(Bài 8)
Phật có cứu độ được chúng sinh?
Ngày nay một số người theo Đạo Phật cho rằng tất cả mọi sinh vật hữu tình đều là chúng sinh của Phật, đều bình đẳng được cứu độ. Vì thế, bất cứ ai, cần gì, thì cứ thành khẩn cầu xin là sẽ được giúp đỡ. Từ suy nghĩ đó, ta thấy khắp nơi đều xây chùa cho to, tạc tượng Phật cho lớn, cho đẹp, rồi ngày mấy thời thắp hương trước tượng Phật để cầu xin cứu độ. Sống thì tăng phúc, tăng thọ, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình hạnh phúc, an vui… Lúc chết thì cầu xin được độ thoát về Tây Phương Cực Lạc..vv…
Khi Ngài Thích Ca Mâu Ni đắc đạo, đạt được giác ngộ giải thoát, thành Phật rồi thì cũng sinh hoạt như một người bình thường. Nếu Ngài là thần linh hẳn đã hóa phép nhiệm màu để có cơm cho mình và các đệ tử dùng. Trái lại, trong kinh đã nói Ngài cũng: "Theo thứ tự đến từng nhà khất thực xong trở về tịnh xá, dùng cơm xong rồi, cất y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi" (Kinh Kim Cang).
Theo chính kinh, thì Phật là tình trạng Giải Thoát mà mọi người đều có thể đạt tới, đó là một trạng thái giải thoát của cái tâm con người. Tâm rỗng rang, thanh tịnh đó là Phật, tâm ngổn ngang phiền não là chúng sinh. Chúng sinh và Phật chỉ là một. Khi đau khổ, phiền não thì là chúng sinh. Hết phiền não thì là Phật.
Các bạn đọc kinh đều thấy nói : “Muốn Thành Phật thì phải “Độ tận chúng sinh”. Nghĩa là tất cả chúng sinh đều đã được Phật cứu độ về cõi Phật. Điều này chứng tỏ chắc chắn rằng, chúng ta không phải là chúng sinh của Phật, vì chúng ta vẫn còn ở đây, chốn trần lao, vẫn còn khổ đau và ngổn ngang phiền não. Đức Thích Ca đã độ tận chúng sinh nên mới thành Phật. Nếu chúng ta là chúng sinh của Ngài thì phải được Ngài đưa về Niết Bàn rồi. Nhưng chúng ta thì vẫn còn đầy phiền não, và đang ở trong cõi trần ô trược này, thì không thể nào là chúng sinh của Ngài được. Hay nói ngược lại, nếu chúng ta là chúng sinh của Đức Thích Ca thì Ngài vẫn chưa thành Phật!
Vậy “Chúng sinh” mà Đức Phật muốn nói đến thực chất là gì?
"Tuy diệt độ vô lượng chúng sinh, mà thật ra không có chúng sinh nào bị diệt độ cả", và "Chúng Sinh không phải là Chúng Sinh, chỉ giả gọi là Chúng Sinh" (Kinh Kim Cang).
Tên gọi “Chúng Sinh” là của Đức Thích Ca đã dùng từ ngày xa xưa, mà với ngôn ngữ hiện thời của chúng ta ngày nay thì gọi là "tình trạng của tư tưởng". Đó là những cảm xúc: Tham, sân, si, mạn, nghi…, là những phiền não trong tâm của con người. Chúng sinh không phải là người hay là loài gì, vật gì ở ngoài Tâm cả.
Tâm rỗng rang, thanh tịnh là Phật. Chúng sinh nghĩa là những phiền não ở trong tâm mỗi người, đó là tâm tham lam, là tâm sân hận, là tâm si mê… Cảm xúc tham lam là chúng sinh, giận dữ là chúng sinh, si mê là chúng sinh… Không còn chúng sinh nơi tâm, tức là không còn tham, sân, si nữa, lúc đó cái tâm của người tu sẽ trở nên thanh tịnh, an ổn, là thành Phật.
Công việc của một người tu là loại bỏ được các cảm xúc tham, sân, si… nơi tâm mình, đó cũng chính là “độ chúng sinh”. Chẳng hạn, cảm xúc tham lam là chúng sinh, nó ở trong tâm ta, nó làm cho cái tâm con người ta phải khổ sở vì nó. Nhưng khi người tu đoạn được nó, khi cái tham không còn trong tâm, không quay trở lại nơi tâm của người tu, thì người ta sẽ không còn bị phiền não vì nó, không còn thấy khổ vì lòng tham không được thỏa mãn. Nghĩa bóng trong kinh gọi đó là lòng tham (chúng sinh) đã được cứu độ, đã được đưa về cõi Phật, về Niết bàn không còn ở thế gian nữa. Người làm cái việc cứu độ cho cái cảm xúc tham (chúng sinh) về nơi cõi Phật đó chính là hành giả đang tu hành, chính là những người đang có ý thức sửa đổi thân tâm mình để không còn tham nữa.
Trong kinh nói người “thành Phật phải độ tận chúng sinh” là vì thế, những cảm xúc phiền não trong tâm là chúng sinh, tâm còn phiền não thì không thể thành Phật được. Bạn sẽ thành Phật, nhưng bạn chỉ thành Phật khi những phiền não trong tâm không còn tức các chúng sinh trong tâm bạn không còn. Nếu bạn là một người đang có ý thức sửa đổi tâm mình cho nó trở nên an ổn, thanh tịnh, đó cũng chính là bạn đang độ chúng sinh.
Tu Phật là tu tâm, mà cái tâm thì ở trong cơ thể con người, tâm của ai ở trong cơ thể người đó. Tu tức là tự sửa đồi cái tâm của mình, cho nó không còn tham lam, giận dữ, si mê, không còn các chúng sinh trong tâm nữa. Tâm của ai thì chỉ có người đó mới có thể tự sửa lấy, tự cứu độ cho hết các chúng sinh phiền não… Vì thế, mỗi người chỉ có thể tự độ lấy cho mình mà thôi, không thể độ giùm người khác, hay nhờ người khác độ giúp, nên Đạo Phật còn gọi là Đạo "Tự Độ". Nếu Đức Thích Ca "độ tha" được thì trước hết Ngài phải độ cho con ruột là La Hầu La và em Ngài là Anan. Nhưng tất cả họ đều phải tu hành để tự mình thoát khổ, các chư tổ đời sau cũng thế. Họ đều phải tự mình cứu độ các chúng sinh tham, sân, si có trong tâm mình để tự mình thành Phật, đạt được giác ngộ. Chứng tỏ rằng Đức Phật không có "độ tha", điều này cũng đã được Đức Phật nói rõ trong kinh:“Các con phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, Ta không giúp gì cho các con được”. Hoặc: “Ta không thể làm cho ai trong sạch hay ô nhiễm” (kinh Pháp Cú - câu 165, 276),
“Này A Nan, thế nào gọi là điên đảo về chúng sinh? Do cái tâm bản tính mà vọng kiến nhận là có tính sinh ra, từ chỗ rốt ráo là không, lại thành rốt ráo là có…Rồi gốc nơi cái vô trụ đó, mà kiến lập ra thế giới và các chúng sinh.
Vì mê, không nhận được tính viên minh sẵn có, nên sinh ra hư vọng, tính hư vọng không có tự thể, không phải thật có chỗ nương đứng. Cầu trở lại không đúng chân lý, thì hiện thành ra những phi tướng: không phải sinh gọi rằng sinh,
Dựa trên những điên đảo, xoay vần đó, nên trong thế giới có những loài noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng. (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 624). Như vậy chúng ta thấy Đức Phật đã nói rõ, chỉ vì cái tâm vô minh, điên đảo, xoay vần đó mà đã sinh ra, mà đã kiến lập nên các thế giới và các chúng sinh mà thôi. Chúng sinh chính là những sự vọng tưởng, những phiền não do tâm mình sinh ra.
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Chúng sinh cũng được Lục Tổ Huệ Năng chỉ rõ như sau: “Chư Thiện tri thức. Chúng sinh trong tâm mình là lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện. lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là chúng sanh”(PBĐK tr. 81).
Con người thường bị các cảm xúc tham lam, tức giận, si mê, gen ghét, đố kỵ… chi phối, ràng buộc, làm cho cái tâm luôn phiền não, khổ sở không yên. Từng giây từng phút chúng ta khởi lên rất nhiều tư tưởng loại này trong tâm mình. Người tu là phải "độ" cho tới hết những chúng sinh tức những tư tưởng này, khi những cảm xúc này ở nơi tâm mình không còn nữa, lúc đó người tu sẽ đạt được giác ngộ giải thoát. Khi tâm người tu chứng ngộ, không còn những chúng sinh, những cảm xúc các loại đó nữa, nên gọi là đã "độ tận chúng sinh". Đông Phương Tịnh Quốc hay Tây Phương Cực Lạc chính là trạng thái của tâm, là cõi Tâm của mỗi người sau khi cải tạo hết những chúng sinh xấu, ác đó.
Chúng Sinh là những phiền não ở trong tâm, chính là những tư tưởng, cứ theo Mắt, theo Tai, theo Thân, theo ý mà trùng trùng duyên khởi. Người muốn thành Phật phải độ thoát tất cả chúng, cho nó được yên ổn, thanh tịnh, không còn phiền não, khổ đau nữa. Công việc làm cho tư tưởng, cho cái tâm mình được thanh tịnh, an ổn đó trong kinh dùng hình ảnh ẩn dụ gọi là "Cứu độ chúng sinh", hoặc là "Độ Sinh".
Kinh Kim Cang có câu : "Cái gọi là chúng sinh, Như Lai nói không phải là chúng sinh, đó là tên gọi chúng sinh". Lại nói : "Thật ra không có chúng sinh để Như Lai độ; nếu có chúng sinh để Như Lai độ thì Như Lai có ngã, có người, chúng sinh thọ giả tướng".
Nếu bạn cho rằng có chúng sinh, thì “chúng sinh thọ giả tướng” nghĩa là bạn chỉ đang tưởng tượng cho nó một hình tướng mà thôi. Nếu cho rằng bạn là chúng sinh của Phật, và khi bạn cầu xin thì Ngài sẽ cứu độ bạn, vậy là Ngài vẫn còn tâm phân biệt, cái tâm của Ngài vẫn còn bị cảm xúc của người khác chi phối, tác động, nghĩa là Ngài vẫn còn có bản ngã giống như bạn, vậy sao Ngài là Phật được?. Nếu vì bạn cầu xin mà Ngài ban cho, nghĩa là Ngài đã thiên vị bạn, vậy cũng chẳng còn gì là lẽ công bằng; tư tưởng Nhân quả của Ngài dựa trên nền tảng đạo đức cơ bản của con người liệu có còn tồn tại cho đến ngày nay?.
Cái gọi là độ chúng sinh khi Phật phát lời nguyện lớn thành Phật, tức là khi chưa thành Phật, khi đó còn có trung tâm tự ngã nơi bản thân mình. Tâm còn phiền não tức còn chúng sinh, tâm còn tham sân si, tức là chúng sinh còn trong đó, bởi vậy khi khi chưa thành Phật thì còn có chúng sinh trong tâm mình để độ. Khi thề nguyện độ hết chúng sinh trong tâm, không còn phiền não, tham sân si nữa thì mới thành Phật, thành Phật rồi thì chẳng còn chúng sinh để độ nữa.
Người theo Đạo Phật bây giờ vì không phân phân biệt được “chính kinh” với “kinh sách phát triển” được viết thêm, không có khả năng đọc hiểu (LUẬN) được kinh Phật, lại bị dẫn dắt sai bởi sự giảng giải của các Sư tu giả. Nên đã cho rằng tất cả mọi sinh vật hữu tình trong đó có con người đều là chúng sinh của Phật, chỉ cần thành khẩn cầu xin thì sẽ “được cứu Độ”, được gia hộ, được giúp đỡ là hiểu lầm, hiểu sai ý kinh, lời Phật.
Đạo Phật thất truyền đã mấy nghìn năm nay, mạnh ai nấy giảng theo ý mình, viết thêm kinh sách cho phù hợp với thị hiếu, cung cầu của xã hội, cho phù hợp với tín ngưỡng bản địa… nhằm mục đích lôi kéo đông đảo những tín đồ cả tin, nhẹ dạ. Một tôn giáo đậm chất nhân văn, dựa trên nền tảng đạo đức, tu thân sửa tính để cho con người, xã hội trở nên tốt đẹp hơn đã biến tướng thành những nghi lễ cúng bái và sự cầu xin. Trong khi Đức Phật đã nói rõ: "Ai nương sắc để thấy ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó đang hành tà đạo. Không thấy được Như Lai". (Kinh Kim Cang).
Tu Phật là tu tâm. Chùa là nơi để cho con người thực hành việc tu tâm sửa tính, không phải để cầu xin, hay để thực hành các nghi lễ mê tín. Vì thế nếu bạn thấy ở chùa nào mà thường xuyên thực hiện các nghi lễ, cúng cô hồn, cúng dâng sao giải hạn, cúng lễ cầu an, cúng chúng sinh (cho rằng chúng sinh là những linh hồn lang thang cơ nhỡ, hay ngạ quỷ, súc sanh… cần giảng kinh thuyết pháp cho họ nghe hay thí thực để cứu độ những chúng sinh này)..vv… Đó là những nơi bị ảnh hưởng bởi tà giáo, ngoại đạo, là những nơi hành đạo có mục đích, có ý đồ, không phải là Đạo Phật nguyên bản của Đức Như Lai.
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…
Sư phụ! Mới đây, con đã được nghe giảng về Kinh Kim Cang. Nay con đọc được bài này của thầy, con thấy thật chí lý! Bài viết của thầy dễ hiểu, giúp con hiểu đúng, hiểu sâu hơn về Phật pháp! Con cảm ơn thầy!