Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Địa Ngục có thật hay không? Thế nào là Thiên Đường? (9)

Thứ ba - 07/03/2017 18:00
(Bài 9)
Kỳ 1: Thiên đường và Địa ngục

 
       Thiên đường và Địa ngục là những khái niệm không có thật theo nghĩa mà dân gian thường hiểu: Thiên đường là nơi có cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, Địa ngục là nơi khổ đau và phải chịu sự đọa đày. Thực ra đó chỉ là cách mà các tôn giáo đã sử dụng, tùy theo từng giai đoạn phát triển của xã hội, tùy hoàn cảnh mà nó mang những ý nghĩa, mục đích khác nhau.
        Trong Phật giáo thì Thiên đường và Địa ngục được kinh sách phát triển đưa vào thêm sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 500 năm. Ban đầu nó được dùng theo cách hình tượng hóa để mô tả sự diễn biến nội tâm của một người tu. Nhưng khi truyền bá vào những nơi có dân trí thấp một số người đã biến nó thành mê tín để hù dọa, tạo ra sự hoang mang, lệ thuộc nhằm mưu đồ lợi ích. (Đọc thêm bài: Khái niệm Phật tử có phù hợp với bản chất của Đạo Phật).
 
 
(Thiên đường hay Địa ngục chỉ là hai trạng thái của cùng một vấn đề)
 

       Từ thuở ban đầu chúng ta đã bao bọc mình bằng những định kiến, những ý tưởng khoa trương và những triết lý giả tạo đến mức mà chúng ta đã tước bỏ đi của mình cái khả năng thấy được chân lý trần trụi. Không hiểu biết, không tìm tòi, không bất kỳ tò mò nào, chúng ta mang những giả thuyết nhân tạo về cuộc sống. Trong hàng nghìn năm người ta cứ nói rằng cuộc sống chỉ là cõi tạm, rằng nó là khốn khổ. Khiến bây giờ chúng ta cũng cảm thấy rằng cuộc sống chẳng là gì nhiều hơn sự ồn ào và lắm điều khốn khổ, một sự khốn khổ kéo dài.
 
         Phần lớn triết lý của các tôn giáo bao giờ cũng là hướng tới cái chết, thay vì hướng tới cuộc sống. Tôn giáo thuyết giảng rằng cái tới sau cái chết mới quan trọng, nhưng cái xảy ra trước cái chết thì chẳng có ý nghĩa gì, là vô thường. Mãi cho tới nay, tôn giáo cứ tôn sùng cái chết, bởi cái chết sẽ mở ra cánh cửa mới, nhưng lại chẳng biểu lộ sự kính trọng gì với cuộc sống cả. Chúng ta được dạy việc phủ định cuộc sống nhân danh tôn giáo. Tiêu điểm của một số lý luận tôn giáo bao giờ cũng là vào phía bên kia của cuộc sống, bạn muốn vào Thiên đường hay Địa ngục? Bạn muốn vào Tây phương hay thành súc sanh, ngạ quỷ? Cứ dường như là điều xảy ra trước cái chết chẳng có mối quan tâm nào hết cả.
      Nếu bạn không thể nào sống được với điều xảy ra trước cái chết, thì làm sao bạn có thể đối phó được với cái tới sau cuộc sống? Nếu bạn không làm cho cuộc sống hiện tại của mình được no đủ, bình an, hạnh phúc thì liệu bạn có thể làm cho mình được sung sướng, hạnh phúc sau khi chết? Nó sẽ gần như là không thể được! Và hết sức vô lý. Nếu chúng ta không thể nào giúp ích cho bản thân mình về những cái đang ở đây, hiện tại, và bây giờ, trước cái chết, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể chuẩn bị hay có đủ tư cách cho điều tới sau cái chết nếu có.
 
          Một số kinh sách phát triển cho rằng sau khi chết, người tu hành chứng ngộ thì về với cõi Phật, người bình thường tùy theo hành động thiện ác của mình mà tái sinh vào các cõi: 1- Trời; 2- Người; 3- Atula; 4- Ngạ quỷ; 5- Súc sanh và 6- Địa ngục. Đó là sáu nẻo luân hồi, lục đạo luân hồi hay còn gọi là luân hồi lục đạo. Chúng sinh trong các cõi đó lại tiếp tục tái sinh. Ví dụ: Người có nhiều Phước báo khi chết sẽ tái sinh vào cõi trời (Thiên đường, thành chư Thiên), nhưng nếu sống trong cõi trời mà tâm không chính, khi chết lại tái sinh thành người. Làm người mà bạc ác khi chết sẽ phải tái sinh (đầu thai) làm súc sanh, ngạ quỷ, hay đọa địa ngục..vv…
 
       Vậy Thiên đường hay Địa ngục, các cõi Súc sinh, ngạ quỷ, atula… có thật hay không? Và vì sao nói một người tu chứng quả (giác ngộ, thành Phật) thì không còn tái sinh vào trong sáu nẻo luân hồi nữa?

 

 
        Bạn hãy đọc câu chuyện nhỏ sau:
      Có một vị học giả khi còn sống đã dành cả cuộc đời mình để chuyên nghiên cứu về tâm linh, mục đích vì mọi người cũng có, vì háo danh háo lợi cho bản thân mình cũng có.
Sau khi chết,sang thế giới bên kia nhà nghiên cứu nọ được gặp một vị Thần linh tối cao, nhà nghiên cứu khẩn khoản: “Trước thánh thần thì không thể nói dối, tôi nay nghiên cứu tâm linh cũng ngót hơn nửa thế kỷ, nhưng thú thật tôi cũng chẳng hiểu tâm linh là gì. Xin ngài hãy cho tôi biết thế nào là Thiên đàng, thế nào là Địa ngục để cho tôi được thỏa nguyện”.
  - “Được, ngươi hãy theo ta”. Vị thần đáp.
     Vị thần dẫn nhà nghiên cứu nọ đến một căn phòng và nói: “Đây là Địa ngục”. Cánh cửa mở ra, nhà nghiên cứu thấy có một tá người đủ kiểu, kẻ doanh gia, người ra vẻ trí thức, rồi nông phu, đủ cả… Bọn họ đang ngồi xung quanh một cái bàn, trên bàn có thức ăn dọn sẵn, bên cạnh mỗi khẩu phần ăn là một đôi đũa dài 1 mét. Bốn góc phòng có 4 tên quỷ sứ râu ria đứng canh giữ. Một tiếng kẻng vang lên (báo hiệu giờ ăn), đôi đũa dài 1 mét, bắt phải cầm cuối đũa, kẻ nào cầm đũa thấp xuống liền bị bọn quỷ sứ đánh cho khóc ầm ĩ. Những kẻ khác loay hoay với đôi đũa, không thể nào dùng nó để gắp thức ăn cho vào miệng, kẻ trở ngược, người trở xuôi, kẻ hậm hực, kẻ bứt tóc, người giật tai, kẻ mặt trở nên đỏ, người mặt trở nên xanh, kẻ chửi thề, người nổi cáu tưởng sắp phát điên. Bọn họ đói lả mà không thể ăn được với đôi đũa dài một mét. Sau một hồi vật lộn khổ sở, tiếng kêu la, rên khóc tràn ngập căn phòng, thực là một cảnh tượng khổ sở.
       Cánh cửa đóng lại, nhà nghiên cứu líu ríu bước theo vị thần, mặt tái xám, chân đi không vững. Đến một căn phòng khác, vị thần nói: “Đây là Thiên đường”.
        Cánh cửa mở ra, một căn phòng giống hệt căn phòng lúc trước, nhà nghiên cứu thấy cũng có một tá người như thế, cũng ngồi xung quanh một cái bàn với khẩu phần ăn dọn sẵn, bên cạnh vẫn là đôi đũa dài 1 mét. Bốn góc phòng vẫn có 4 tên quỷ sứ đứng hằm hè.
 Nhà nghiên cứu thấy làm lạ hỏi vị thần: “Sao ngài bảo dẫn tôi tới Thiên đàng? Tôi thấy mọi thứ có gì khác với Địa ngục lúc nãy đâu?”.“Ngươi cứ chờ đi”- Vị thần đáp.
       Tiếng kẻng lại vang lên báo hiệu đến giờ ăn, những người trong căn phòng, người ngồi bên này bàn dùng đôi đũa dài 1 mét của mình gắp thức ăn trong bát của người ngồi đối diện bên kia bàn và đút cho người đó ăn. Tất cả họ đều làm như thế, họ ăn uống ngon lành, trò chuyện vui vẻ, thân tình và không khí trở nên hết sức đầm ấm.
 
 

 
         Vì sao người ta khổ? Vì có cảm xúc khổ, cảm xúc đó do tâm bị vướng mắc vào hoàn cảnh, do hoàn cảnh đem lại, không biết cách thoát ra khỏi hoàn cảnh mà có. Vì sao người ta sướng, vì có cảm giác sướng, cảm giác này cũng do hoàn cảnh bên ngoài tác động tạo nên. Hoàn cảnh, sự việc tác động lên con người sẽ tạo nên những tư tưởng, cảm xúc tương ứng. Và người ta cảm thấy mình sướng hay khổ bởi vì do những cảm xúc đó chi phối.

        Nếu cuộc sống của bạn hiện tại mọi thứ đều như ý, mọi thứ đều mãn nguyện, bạn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc, sống trong sự đầy đủ, trong tình thương và đầy nhân ái, bạn thấy lòng mình lâng lâng, khi đó bạn thấy cuộc sống thật đáng yêu và hạnh phúc, đó là Thiên đường. Bạn ngỡ như mình đang ở cõi trời, dường như bạn đang là thần tiên, vì nếu ở giữa đời thực, là người thực mà mọi thứ đều trở nên như ý bạn muốn, để cho bạn có được cảm xúc viên mãn, toại nguyện thì đó gần như là điều không thể.
        Còn ngược lại, nếu bạn đang bị cuộc sống dồn đến chân tường, đến bước đường cùng không lối thoát, hoặc bạn bị bệnh tật nan y hành hạ, sống không bằng chết, chết được còn sướng hơn. Bạn thấy cuộc đời trở nên thật khốn khổ, không thể nào tả nổi. Đó chính là Địa ngục.
 
         Thiên đường hay Địa ngục là những từ ngữ ẩn dụ để chỉ cho trạng thái cảm xúc của cái tâm con người. Chứ không phải có cõi Thiên đường để đến, hay có cõi Địa ngục để bị đày xuống chịu khổ sở. Hạnh phúc hay đau khổ, cũng đều là những trạng thái cảm xúc nơi tâm mình. Trong kinh điển của nhà Phật, Thiên đường hay Địa ngục là những từ ngữ dùng để mô tả cho trạng thái của cái tâm con người theo cách hình tượng hóa.
         Cảm giác hạnh phúc được coi là Thiên đường (cõi trời) cũng có nhiều cung bậc khác nhau, cảm giác hạnh phúc khi bạn kiếm được một món tiền khác với cảm xúc hạnh phúc khi bạn có được người yêu lý tưởng… Tâm trạng khổ đau được ví như Địa ngục cũng có nhiều mức độ, cái khổ khi bạn uất hận còn chưa khổ bằng lúc bạn bị cơn đau buốt thấu xương hành hạ, cảm giác khổ do cơn đau hành hạ đó vẫn còn kém thua cảm xúc khi bạn muốn sống mà vẫn phải chết... Vì thế mới nảy sinh ra những giả thuyết ví von rằng Địa ngục có 18 tầng, và Trời có 33 cõi. Đây là kinh sách phát triển được viết thêm sau thời Đức Phật, tất nhiên là cũng có mục đích của nó.

         Bản chất của Thiên đường hay Địa ngục trong kinh sách phát triển ban đầu chỉ là từ mô tả cảm xúc, nhưng trong quá trình của xã hội phát triển trải dài nhiều ngàn năm, tùy từng thời điểm mà các tôn giáo, tín ngưỡng đã hình tượng hóa nó một cách phù hợp. Thiên đường hay Địa ngục chỉ là những hình ảnh, những cõi, những nơi giả định mà các tôn giáo đã sử dụng trong bối cảnh xã hội chưa có trật tự, nhận thức của con người còn hạn chế nhằm mục đích giáo dục mà thôi. Thiên đường là một phần thưởng, bạn sẽ được nhận, là nơi bạn sẽ đến nếu như bạn sống tốt, làm nhiều việc tốt. Địa ngục là viễn cảnh khổ đau mà bạn sẽ phải có mặt để chịu sự trừng phạt ở đó nếu như bạn sống không tốt, mỗi tầng địa ngục là một hình phạt ghê rợn tương ứng với những việc mà bạn đã từng làm. Âu đó cũng là một cách mà các tôn giáo đã sử dụng để giáo dục, để làm cho con người biết hướng thiện, hướng tới sự cao thượng và văn minh, góp phần hạn chế bớt điều ác trong bối cảnh xã hội chưa phát triển. Từ đó góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người và đời sống của xã hội nói chung trở nên tốt đẹp hơn.
 
        Ngày nay xã hội đã phát triển, đã có thể chế, pháp luật để trừng phạt điều ác, đã có định hướng, tư duy, giáo dục, và nhiều phạm trù khác nhằm hướng tới việc hạn chế bớt cái ác trong xã hội. Con người cũng văn minh hơn, hiểu biết hơn vì thế chúng ta cũng nên nhìn nhận mọi thứ trở về đúng với bản chất của nó.
 
 

 
         Con đường của một người tu hành cũng nên trở về với đúng chánh pháp. Không hiểu rõ về Phật sao có thể thành Phật? Không biết khổ đau từ đâu mà có sao có thể thoát khỏi khổ đau?
        Cũng cuộc sống, cũng con người giống nhau, cũng mặt mũi chân tay như nhau, nhưng sao có người cảm thấy sung sướng, hạnh phúc? (Thiên đường). Có người lại cảm thấy cuộc sống trở nên nặng nề và khổ đau? (Điạ ngục). Nhưng rồi tất thảy họ cũng đều sẽ phải khốn khổ, khổ vì cái chết, khổ vì những điều không như ý... Vậy có cách nào thoát khổ để cuộc đời chỉ còn là hạnh phúc, bình an?
       Thái tử Tất Đạt Đa xưa kia cũng đã lên đường tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đó. Và Ngài đã tìm ra câu trả lời: Sướng hay khổ đều do cảm xúc tạo nên, mà cảm xúc thì do hoàn cảnh, cuộc sống tác động mà có. Tu hành (sửa chữa thân tâm) là để tâm mình thoát khỏi, không còn phụ thuộc vào các cảm xúc do hoàn cảnh cuộc sống mang lại đó nữa (giải thoát).

       Nếu bạn ở trong Thiên đường thì rồi bạn sẽ rơi xuống Địa ngục, nếu bây giờ bạn đang tận hưởng sung sướng thì rồi một ngày nào đó bạn sẽ phải khổ đau. Nếu bạn đang khổ đau thì bạn sẽ lại sống trong hi vọng vào ngày mai, một cái ngày mà có thể sẽ không bao giờ đến và như thế bạn sẽ lại bỏ lỡ hạnh phúc trong hiện tại. Thiên đường và Địa ngục là hai thứ không thể tách rời nhau được, không thể có thứ này mà không có thứ kia. Nó chỉ là hai trạng thái cảm nhận của cùng một thứ. Cũng như nếu bạn không biết thế nào là niềm vui của sự giàu sang thì bạn cũng sẽ không biết thế nào là cảm giác khổ cực của sự nghèo khó, không biết thế nào là sự may mắn thì cũng sẽ không biết cảm xúc của sự thất bại. Không biết thế nào là đẹp thì sẽ không biết thế nào là xấu, không biết thế nào là yêu thì cũng sẽ không biết thế nào là không tình yêu… Cho nên nếu bạn biết thế nào là Thiên đường thì rồi bạn sẽ phải nếm trải thế nào là Địa ngục, đó là điều không tránh khỏi.
      Bạn không thể có hạnh phúc mà không đau khổ, bởi nếu bạn không biết thế nào là khổ não thì bạn cũng sẽ không biết thế nào là hạnh phúc. Thiên đường và Địa ngục là trạng thái cảm xúc, mà đã bị cảm xúc này chi phối ắt cũng bị cảm xúc kia tác động. Bởi thế hạnh phúc sẽ không thể là Thiên đường, và đương nhiên cũng không phải là Địa ngục, hạnh phúc là thoát ra khỏi nó.
 
        Thiên đường hay địa ngục là những cảm xúc thường trực trong tâm mỗi con người. Trừ khi bạn ra khỏi nó, không phải Thiên đường và cũng chẳng phải Địa ngục, bạn không còn phụ thuộc, không còn bị nó chi phối nữa. Đó cũng chính là con đường của một người tu hành chân chính phải đi. Thiên đường không làm cho bạn vui mừng và Địa ngục không làm cho bạn khổ não, lúc đó bạn đã thoát khỏi, bạn đã giác ngộ.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

  • Lê Thị Thủy

    Cảm ơn Lão Tiên Sinh. Những mâu thuẫn trong tôi sau khi độc những bài viết của Lão Tiên Sinh đã được tháo gỡ rất nhiều. Những u mê lâu nay lại kèm theo được đọc được nghe những kinh phát khởi sau khi Đức Phật nhập Niết bàn làm tôi rối quá và thấy càng ngày càng khó hiểu... Cảm ơn Lão Tiên Sinh rất nhiều

      Lê Thị Thủy   anhthuy10@gmail.com   21/02/2020 22:46
  • Bé bống

    Cảm ơn thầy.các bài viết của thầy rất hay và ý nghĩa.làm con người ta thức tỉnh và tìm lại chính mình trong cuộc sống hỗn độn này

      Bé bống   dinhvungpham@gmail.com   13/09/2017 02:30
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây