Kỳ 2: Chữa bệnh cho ma
(Tiếp theo kỳ trước)
Nếu bạn đi gọi hồn người thân ở nhà cô đồng Nứa (Bắc Ninh), bạn sẽ không có người đón tiếp, không có người hướng dẫn. Bạn chỉ còn biết cách hỏi những người đã đến trước xem cách thức thế nào. Rồi người đến trước hướng dẫn cho người đến sau, mua lễ ở ngoài ngõ hoặc mang đi từ nhà. Bạn viết tên mình (ví dụ Nguyễn Văn Hải) và tên vong cần gặp (ví dụ cần gọi vong bố là Nguyễn Văn Hùng) vào một mảnh giấy, đặt chung vào đĩa… cùng với một ít tiền (tùy tâm, có hay không cũng được). Bạn đặt lễ ở chỗ nào có thể đặt được, trên kệ, dưới sàn nhà... (vì bàn thờ nhà cô đồng rất nhỏ, mà lễ thì nhiều), cũng không cần phải thắp nhang.
(Quang cảnh một buổi áp vong thường thấy)
Không có ai chỉ bảo gì cho bạn, chỉ có người đi trước mách cho người đi sau; có mỗi cô đồng Nứa thì lúc nào cũng đang trong trạng thái nhập đồng, xung quanh là mọi người đang xúm lại hỏi han, khóc lóc, quay phim, chụp ảnh... cô đồng cũng chẳng thể quay ra nhìn bạn, cũng chẳng bận tâm ai đến ai đi. Mọi người đều ngồi trong căn phòng nghe vong của gia đình khác nói chuyện và chờ đến lượt mình.
Rồi bất chợt sau một cái rùng mình (vong nhập) cô đồng gọi to tên bạn “Hải đâu rồi con, bố Hùng về rồi đây”. Bạn chạy tới, rồi vong (trong xác cô đồng) sẽ ôm lấy bạn, bạn hỏi gì vong đều trả lời đúng, với những lời nói tình cảm, thân thiết. Vậy bạn có tin không ?
Trong đoàn đi của lão hôm đó, có một vài anh em cũng đều là những hành giả tu hành, đến nhà cô đồng Nứa vào một buổi sáng khá đẹp trời. Theo lời chồng cô thì ở đây trung bình mỗi ngày có khoảng 200 trường hợp đến nhờ gọi vong.
Lão thấy trước mắt là quang cảnh một căn nhà không lấy gì làm khang trang cho lắm, không có gì khác biệt giữa một vùng quê khá thanh bình, nhưng có điều lạ là lão nhận thấy ở đây không có nhiều vong về tụ tập. Lão quan sát cô đồng Nứa, thấy cô có vẻ mặt thật thà, hiền lành, tươi cười, ưa nhìn và không có vẻ gì huyền bí.
Đến lượt một người đi cùng đoàn với lão tên T. được vong gọi lên, anh T. đi hỏi tìm mộ người chú đã thất lạc nhiều năm, bản thân anh cũng là dân cảm xạ học. Và anh đã rất cảm động, nước mắt ngắn dài trò chuyện với chú (nhập vào cô đồng), ông chú hiện về trong dáng điệu run rẩy của một người già.
Trong câu chuyện cảm động của chú cháu nhà họ. lão cũng hỏi chen vào “sao chú run thế?”, vong nói “chú bị cảm lạnh” (ngày trước chú bị chết dưới sông); lão nói “để tôi chữa cho chú nhé?” Vong gật đầu. Lão liền đưa bàn tay về phía vong, khoảng cách 2m, một thoáng nhanh thôi, vong hết run và nói “chú khỏi rồi, cảm ơn cháu”.
Tiếp theo có một vong khác lên xưng là liệt sĩ, đang bị thương, rất đau đớn, và thế là lão cũng dùng cách đó, giơ tay lên vuốt nhẹ từ xa để chữa lành vết thương cho vong. Những người ngồi trong phòng hôm đó thì mắt tròn, mắt dẹt tưởng lão là một ông thầy cao siêu lắm, hi.
Nếu có chút hiểu biết về thế giới tâm linh, biết cách tác động, thì ta có thể dùng hình thái tư tưởng, kết hợp với năng lượng phát ra từ bàn tay để có thể giúp đỡ, chữa khỏi bệnh tật, khổ đau cũng như hướng dẫn nhiều điều có ích cho người cõi âm, cho gia tiên nhà mình (lão sẽ hướng dẫn cho các bạn trong một bài viết khác), để họ khỏi rơi vào những cảnh giới khổ sở. Nhưng ở trường hợp này thì lão chẳng làm gì cả, chỉ là giơ tay lên thôi, lão chưa làm gì đâu. Thế mới biết thế giới của vong linh cũng thật thú vị (lão không có ý định giải thích về hiện tượng vong nhập vào cô đồng Nứa ở bài này).
Cô đồng Nứa gần như kiệt sức sau mỗi khi tỉnh lại, lão đã giúp cô một chút để ổn định lại tinh thần và tăng cường chút nội lực cho cô, trong khoảng thời gian ngắn ngủi cô trở về trạng thái bình thường. Hình như cô cũng có thiện cảm với lão vì thấy cô cảm ơn và rất vui.
Thời gian bắt đầu ngả sang chiều. Chia tay cô đồng Nứa, bọn lão tiếp tục hành trình đến nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên ở Tứ Kỳ, Hải Dương.
(Hồn- ma- bóng- vía... )
Khác hẳn với cô đồng Nứa, cơ ngơi của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên khá khang trang, mọi người đều gọi ông là “Cậu Liên”, cả làng nơi Cậu ở đã trở thành dịch vụ, trông xe, nhà nghỉ, cơm nước... để phục vụ khách thập phương. (nghe nói Cậu đã ủng hộ tiền mọi người công đức để xây dựng nhiều tuyến đường trong xã), bọn lão đến đúng vào hôm Cậu “làm việc” với vong.
Xe gần đến nhà Cậu thì lão đã cảm nhận có điều khác biệt, xuống xe đi bộ đến gần nhà khoảng 100m thì lão đã biết chắc có rất nhiều vong linh tụ hội về đây. Lão chần chừ không muốn vào vì lão dự cảm những điều sắp xảy ra, một thoáng ngần ngừ; nhưng cũng vì muốn gặp nhà ngoại cảm nên lão liền tặc lưỡi, mọi việc tùy duyên vậy.
“Cậu Liên” là một người đàn ông tuổi trung niên, hơi gầy, gương mặt cũng bình dị, nói chuyện, làm việc cũng kiểu chơi chơi, không có gì tỏ ra huyền bí hay nghiêm trọng hóa vấn đề. Cậu mặc áo may ô, quần đùi (chắc tại trời nóng quá). Có 2 con chó nằm dưới chân cậu, cất tiếng sủa mỗi khi có vong về, và đi vào đi ra theo vong, người để cho vong nhập sẽ là người nhà của vong, lên ngồi đối diện với Cậu qua một cái bàn.
Nếu bạn muốn quan tâm vì sao nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên có được khả năng ngoại cảm, thì hãy tìm hiểu về bức ảnh chụp hai mẹ con của một người phụ nữ treo ở gian chính, bên cạnh giấy khen của phó Chủ tịch nước nhé.
Mọi việc xảy ra không ngoài dự đoán của lão, lão biết có 2 vong linh đã “nương” vào lão rồi. Lão hoàn toàn có thể đọc một câu chú ẩn thân khi đi vào những điểm nhạy cảm để vong không nhìn thấy mình, hoặc có thể phát năng lượng bao kín thân thể (những người học thiền đến lớp 3 ở chỗ lão đều làm được điều này). Nhưng lão đã không làm như thế, mọi việc tùy duyên thôi, để xem sao mà. Những ai đã yêu thích giáo lý nhà Phật thì cũng sẽ quý trọng pháp từ bi, không những giúp đỡ người dương mà còn phải giúp đỡ người âm nữa, phổ độ chúng sinh theo nghĩa rộng là thế.
Chúng ta hiểu giống như cư dân của một ngôi làng, sinh sống ở một nơi hẻo lánh, tách biệt với xã hội văn minh, cuộc sống vất vả và nghèo đói. Họ đâu biết rằng ở phía xa kia, cách xa nơi ở của họ, có một thành phố, và ở nơi đó con người có cuộc sống sung sướng hơn, thuận lợi hơn mà họ không hề biết.
Nhưng không phải hoàn toàn như thế, trong ngôi làng đó có một vài người biết, và rồi họ tìm cách, họ đợi chờ xem có chuyến xe nào đó chạy qua không, để có thể đưa họ lên thành phố, đến nơi có cuộc sống hạnh phúc, no đủ hơn. Họ sẽ cố tìm cách leo lên xe để được đi nhờ xe, cho dù chủ xe đồng ý hay không đồng ý...
Những hành giả tu hành sẽ là những chuyến xe bất đắc dĩ đó, và những vong linh có chút hiểu biết là những người muốn được đi nhờ xe, họ muốn nương nhờ vào năng lực thiền định của các thiền nhân để thăng lên cảnh giới cao hơn trong thế giới tâm linh. Nếu hành giả nhập định càng sâu trong lúc thiền thì nương theo đó, mượn chiếc cầu nối đó những vong linh muốn được thăng lên những cảnh giới cao hơn của mình, để có được nhiều an lành, phúc lạc.
Chia tay Cậu Liên sau một hồi thăm thú, chuyện trò, đoàn của lão khi về đến nhà người bạn trong nhóm ở Hải Dương thì trời đã sẩm tối, lão liền ra đứng thiền bên bờ ao cá, trước mặt là cánh đồng thoáng đãng, mênh mông, gió quê miên man mát rượi. Lão nghĩ phong cảnh như thế sẽ hợp với 2 vong linh có ý nhờ lão. 45 phút trôi qua vẫn không thấy kết quả, lão đành đi vào nhà ngồi thiền cùng với mọi người, họ đã thắp nhang lên bàn thờ Thầy tổ và đi vào thiền định. Lão phát ý nguyện nhờ Thầy tổ giúp đỡ các tha nhân, xin chư Phật, chư đại Bồ Tát mười phương gia hộ để cho các vong linh được nương nhờ chánh pháp, tinh tấn tu hành và nhanh chóng siêu thoát. Được chừng 15 phút thì lão thấy 2 vong linh này vội vã bỏ chạy, mấy người bạn cùng thiền sau đó cũng nói nhìn thấy một già một trẻ dắt tay nhau chạy đi; điều kỳ lạ là 2 con chó đang nằm ngoài sân cũng ngay lập tức vùng dậy vừa sủa vừa đuổi theo 2 vong này ra tận ngoài ngõ xa.
Lão đã không hiểu ý muốn của họ, và đã không giúp được gì cho 2 vong linh đó, chắc lão đã không đúng khi hướng dẫn cho họ theo con đường tu hành, vì chắc họ vẫn còn nghĩ con đường tu hành sẽ nhiều chông gai, khổ hạnh và đó không phải là điều họ muốn. Nếu như lão hướng cho họ một cảnh giới vui tươi, đầy đủ về vật chất, sung sướng thì chắc là mọi sự đã khác, âu cũng là cái duyên giữa lão và họ chỉ có vậy mà thôi.
(Thiền giả tu hành)
Vong, hồn, ma, tà ... là những từ thường dùng để chỉ một trạng thái thần thức của con người sau khi chết, khi thân thể chết thì thần thức thoát ra ngoài, và đó là một bản sao về phương diện tư duy của con người, khi sống ra sao thì khi chết người ta thế ấy. Giống như trong cuộc sống, ở đây là ta, rồi ta có đi đâu xa, có ra tận nước ngoài thì chúng ta vẫn chỉ là chúng ta mà thôi. Chết chỉ là một bước chuyển tiếp của sự sống (giống như chúng ta di chuyển đến chỗ khác) và họ (vong) vẫn cứ là họ mà thôi. Chỉ có điều, khác về cách tồn tại, không còn trong thân xác mà trong một trạng thái khác.
Nhưng phần lớn vì họ không được tìm hiểu, không được học hỏi, không biết rõ về thế giới mà họ sẽ bước tiếp khi từ bỏ thân xác, nên họ đã không biết cách thích nghi với hoàn cảnh mới, thế giới mới, vì thế mà họ khổ tâm, ai oán.
Nếu chúng ta hiểu, chúng ta hướng dẫn cho họ, để họ biết cách thích nghi với “cuộc sống” mới, ở một “thế giới mới” từ đó họ sẽ sống tốt hơn, hạnh phúc hơn rất nhiều (lễ cầu siêu của Phật giáo nhằm mục đích này). Với những người thông minh, khi sang thế giới bên kia họ biết cách tiếp tục học hỏi, để thích ứng với “cuộc sống” mới, từ đó họ đạt được nhiều may mắn, an lành hay còn gọi là siêu thoát (thuật ngữ tâm linh gọi là thay đổi cảnh giới). Giống như những người dân quê lên thành phố, người nào biết thích ứng với hoàn cảnh, môi trường mới, biết làm ăn thì sẽ có cuộc sống an nhàn sung sướng. Người nào không biết thích nghi, thay đổi, mà vẫn cứ sống, làm việc theo kiểu ở quê thì sẽ rất vất vả, khổ sở...
Thế giới bên kia, thay đổi cảnh giới, siêu thoát... rồi, thì họ đi đâu? Họ chẳng đi đâu cả, thế giới của chúng ta là “Phàm, Thánh đồng cư độ”. Tất cả đều ở đây, đều tồn tại chung với nhau ở đây mà thôi. Thiên đường chẳng phải ở trên cao (nếu có Thiên đường ở trên cao, thì máy bay, đạn pháo đả xẻ nát thiên đường), Địa ngục chẳng phải ở dưới lòng đất (nếu ở dưới lòng đất thì khi đào hầm, khoan giếng chúng ta đã phá hủy địa ngục, Diêm Vương chắc hẳn đã chẳng để cho chúng ta yên). Thiên đường hay Địa ngục chỉ là những cảnh giới do tâm sinh mà thôi (lục đạo luân hồi). Hiểu đơn giản là nếu cuộc sống an lành, may mắn, hạnh phúc, tràn ngập niềm vui thì đó là thiên đường. Khổ đau bởi hận thù, tức tối, đói khổ, bệnh tật lê lết, nổi điên bởi những tham cầu không được thỏa mãn thì đó là địa ngục. Suy rộng ra chúng ta sẽ hiểu thế nào là một người có thể bị đọa “Địa ngục”, một người lại được lên “Thiên đàng” (những hình ảnh ẩn dụ, mang tính chất giáo dục của Phật giáo). Sẽ hiểu thế nào là thần, là thánh, là yêu tinh hay quỷ quái..vv...
Lão nói thêm một chút về cách phân biệt vong linh thật giả ở kỳ sau vậy, để có thể giúp các bạn trong trường hợp cần thiết.
Tiếp tục nói về thế giới vong linh, sẽ là thiên hồ địa hải, vô tiền khoáng hậu, một câu chuyện chẳng thể có hồi kết ...
Như đã nói, vong là một trạng thái thần thức của người sống, hay nói cách khác là một bản sao y hệt của người sống. Cho nên cách cư xử đối với họ chúng ta cũng cần phải hiểu biết, tôn trọng, biết cách đối thoại và yêu thương họ. Chúng ta không làm tổn thương đến họ thì họ cũng không làm hại chúng ta. Về phương diện khách quan, chúng ta giúp đỡ họ, dễ hơn là họ có thể giúp đỡ chúng ta nhiều.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
Lão tiensinh.
Bài viết liên quan:
Có nên đi gọi hồn, áp vong? Cách phân biệt vong linh thật giả (Kỳ 3)
Sự thật về bùa ngải.