Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

ĐI TU CÓ PHẢI LÀ CẠO ĐẦU, MẶC ÁO CÀ SA? (5)

Thứ bảy - 25/03/2017 04:24
(Bài 5)
Đi tu có phải là cắt tóc cạo đầu, mặc áo cà sa?

 
       Từ trước đến nay bạn đang hiểu rằng một người đi tu, hay tu hành, là cắt tóc cạo đầu, là khoác áo sồng nâu, sớm chiều kinh kệ, sống đời tách biệt ở trong chùa hay ở một nơi nào đó. Hoặc là con người hay đời sống của họ phải có cái gì hơi dị thường, có điều gì đó khác với người bình thường thì mới gọi là đi tu.
 
 


     Không phải vậy. “Tu” có nghĩa là sửa, “hành” có nghĩa là thực hiện. Tu Phật là Tu Tâm. Một con người bắt đầu có ý thức bước vào con đường tự sửa đổi bản thân, sửa đổi cái tâm của mình để từ đó có được cuộc sống bình yên, thanh thản và an lạc gọi là “đi tu”. Vì thế đi tu không cứ phải ở chùa, cạo đầu đắp áo, sống trong môi trường riêng biệt thì mới thay đổi được thân tâm, đó chỉ là cách dễ nhất mà thôi. Cho dù bạn là ai, bạn đang ở đâu, bạn đang làm gì hay đang ở trong hoàn cảnh nào, chỉ cần bạn tu sửa được thân tâm để đạt được giác ngộ, giải thoát tức là bạn đã thành Phật.
 
       Trong  Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật chỉ rõ:“Cõi nước chỗ nào nếu có quyển kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc tăng phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hoang đồng trống; Phải biết chỗ đó chính là đạo tràng, các Đức Phật ở đây mà đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác, các Đức Phật ở đây mà chuyển pháp luân, các Đức Phật ở đây mà nhập niết bàn” (tr.479).
       Có nghĩa là chỉ cần đọc, hiểu cho rõ lời Phật dạy trong Kinh rồi thực hiện hành trì, sửa đổi được thân tâm, đoạn được tham sân si, là thành Phật. Bất kể là ở chùa hay ở nhà, trong vườn hay trong rừng, núi hoang hay đồng trống, thành thị hay nông thôn, nhà xây hay mái cọ… chỉ cần có quyển kinh bên cạnh để hiểu rồi thực hành thì ngay ở chỗ đó chính là đạo tràng, là nơi tu hành! Cũng tại đó “mà đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác” (tức sẽ thành phật tại đó,) “chuyển pháp luân” (hướng dẫn cho người khác), “các Đức Phật ở đây mà nhập niết bàn” nghĩa là thành Phật rồi, họ vẫn cứ sống ở đó và từ giã cõi đời cũng ở đó. Vì thế mà bất cứ ai, bất cứ ở đâu, cứ theo đúng nghĩa của chính kinh mà tu hành, mà thực hiện thì cũng đều được giải thoát. Thân, Tâm sẽ không còn dính mắc bởi các tướng hữu vi nữa.
       Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng đã nói rõ trong kinh Sáu cửa vào động thiếu thất: "Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng áo trắng vẫn là Phật”. (tr. 128)
 
       Thành Phật nghĩa là thành tựu việc tự giải thoát, đạt tới giác ngộ (thoát khỏi, không còn bị tác động, phụ thuộc vào cảm xúc do đời sống mang lại). Việc tu hành để thành Phật được nói rất rõ trong các bộ chính kinh, ta thấy: Điều phục được Tham, Sân, Si là Phật tính hiện lên liền. Đó chính là “thấy tánh” hay là thấy bổn thể tâm. Tất nhiên để làm được điều đó chẳng phải dễ, phải kiên trì từng bước một. Đức Phật đã hướng dẫn cho chúng ta rất nhiều phương pháp được ghi lại ở trong kinh, ví dụ như thực hiện Bát chánh đạo, thực hiện Tứ niệm xứ, thực hiện Tứ chánh cần..vv… Đó là những phương pháp để giúp đưa cái tâm đang hỗn loạn, ngổn ngang phiền não trở về cái chân tâm thanh tịnh và an lạc. Tu có nghĩa là Sửa. Phật nghĩa là Giác ngộ, giải thoát. Hiểu đơn giản là sửa đổi được thân tâm thì sẽ không còn bị cảm xúc đời thường chi phối, lúc đó con người ta sẽ an lạc, thanh tịnh. Đức Phật đã đạt được điều đó, người sau tu hành tiếp bước là để thực hiện lời thọ ký của Ngài: "Ta là Phật đã thành, Chúng sinh là Phật sẽ thành" (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa).
       Nhưng với đa số thời nay, thì đi tu lại là "để phụng sự cho Đạo Phật", xây chùa cho to, làm tượng cho lớn, rồi suốt đời tu hành chỉ là thờ phụng, ca ngợi tán thán Phật để cầu xin cho mình, cho mọi người, mà không thấy như thế là mâu thuẫn với luật nhân quả và tự mình thoát khổ của Đạo Phật! Tu chỉ có nghĩa là sửa, thì cần gì phải “đi” mới có thể “tu” được?! Cũng không nhất thiết phải rời bỏ nhà cửa, gia đình. Tu là Sửa nơi cái Tâm thì chẳng cần phải ở Chùa, mà bất cứ ở vị trí nào, ăn vận ra sao đâu có ảnh hưởng? Cứ làm đầy đủ trách nhiệm của một con người. Bớt đi thù hận, thương, ghét, tham lam, si mê… thì đó là người đang tu tập.
       Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng từng nói rõ: “Chư Thiện Tri Thức, Nếu muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở chùa. Ở nhà mà thường tu hành thì cũng như người Đông Phương có lòng lành. Ở chùa mà chẳng tu thì cũng như người Đông Phương có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch, thì Tánh mình là Tây Phương vậy” (KPBĐ tr. 64).
 
 

       Dù trong Kinh Phật sử dụng rất nhiều phương tiện để dẫn dụ, để mô tả Nhưng thật sự tu Phật là chỉ cần xoay chuyển cái tâm vô minh, loại trừ Tham, sân, Si, vì đó là nguồn gốc Khổ. Nhưng vì cũng không dễ thực hiện nên Đức Phật đã hướng dẫn cho ta những phương pháp cụ thể như  trong chính kinh đã nói, đó là 37 phẩm trợ đạo dựa trên căn bản của Giới, Định, Huệ. Tu Phật chân chính thật ra không cần hình tướng bên ngoài, chỉ cần tu sửa nơi Tâm. Cái tâm của con người chính là Phật vô tướng. Tuy nhiên, nếu chỉ tu vô tướng thì hơi có chút khó khăn cho hàng sơ cơ vì không có nơi để nương theo, không có chỗ để dựa dẫm. Từ đó xã hội mới nảy sinh ra chùa chiền hữu tướng, mới sinh ra nghi lễ, mới cạo đầu, khoác áo hay ở nơi riêng biệt… thực ra đó chỉ là những phương tiện để hỗ trợ cho hàng sơ cơ, thiếu bản lĩnh mà thôi.
       Tự mình tu hành (tu sửa thân tâm) thì sẽ khó hơn, tất nhiên là vậy. Vì không những không có danh tu hành, không được ai tôn trọng, mà còn phải tự trang trải miếng cơm, manh áo. Phải thường xuyên tiếp xúc với ngổn ngang phiền não, phải va chạm, đối đầu với những hơn thua, đố kỵ… Nhưng điều đó mới thật sự nói lên cái quyết tâm và sự hiểu biết của con người.
 
       Còn tu hành mà chọn cách xa lìa cuộc sống thế gian, không còn sống chung với người thế gian, nghĩa là khi đi tu thì phải cắt ái, ly gia, bỏ cả sự nghiệp, lìa xa gia đình, bỏ cả người thân, không phụng dưỡng ngay cả cha mẹ và cũng chẳng giúp đỡ gì cho anh em, dòng họ… Hiểu theo nghĩa đen thì chẳng qua cũng chỉ là một hình thức, nhằm mục đích trút bỏ bớt gánh nặng, ràng buộc cho bản thân người tu mà thôi.
       Này nhé, ví dụ nếu bạn muốn tu để loại bỏ tính giận giữ (điều phục Sân) nơi bản thân mình, để cho cái tâm của mình không còn khổ vì nó nữa. Nhưng nếu bạn còn làm ăn thì khối kẻ còn tiếp tục lừa dối bạn khiến bạn phải giận giữ. Rồi vợ chồng bê tha, con cái ngỗ ngược khiến bạn phải giận. Rồi còn nữa, các mối quan hệ công sở, xã hội.. sẽ có nhiều người ứng xử không công bằng, thậm chí xúc phạm tới bạn thì sẽ khiến bạn khó mà ngồi yên được, vậy thì việc thoát khỏi giận dữ, không còn giận nữa sẽ là rất khó. Còn mỗi khi bạn đã bỏ quách hết đi rồi, bỏ gia đình, bỏ việc, chẳng dính dáng gì đến sự đấu đá nơi công sở, hay sự phức tạp của người đởi, của các mối quan hệ xã hội. Thì dường như bạn đã tránh được rất nhiều tình huống, hoàn cảnh tạo ra sự giận dữ cho mình, phần còn lại mà bạn phải làm là rất ít. Còn đến nước bạn đã cạo sạch đầu tóc, khoác áo nhà phật, ôm kinh gõ mõ, thì không những người đời sẽ ít gây sự với bạn mà ngược lại họ còn tôn trọng và ưu ái bạn nữa.
       Đó là lão chỉ mới nói một chút về cái sự giận (sân) trong cái tâm con người mà thôi, còn cái sự tham, cái sự si… rồi còn bao nhiêu cái sự khác nữa. Nghèo đói mà không tham khó hơn là được cung phụng đầy đủ rồi không tham. Vất vả, nhọc nhằn mưu sinh kiếm tiền để xây nhà mua cửa mà không tham, khó hơn nhiều là có chùa to phật lớn ở sẵn rồi không tham. Có vợ chồng, con cái, gia đình nghèo đói mà không tham khó hơn nhiều so với việc chẳng có gia đình mà không tham. Hằng ngày sống chung, chịu đựng vợ xấu, chồng xấu, bê tha mà không nghĩ đến người đẹp, người tốt nết, khó hơn nhiều so với việc vì chẳng có vợ xấu, chồng xấu nên không nghĩ đến..vv… Trong nhân gian từng có câu: “Khó nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa” là vì thế.
 
 


       Kẻ nào tu mà lìa bỏ thế gian sẽ rất khó được giải thoát. Trong chính kinh gọi đó là tu không có đối chứng, nghĩa là không có hoàn cảnh thực tế xảy ra để cho mình kiểm chứng, để cho mình biết mình đã hết tham, hết sân, hết si… hay chưa. Chỉ ngồi tưởng tượng thôi thì sẽ dễ rơi vào ảo tưởng và tự huyễn hoặc mình.
       Này nhé, bạn thử nghĩ xem, khi một ông sư ra đường bị chó cắn gẫy chân thì liệu ông ta có nhăn nhó, xuýt xoa, hay có thấy phiền phức không? Mặc dù trước đó khi ngồi tu trong chùa ông ta nghĩ mình đã hiểu, nên đã thoát được cái khổ đau, cái phiền phức do cái thân vật lý đem lại. Nếu bạn lấy cắp cái ô tô của ông sư, hay đột nhập đục két sắt của ông ấy thì liệu ông ta có báo công an không? Có ngụy biện rằng cần phải ngăn ngừa cái ác phát sinh không? Rồi ông ta có muốn mua lại chiếc xe khác không? Mặc dù trước đó ông ta vẫn nghĩ mình đã giác ngộ, tiền bạc chỉ là thứ ngoài thân, vật chất chỉ là giả tạm, dính mắc vào nó rồi thì sẽ khổ?… Nếu bạn gặp một ông sư đạo mạo, bạn bất ngờ xông đến tát cho ông ta một cái, bạn nghĩ ông ta và những người đi theo ông ta sẽ phản ứng thế nào? Mặc dù trước đó ông ta nghĩ mình đã ngộ, đã giảng đạo cho bao nhiêu người khác nghe rằng con người chỉ là đang làm nô lệ cho cái thân, đang bị nó điều khiển mà thôi. Rằng thân thể là vô thường, có đến thì có đi, có sinh thì có diệt, cảm xúc cũng chỉ là tại do cái thân va chạm với đời mà có..vv…
Người ta thường hay nói vui rằng: trong chùa có 3 ông thầy, đó là “Thầy Chùa”, “Thầy Tụng” và Thầy Tu. Thầy Chùa và thầy Tụng nếu muốn bạn có thể gặp, nhưng Thầy Tu nếu không có duyên thì bạn không thể gặp. Lý do đơn giản: là thầy Tu thì chẳng bao giờ ở trong chùa cả.
 
       Trong chính kinh ta thấy xưa kia, Đức Phật sinh ra là một người, sống như một người và từ giã cõi đời như một người. Ngài vẫn sống cuộc sống trần tục, tiếp xúc với thế gian, hằng ngày va chạm với đủ thứ người, đủ mọi tình huống, bị vu oan, bị giá họa, bị đuổi đánh, bị khối kẻ chống đối hay rắp tâm hãm hại, đủ cả. Nhưng đáp lại, cái ứng xử của ngài đã chứng tỏ mình là một bậc giác ngộ giải thoát. Ngài đã chứng tỏ qua hành động, qua thực tế, qua biểu hiện và người khác đã thấy hiểu. Đó mới là thiệt Ngộ.
 
 


       Hiểu một cách đời thường, thì Đạo Phật đúng nghĩa là để tu thân, sửa mình, cho con người sống ra con Người hơn . “Con Người khác con vật ở chỗ biết dùng Trí tuệ để phát triển đời sống cho ngày càng tốt đẹp; biết dùng Tấm lòng để thương yêu, chia sẻ, đùm bọc và khoan thứ cho nhau. Não bộ con người phát triển hơn các loài động vật khác, khiến cho con người vừa có trí tuệ vừa có tâm hồn; khác hẳn loài vật chỉ có thuần bản năng. Ấy thế mà đa số con người, trong đó có không ít những người tu hành  lại không ý thức được điều đó, vẫn sống một cách bản năng, với những tham lam, sân hận, si mê để rồi tự làm khổ mình và gây thêm phiền lụy cho người khác”. Con đường của Đạo Phật, giáo lý nhà phật là chỉ ra phương pháp để cho con người chấm dứt được phiền não, không làm khổ mình, khổ người. Cho dù bạn là ai, bạn đang ở đâu, chỉ cần bạn có ý thức tu sửa thân tâm, chỉ cần đoạn được Tham, sân, si thì cuộc đời bỗng dưng sẽ trở nên an bình và ung dung, tự tại. Đó chính là bạn đang tu hành theo chánh Pháp vậy.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
 
(P/s:  Bài viết này của lão có ý giúp bạn hiểu rõ hơn khái niệm thế nào là “Tu hành”, chứ không có ý khác về những người đang sống hay tu trong chùa. Xuất gia, từ bỏ mọi mọi thứ, là đã xác định quyết chí tu hành, đó là một quyết định lớn, không phải ai cũng có thể làm. Nhưng đã như thế thì phải làm cho đúng, phải đạt cho được kết quả tới cùng thì mới không uổng phí cuộc đời. Để hiểu rõ hơn bạn hãy đọc tiếp bài “Cách phân biệt sư tu thật và sư tu giả” hay bài “Người tu hành nên chọn thầy nào để tu theo?”..vv…).

Kỳ tiếp: Nên tu theo Phật hay cầu xin được Phật gia hộ, giúp đỡ? (Bài 6)

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây