỉ là những hình tượng ẩn dụ dùng để mô tả các trạng thái của cái tâm con người mà thôi, chứ không phải là có thật cõi Atula, có thế giới của Súc sinh, Ngạ quỷ… theo nghĩa đen.
 
 
(Sáu nẻo luân hồi - Sáu trạng thái cảm xúc của cái tâm con người)
 
       Nếu bạn thấy một người sống chỉ để thỏa mãn nhu cầu bản năng, thỏa mãn cái phần con trong con người mình, chẳng hạn khi họ chỉ biết giành giật phần ăn, hay giành giật lợi ích cho mình mà không cần bận tâm gì đến kẻ khác, bạn có thấy họ đang giống với một con vật không? Và cảm xúc mà họ có thật là khó nói, họ không đủ ý thức để biết mình đang làm gì. Đó chính là trạng thái cảm xúc của Súc sinh (loài vật).
       Tâm trạng của một người hung hăng, nóng nảy, hơn thua, triệt hạ, đấu đá lẫn nhau không còn đủ lý trí phân biệt phải trái, đúng sai, được dùng hình ảnh ẩn dụ là cõi Atula. Sẵn sàng gây sự, tranh giành, xung đột, làm những việc mà một người bình thường sẽ không dám làm được.
       Tâm trạng của những người vì đói khát, thiếu thốn triền miên của bản thân mà nảy sinh những hành động tà đạo, bất chính, làm tổn hại đến người khác như trộm cắp, cướp của, hại người… thì tâm trạng, cảm xúc của con người những lúc đó được ví như loài Ngạ quỷ..vv…
 
        Súc sinh (loài vật) có biết khổ đau không? Có chứ. Con vật sẽ thấy khổ đau, khi bị hành hạ, bị giết thịt, con chó nhà bạn vẫn buồn khổ khi nó ốm đau. Atula hay Ngạ quỷ cũng thế, tranh giành, bức bách, chèn ép kẻ khác cũng sẽ bị kẻ khác chèn ép lại, họ chẳng thể có bình an mà ngược lại sẽ khổ với tâm trạng của những mưu đồ đen tối. Bạn thấy tâm trạng của một kẻ cướp giật có bình an không? Không. Họ sẽ phải khổ sở với những mưu đồ, những sợ hãi, với tâm trạng sống trong bước đường cùng. Nhưng họ đã đạt đến trạng thái khổ nhất chưa? Chưa. Họ sẽ khổ hơn khi bị kẻ khác triệt hạ, sẽ uất hận khi bị tù đày, sẽ khổ hơn vì bệnh tật hành hạ, và sẽ khổ hơn khi muốn sống mà vẫn phải chết.
       Vì thế mà nói Súc sinh, Atula hay Ngạ quỷ vẫn chưa phải là cõi khổ nhất, chưa phải là những trạng thái cảm xúc khổ nhất. Trạng thái cảm xúc tận cùng của khổ đau nhất được ví là Địa ngục, những trạng  thái khác ở cấp độ nhẹ hơn.
 
       Cảm xúc nơi cái tâm con người có thể được chia làm những mức độ, những cung bậc, những trạng thái khác nhau như hạnh phúc, phiền não, hung hăng, ngu muội, tàn nhẫn, khổ đau… Và kinh sách phát triển đã dùng hình ảnh ẩn dụ để mô tả cho 6 trạng thái nội tâm đó như là sáu cõi, hay sáu loài, sáu nẻo luân hồi khác nhau, bao gồm cõi Trời, Người, Atula, Súc sinh, Ngạ quỷ và Địa ngục. Đó chỉ là hình ảnh mô tả ẩn dụ các trạng thái của cái tâm con người chứ không phải là có thật các cõi đó, có các loài sống trong đó thật.
 
Vì sao nói người cõi Thiên (cõi Trời), vẫn chết, không ra khỏi sáu nẻo (lục đạo) luân hồi?

  
       Tâm trạng, cảm xúc của người thanh thản, hạnh phúc được ví như cõi Thiên (cõi trời). Có thể do họ tu hành ở mức độ nào đó (10 điều thiện) mà có được, hay do hoàn cảnh cuộc sống của họ mọi thứ đều được như ý muốn nên họ có được tâm trạng đó. Kinh sách phát triển dùng cách mô tả ẩn dụ rằng những người khi sống có phẩm hạnh thanh cao, được ví như thánh nhân, sau khi chết sẽ được đầu thai vào cõi này, mặt tích cực của nó là khuyến khích nhân cách sống đẹp, cao thượng.
       Nhưng những người có tâm trạng này vẫn còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Khi điều kiện, hoàn cảnh, cuộc sống thay đổi tâm trạng của họ vẫn thay đổi theo. Ví dụ họ vẫn còn giận dữ khi bị người khác xúc phạm (tâm trạng của Atula), cảm xúc của họ vẫn chạy theo bản năng (tâm trạng của Súc sinh); họ vẫn đau khổ khi bệnh tật hành hạ hay khi hoàn cảnh không thuận lợi (tâm trạng của Địa ngục). Vì thế mà trong cách nói ẩn dụ người ta cứ nói rằng người cõi Thiên, nghĩa là chư Thiên, là Thánh thần vẫn chết, không ra khỏi sáu nẻo luân hồi (sáu trạng thái của tâm) là vì thế. Thực ra, đây chỉ là cách nói theo lối hình tượng hóa cảm xúc, để mô tả cho những người cho dù có được tâm trạng, đời sống hạnh phúc, thanh thản (được ví như cõi Thiên) nhưng vẫn bị các trạng thái cảm xúc khác chi phối, vẫn biến đổi từ trạng thái cảm xúc này sang trạng thái cảm xúc khác  mà thôi.
 
 

 
Vì sao nói Chúng sinh trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi?

  
       Bạn vừa mới cưới, có được người bạn đời đẹp, yêu chiều bạn hết mực, bạn thấy lâng lâng, cuộc sống của bạn thật hạnh phúc, bạn đang ở trong cảm xúc của cõi Thiên (cõi trời). Rồi một ngày cái người mà bạn nghĩ bạn sẽ hy sinh vì họ, bỗng dưng ngoại tình, xúc phạm hay xem thường bạn, bạn trở nên hết sức đau khổ, bạn liền rơi vào cảm xúc được ví như địa ngục.
       Bạn sinh ra một đứa con mặt mũi đẹp như thiên thần, lúc đó bạn hạnh phúc cho dù hoàn cảnh có nghèo khó, đó là Thiên đường, là cõi Thiên. Nhưng rồi đứa con lớn lên, hư hỏng, nghiện hút, tù tội. Cảm xúc hạnh phúc vì đứa con trước đây đã biến mất, giờ bạn đang hết sức khổ tâm, bạn đang ở trong cảm xúc được ví như cảnh giới của địa ngục.
       Buối sáng tâm trạng bạn vui vẻ, thư thái (cõi Thiên), buổi trưa tâm trạng của bạn đầy những cảm xúc giận dữ (Atula) vì một cuộc điện thoại, buổi chiều bạn có những hành động để thỏa mãn bản năng (Súc sinh) vì bị bạn bè lôi kéo. Và trong những hoàn cảnh đặc biệt bạn có thể sẽ có những hành động mà lúc bình thường bạn không thể làm (Ngạ quỷ)..vv… Chỉ trong một ngày thôi, đôi khi chúng ta đã trải qua đủ sáu nẻo luân hồi và nhiều kiếp sống, ở nhiều cõi khác nhau (nói theo cách ẩn dụ của kinh sách phát triển). Kinh sách phát triển nói rằng sống đến bây giờ bạn đã trải qua hàng ngàn kiếp rồi là vì thế, tâm trạng bạn đang hạnh phúc (cõi thiên) lại chuyển sáng hung hăng, cáu giận (Atula) là một kiếp. Tâm trạng của bạn từ bình thường chuyển sang khổ đau: bạn đã đầu thai sang kiếp khác nữa rồi.
 
       “Luân” (luân chuyển, chuyển động), “hồi” nghĩa tiếng Hán là trở lại. Sáu nẻo, hay lục đạo là 6 trạng thái cảm xúc của tâm. Con người luôn sống trong những trạng thái cảm xúc đó và cứ thay đổi, lặp đi lặp lại, hôm nay bạn vui vì điều này, mai bạn phiền não vì điều khác; hôm nay bạn hạnh phúc vì lý do này, ngày mai giận dữ vì lý do khác. Cảm xúc giận của bạn cứ lặp lại với những hoàn cảnh khác nhau. Hôm nay bạn buồn khổ vì điều này, ngày kia lại bạn lại buồn khổ vì điều khác, cảm xúc buồn khổ của bạn vẫn cứ lặp lại mỗi khi hoàn cảnh không như ý xuất hiện. Hạnh phúc chuyển sang vui, vui chuyển sang buồn, buồn chuyển sang khổ đau…
       “Sáu nẻo luân hồi” là nghĩa bóng mô tả cho việc con người chúng ta cứ lặp đi lặp lại sáu trạng thái cảm xúc đó nơi tâm mình. Các cụm từ như bị luân hồi lục đạo chi phối, không thoát khỏi sinh tử, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, không ra khỏi luân hồi lục đạo… đều cùng một nghĩa này mà thôi. Chứ không phải hiểu theo nghĩa đen là con người sau khi chết sẽ có thể biến thành loài súc sinh hay loài quỷ, hay bị nhốt vào địa ngục..vv…
 
Vì sao nói “Được làm người khó…
       Bạn cứ nghe những người theo Đạo Phật thường hay nói, được làm người rất khó, phải tu nhiều kiếp, phải kết hợp trùng trùng duyên khởi mới có cơ may được làm người, nếu không sẽ chỉ đầu thai làm súc vật mà thôi..vv…
Thực ra đây chỉ là một cách nói ẩn dụ trong kinh sách phát triển của những đời trước nhằm giáo dục con người nên biết quý trọng cuộc sống của mình.
       Một người bình thường có thể trở nên tốt, vị tha, nhưng cũng có thể trở nên xấu xa, ích kỷ tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, môi trường. Một con người nếu theo chiều hướng tốt, người đó sẽ sống không làm khổ bản thân mình và không làm khổ người khác; biết thương mình, thương người, sống vị tha, cuộc đời trở nên hạnh phúc, đầm ấm. Cũng con người đó, nhưng nếu để cuốn theo chiều hướng xấu sẽ gieo rắc khổ đau cho bản thân mình, cho người thân và cho những người xung quanh, lúc đó cuộc đời họ trở sẽ nên vô nghĩa và uổng phí.
       Cái tâm của một người bình thường là cái tâm biết cảm nhận điều tốt, biết cảm nhận được điều xấu. Vì thế mà có thể trở nên tốt, và cũng có thể trở thành xấu, Cho nên mới nói trong muôn loài thì chỉ có con người mới có khả năng học hỏi, định hướng và phát triển bản thân. Do đó giáo lý nhà Phật mới khuyên con người phải biết quý trọng đời sống của mình, biết theo chiều hướng tốt để tạo nên hạnh phúc, chẳng dễ mà được làm người, được làm người khó, nếu không hiểu đúng, sống đúng để đem lại điều tốt đẹp thì đôi khi sẽ uổng phí cả một kiếp người.
 
 

 
Vì sao nói các loài chúng sinh khác (Súc sinh, Ngạ quỷ…) phải tu hàng ngàn kiếp mới được đầu thai làm người?
 
       Bạn là người bình thường, bạn có thể trở nên xấu do hoàn cảnh đưa đẩy, bạn có thể trở nên tốt do biết phân biệt đúng sai, biết học hỏi. Nhưng một người nếu bẩm sinh đã mang trong mình bản chất ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ, tham lam hay hung dữ… bạn nghĩ họ có dễ thay đổi không? Không! Cái bản tính đó dường như đã thấm sâu vào tận tế bào, hình thành nên các mô, cấu tạo nên các cơ quan, bộ phận của người đó rồi. Thi thoảng bạn vẫn bắt gặp những người như thế. Người xưa nói “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời” là vậy.
       Kinh sách phát triển thời trước đã mô tả những người mang sẵn tâm địa, bản chất của loài Súc sinh, Ngạ quỷ.. như thế rất khó để thay đổi trở thành một người bình thường. Nếu muốn trở thành một người bình thường họ sẽ phải trải qua một quá trình gian khổ, thăng trầm trong việc tu sửa thân tâm nhằm thay đổi nội tâm, bản chất của mình mới hy vọng đạt được điều có thể, và điều này cũng thực sự chẳng dễ gì. Súc sinh phải tu ngàn kiếp mới có thể được làm người là cách nói ẩn dụ ám chỉ một người xấu mà thay đổi được bản chất để trở thành một người bình thường là điều hết sức khó và hiếm. Chứ không phải hiểu theo nghĩa đen là loài dê, chó, quỷ dữ… có thể đầu thai thành người được.
 
Vì sao nói một người tu chứng ngộ, thành Phật thì sẽ ra khỏi sáu nẻo luân hồi không còn tái sinh nữa?
 
       Nếu bạn đã đọc những bài “Phật là gì?”; “Thế nào là Thành Phật”; “Thế nào là Đạo Phật” của lão trên trang web này thì giờ bạn đã hiểu.
       Con người ta khổ vì bị cảm xúc chi phối, mà cảm xúc thì do hoàn cảnh tạo nên. Tu hành là thực hành sửa chữa cái tâm của mình. Khi không còn khổ vì cảm xúc do đời sống mang lại nữa nghĩa là người đó đã thoát khổ. Thoát khỏi, không còn bị phụ thuộc vào cảm xúc, đó là nghĩa của từ “Giải thoát”. Người đó sẽ không còn bao giờ có những cảm xúc muộn phiền, lo âu, bực tức hay giận giữ nữa cho dù cuộc sống có ra sao, hoàn cảnh có thế nào, điều gì xảy ra hay sẽ đến. Cái tâm của họ luôn an ổn, yên lành, bình an và hạnh phúc, lúc đó người tu sửa thân tâm đã thành Phật (đạt được Giác ngộ).
       Các trạng thái cảm xúc khác nhau lặp đi lặp lại được gọi là “luân hồi”, từ cảm xúc này đổi thay hoặc sinh ra cảm xúc khác được kinh sách phát triển dùng từ ngữ ẩn dụ gọi là “tái sinh” hay đầu thai, chuyển kiếp. Tâm trạng của của một người tu chứng quả luôn bình an mãi mãi, không còn lặp lại hay nảy sinh những cảm xúc này nơi tâm họ nữa. Họ an lạc vô biên.
       Những cảm xúc khiến cho con người phải bận tâm, khiến cho con người phải khổ không còn tồn tại nơi tâm của họ nữa. Nên mới nói những người này đã “thoát khỏi lục đạo luân hồi” (sáu trạng thái của cảm xúc). Những cảm xúc này không bao giờ sinh ra hay khởi phát trong tâm họ nữa, đó chính là “không còn tái sinh”.
       Bạn đừng hiểu theo nghĩa đen, nghĩa mê tín là tu hành chứng quả thì biến thành ông Phật, có đủ thứ nhiệm màu và đến sống ở cõi sung sướng nào đó, thoát khỏi kiếp làm người, không còn phải tái sinh, đầu thai làm người hay chuyển kiếp để chịu những nỗi khổ nữa.
 
 

 
       Thời xưa, xã hội hỗn mang, chưa ổn định, chưa có thể chế, pháp luật… cho nên các tôn giáo đã đưa ra những thuyết lý, những giả luận có tính giáo dục, răn đe để hầu mong giúp hạn chế bớt cái ác trong xã hội. Luân hồi hay Địa ngục… cũng đều mang ý nghĩa đó. Ngày nay xã hội đã có Pháp quyền, có thể chế, có định hướng giáo dục, con người hiểu biết, văn minh và khoa học hơn vì thế chúng ta cũng nên hiểu về tôn giáo theo cách đúng với bản chất của nó, như thế sẽ thiết thực hơn, sẽ giúp ích cho đời sống và sự phát triển được nhanh hơn và thực tế hơn.
 
       Thế giới của chúng ta là “Phàm thánh đồng cư độ”, phàm phu, thánh nhân hay Phật thì cũng ở đây cả mà thôi; Cuộc sống của chúng ta là “Âm phủ dương gian đồng nhất lý”, Thiên đàng, Cõi trần, Địa ngục hay Niết bàn cũng ở trong đời sống thực này mà thôi. Đó chỉ là những từ ngữ ẩn dụ để mô tả. Thanh cao hay thô lỗ chính là thánh nhân hay phàm phu, Hạnh phúc hay khổ đau chính là Thiên đường và Địa ngục, Giác ngộ hay cứ khổ mãi chính là Phật hay chúng sinh.
 
      Trong kinh điển nhà Phật cũng đã nói rõ: “Y kinh liễu nghĩa, Tam thế Phật oan”, nghĩa là đọc kinh mà hiểu theo nghĩa đen như lời văn mô tả thì oan cho ba đời chư Phật. Đức Phật từng nói: “Ta thuyết pháp 45 năm nhưng chưa từng nói một lời nào”, có ý nhắc nhở người tu đừng chấp trước vào lời nói. Lời nói, kinh sách, phương pháp hướng dẫn chỉ là phương tiện mà thôi, người tu thông qua phương tiện để đạt được điều mình muốn.
       Thi hào Nguyễn Du, xưa kia là một Thiền sư, sau khi ngộ đạo ông đã phải thốt lên rằng: “Kinh vô tự (không có chữ), mới là chân kinh”. Câu nói đó của ông là một sự cảnh tỉnh, luôn ghi dấu trong tâm những người tu hành.
       Kinh sách thì đủ loại, chính kinh và giả kinh (kinh thật và kinh giả), kinh nguyên thủy và kinh phát triển (kinh có từ thời Đức Phật và kinh được viết thêm về sau) đã dùng đủ mọi phương pháp, mọi cách. Có khi nói theo nghĩa đen, khi nói theo nghĩa bóng, khi nói trong, khi nói ngoài, có khi dùng cách ẩn dụ hay hình tượng hóa để mong chuyển tải, diễn đạt được chân lý. Nhưng tiếc là phần lớn người học, người tu, các thầy giảng pháp vì không hiểu rõ về Đạo, vì chấp vào văn tự nên đã không hiểu đúng. Bởi thế mà ngày kia Phật chỉ trăng nói với đệ tử: “Hãy nhìn theo ngón tay ta chỉ mà thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ, ngón tay ta không phải mặt trăng”.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

  • Nguyễn Văn Toàn

    Con chỉ biết nói cảm ơn

      Nguyễn Văn Toàn   nvtoan.nxbtttt@gmail.com   26/03/2020 07:22
  • Đồng Khánh Hưng

    cám ơn bạn vì bài đăng nhiều lắm!

      Đồng Khánh Hưng   khanhhung2771993@gmail.com   17/07/2019 15:01
  • Nguyễn Thị Duyên

    Kính gửi Lão Tiên Sinh,

    Lời đầu tiên cho phép con được gửi đến thầy lời chúc sức khỏe và an lạc. Con có đôi điều cần thầy tư vấn giúp con.

    Sau khi con sinh cháu đầu lòng, cơ thể con tuy không mệt mỏi nhưng người gầy khô, khó ngủ, con cao 1m58 nhưng chỉ nặng hơn 40kg. Do thời gian mới sinh chồng con công tác ở nước ngoài nên việc chăm sóc con cái của con tương đối vất vả. Hiện tại con gái con được 2 tuổi, nhưng thể trạng con vẫn không khá lên. Đặc biệt bụng kém, thường xuyên sôi bụng, bụng chướng, tiêu hóa kém, sợ ăn đồ dầu mỡ, sợ ăn thịt và thức ăn nhiều đạm. Buổi sáng tỉnh dậy cảm giác buồn nôn như thể khí lạnh xâm nhập vào người.

    Con chưa đi khám ở đâu, nhưng con cảm nhận được sức khỏe mình như vậy là do rối loạn nội tiết tố sau sinh. Con đã cố gắng luyện tập yoga - các động tác giúp cân bằng nội tiết tố. Việc này giúp con thấy sảng khoái tinh thần, song chức năng tiêu hóa vẫn không được cải thiện.

    Xin Lão tiên sinh cho con lời khuyên ạ. Con xin chân thành cảm ơn!

      Nguyễn Thị Duyên   nguyenthiduyenktn@gmail.com   28/03/2017 14:44
    • Chào bạn: Nguyễn Thị Duyên. Trong nhóm "Hỏi đáp về Thiền. Tâm linh. Bệnh tật. Tướng số" ở trên facebook lão cũng đã giải thích trường hợp như của bạn, bạn tìm đọc thêm nhé.
      Nói chung, nguyên nhân là cơ thể mất cân bằng, không còn ở trạng thái tự nhiên nữa. Muốn khỏi thì phải đưa cơ thể trở về trạng thái ban đầu, như thế không những chỉ khỏi một bệnh mà sẽ khỏi tất các các bệnh. Muốn làm được điều đó phải hiểu biết rất nhiều về cơ thể, về các quy luật của tự nhiên liên quan đến cơ thể..vv... rất nhiều kiến thức bạn cần phải được biết. Vì thế tốt nhất là nếu sắp xếp được thời gian thì bạn nên đăng ký tham gia khóa học Chữa trị toàn đồ của lão. Tạm thời mỗi buổi tối trước khi đi ngủ bạn ăn một cốc bột sắn dây nguyên chất, khuấy chín, cho chút muối rang (không cho đường), ăn càng nóng càng tốt, sau khi ăn thì không tiếp xúc với nước lạnh nữa, rồi đi ngủ, sẽ giúp cải thiện đáng kể. Thức ăn hàng ngày kiêng Măng, cà, giá, nấm, các loại dưa muối, đậu phụ, kiêng đồ ngọt, các loại sữa, bánh kẹo, hoa quả. Chúc bạn luôn bình an, may mắn nhé.

        vevoiyeuthuong - Lão tiensinh   vuotquasinhtu@gmail.com   04/04/2017 09:12
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây