Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Cầu cúng với cơ chế thị trường ngày nay: Dân sính lễ là điềm suy xã tắc

Thứ hai - 28/12/2015 20:27

(Kỳ 3)
 
     Nếu ai đó mời bạn mua xổ số, bạn lắc đầu, họ nói sẽ trúng độc đắc, bạn nói để hôm khác đi.
Nhưng nếu có người nói cầu cúng chỗ này thiêng, lễ chỗ nọ sẽ giúp giải quyết được vấn đề mà bạn đang bế tắc, nào là biết đâu được, đó là việc nên làm, sao không thử xem…
Rồi sao?
Đó chính là lý do mà ngày nay người sính lễ lại đông gấp vạn lần người chơi xổ số, cho dù xác suất cầu mà được lại vạn lần thua xa.
 
 

 
        Chắc là bạn sẽ giải thích được vì sao, vì đó là việc nên làm, vì không phải mình làm chỉ vì mình nên đó là hành động đẹp, vì đó là hướng thiện, vì nó là nhân văn hay nét đẹp văn hóa, là biểu hiện của người có đạo..vv…  Những điều này do bạn ngộ ra chăng?
Không đâu. Chỉ vì bạn đã nghe được ở đâu đó thôi.
Bạn nghe ở đâu đó thôi, từng ít một, nó cứ chầm chậm thấm dần và len lỏi vào trong tâm trí bạn, cho đến một ngày bạn tưởng rằng đó là do mình nghĩ ra, và tự cho đó là việc mình nên làm.
Đó chính là cái tài và cũng là hệ lụy tất yếu của một xã hội sính nghi lễ và cầu cúng.
 
        Có người nói: “Dân sính lễ là điềm suy của xã tắc”. Theo lão, nói không ngoa thì điều này cũng chẳng sai là mấy. Thay vì trau dồi phẩm hạnh để được mọi người quý mến từ đó đời sống sẽ trở nên bình an, họ lại dựa vào cầu cúng. Thay vì học hỏi, chăm chỉ làm ăn đề đời sống trở nên khá giả hơn, họ lao vào cầu cúng.
      Vì sao bạn biết không? Vì ngày nay một số người trong chúng ta đang mang trong mình nhiều tư tưởng thủ đoạn, mà thủ đoạn thì dẫn đến chụp giật (nói theo lối miền nam là chụp dựt.hi), chụp giật được thì cho là may (vì họ thừa biết chẳng phải do tài cán hay đức hạnh của mình), mà muốn may thì cầu cúng thôi. Cứ lễ nhiều vào. Người ta xổ số còn trúng ầm ầm kia mà.
 
      Thật oái oăm là cái tư tưởng đó cứ từ từ len lỏi, thấm dần, đi vào trong tâm trí họ, đi vào nhà bếp, vào phòng ngủ, đi vào cả giấc mơ, và giờ đây leo lên cả ban thờ trong gia đình nữa. Thảo nào giờ đây người ta có nhiều áp lực và nhiều căng thẳng trong đời sống của mình đến thế.  Đủ sự hối thúc, cấp bách, sao thiên hạ giàu nhanh thế? Tiền cứ vào túi ai sao chẳng vào túi mình? Mình có thua kém gì ai đâu? Nó còn không bằng mình… Khi không tìm được lý do nào để giải thích cho thỏa đáng thì đây, giải pháp: cứ bày biện mọi thứ cho đúng đi, lễ lạt cho phải với quy cách vào, rồi hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến. Tại chưa đủ thành tâm thôi.
Ngược đời là ở chỗ khi thủ tục càng rườm rà, càng phức tạp tốn kém, giải nghĩa càng lắm nhiêu khê, càng khó hiểu, may mắn vẫn chưa đến thì khát vọng đợi chờ lại càng âm ỉ.
 
       Cái ban thờ trong gia đình giờ đây cũng phải tạm gác lại chức năng của mình, phải quên mình đi để cùng gia chủ lao vào cuộc đua. Cái ban thờ cũng phải biết mình nên ngồi chỗ nào để bảo vệ được sự bình an cho gia chủ, phải hoạt động ra sao để cho gia chủ khỏi ốm đau và rủi ro, rồi phải biết xoay đón hướng nào để bắt được tài lộc về cho gia chủ. Đúng là Thần linh có khác. Còn gia tiên nữa, Cao tằng tổ khảo, cứ liều liệu mà nâng cấp mình lên nếu không muốn tụt hậu, phải trở nên phi phàm để bắt kịp thời cuộc và phải vất vả cật lực hơn cả lúc còn sống để phò trợ cho con cháu.
 
 
(Ai mới là kẻ được lộc Thánh?)
 
 
        Xu thế xã hội bây giờ khiến cho người ta mang trong mình nhiều ham muốn tức thì, nhưng cũng vì thế nên sẽ ẩn đằng sau và kèm theo nhiều nỗi bất an, từ đó mới nảy sinh tâm lý giá như biết trước được thì tốt. Bởi vậy mà giới hành nghề bói toán một cách ngô nghê lại có đất phát triển. Thật khôi hài khi có những người chẳng hiểu gì về tâm linh, chẳng biết gì về cuộc đời mình, thậm chí xúc phạm thánh thần lại thành ra đấng cứu nhân độ thế.
Các bạn nên nhớ xin xăm, rút quẻ, bói bài, tử vi… cũng chỉ dựa vào một xác suất rất nhỏ và chung chung của thuật toán mà thôi (lão sẽ lý giải ở bài: Bói toán có những thuật gì?).
      Nếu hiểu một chút về tâm linh, về cái gọi là khả năng đặc biệt, bạn sẽ thực sự biết chắc rằng những người có khả năng thật sẽ chẳng bao giờ hành nghề bói toán hay cầu cúng đâu. Nhưng bạn lại nói người ta xem đúng mà, khiến tôi lạnh gáy, việc gì trong nhà tôi người ta cũng biết?. Thực ra những người đó họ cũng chẳng biết là mình đang nói gì. Xác suất nói đúng của họ cũng rất thấp, chỉ là bạn rơi vào phần xác suất đó mà thôi, nói cho bạn đúng nhưng nói cho bạn của bạn sẽ sai. Nói mà chẳng biết mình nói gì, chẳng biết căn cứ vào đâu, nhưng mà đôi khi lại trúng, chính người nói cũng chẳng thể giải thích được vì sao nữa? Lão sẽ giải thích ở những  bài viết khác, thứ tạo nên cái tạm gọi là khác thường này.
        Bạn biết vì sao bạn không dám tìm hiểu thực hư khả năng của một thầy bói, thầy cúng, thầy tướng số, thầy địa lý…  không? Đơn giản là vì bạn sợ. Vì phần lớn chúng ta luôn mang trong mình một nỗi sợ mơ hồ về thế giới tâm linh, ma quỷ, mà “các thầy” lại rất giỏi trong việc nắm bắt điểm yếu này của bạn. Họ luôn cố ý tạo ra sự huyền bí, tỏ ra mình đang dựa vào hay nhân danh ma quỷ, thánh thần, thế nên bạn ngại.
      
      Những kẻ cơ hội, nắm bắt được tâm lý đó bắt đầu vẽ ra đủ thứ nghi thức bày biện, cúng lễ, cho đủ loại nhu cầu, mục đích khác nhau: làm ăn khó khăn, lễ; muốn giàu nhanh, lễ;  bệnh tật, lễ;  ngủ không được, lễ;  chưa lấy được chồng, lễ;  hơi xấu chút, lễ…
Ngay cả những nơi tôn nghiêm mang tính chất nhân văn truyền thống như đình, chùa cũng vào cuộc áp dụng, quyết không bỏ lỡ cơ hội: Năm nay năm tuổi làm lễ giải hạn đi. Năm nay sao La hầu, Kế đô, Thái bạch không lễ chết, tán gia bại sản. Bỏ tiền đây lễ…  Họ mới chính là những siêu cầu thủ, thay đời đổi vận nhờ cất vó được lộc trời từ những người sính lễ.
Hậu quả là càng góp phần đẩy cao tâm lý chụp giật trong đời sống xã hội. Đối tượng là những người muốn nhiều tiền nhưng không muốn hiểu biết, muốn bình an nhưng nhân phẩm lại chẳng giống ai, đúng là nhìn vào phía trước, tương lai, chỉ thấy toàn khói hương mù mịt mà thôi. Khói như cháy nhà. Gớm!
 
      Có đẩy cao tâm lý chụp giật, cơ hội, kiếm được ít tiền thì rồi có khi sẽ phải trả những cái giá đắt hơn. Có người đổ bệnh nan y, ai đó con cái lại chẳng ra gì, vận mạt về sau, và phần lớn đều sống trong sự căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, đôi khi là trống rỗng.
        Bởi vậy nên mới có nghịch lý đời thường, đôi khi một số những người giàu lên nhờ làm ăn bất chính lại là những người làm từ thiện nhiều nhất, lễ bái cúng tiến nhiều nhất. Bạn biết vì sao không? Vì có sự đổi chác trong đó, họ đổi tiền mong lấy được cảm giác bình yên. Vì như thế họ thấy đỡ bất an hơn, vì họ tìm thấy được cảm giác an tâm nhẹ nhõm trong những việc làm đó. Thứ cảm giác đã trở nên khan hiếm trong cuộc đời của họ, khan hiếm trong tư tưởng, trong công sở, trong phòng ăn, trong phòng ngủ, và cả trong những giấc mơ nữa.
 
 

 
     Vì sao trước đây xã hội tôn trọng các nghi lễ tâm linh, nghi lễ tôn giáo? Vì bản chất của nghi lễ xa xưa vốn chú trọng tâm lý hướng thiện và tư tưởng sống đẹp, và đó mới chính là yếu tố giúp đời sống con người thay đổi. Còn bây giờ, nếu ta cứ mải mê với được và mất, xin và cho, may và rủi thì rồi cũng giống như ông lão đánh cá, cá vàng đi để lại lá vàng rơi lả tả, chẳng mấy chốc mà mùa thu cuộc đời cũng đến, rồi lại trở về quẩn quanh với cái máng sứt mẻ của mình mà thôi.
 
Hình như việc cầu cúng, đôi khi, đang bắt đầu đi quá xa thì phải.
 
     Cái ban thờ trong gia đình nhà bạn lại phải gánh thêm những sai lầm trong đời sống của bạn ư? Phải gánh thêm cái gánh cơm áo gạo tiền của bạn? Và phải cùng bạn lao vào cuộc mưu sinh như lao vào chiến trận nữa? Con người thì đứng trước đình, chùa với cả một cuộc toan tính trong đầu, hơn cả máy điện toán, lễ thế đã đủ chưa? Lễ ở đâu thì thiêng? Khấn thế nào cho hiệu quả?…
Bạn sẽ chẳng có lấy một giây phút nào được bình yên đâu cho dù bạn đang cúng lễ. Đầu óc bạn càng căng thẳng hơn, nhiều áp lực hơn mà thôi, những cảm giác bình an như ngày xưa bạn đã từng có giờ cũng rủ nhau đi đâu hết rồi. Vậy mà tốt sao?
 
    Một người mãi cứ nghèo hay một người giàu gặp nạn đều đổ cho tại nghiệp, mà nghiệp thì nên lễ thôi. Họ thực sự chẳng hiểu thế nào cái gọi là Nghiệp, là Duyên, là Số. Phần lớn các tôn giáo bây giờ trong khi truyền bá người ta cũng đã làm cho nó lệch lạc đi một cách có chủ ý, cốt mị dân để kiếm lợi mà thôi.
 
Theo lão, Đình, Chùa nên trở về với chức năng của nó. Ban thờ hay bàn thờ trong gia đình cũng nên trở về với đúng nghĩa của mình.
 
     Ban thờ trong gia đình chỉ là nơi thờ tự, là nơi biết ơn, tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, tổ tiên, những người đã sinh ra mình. Vì thế mà nó có tác dụng gắn kết anh em, gia đình, bè bạn tạo nên sự đầm ấm, tình yêu thương lẫn nhau, cùng nhau xoa dịu những nỗi đau và mất mát nếu có. Chẳng phải thế sao? Và chẳng nên thế sao?
Bởi thế nên khi về trước bàn thờ, người ta thoát khỏi những sự tác động của đời thường, đôi gánh mưu sinh cũng bớt phần nặng trĩu, họ trở về với con người thật của mình, vì thế họ sẽ có được cảm giác nhẹ lòng, yên ổn, bình an. Phục hồi được mệt mỏi cho thể chất, lấy lại được tinh thần cho tâm hồn, để từ đó có thể tiếp tục bước những bước thảnh thơi trong cõi đường đời nhiều gian khó.
 
      Cũng bởi chúng ta thường cảm thấy bất an giữa thế sự nhiễu nhương, thấy mình thật nhỏ nhoi giữa dòng đời xuôi ngược. Chông chênh như thể đang đứng đầu ngọn sóng, chơi vơi như nhánh củi khô trôi lạc giữa dòng. Sống mà luôn có cảm giác bất an không biết rồi những gì ngày mai sẽ tới, bởi trong đầu mình luôn đầy những dự cảm chẳng tốt lành gì, nào bệnh tật chẳng biết viếng thăm lúc nào? Chết chóc liệu có đến với mình không? Công việc cứ lận đận hoài, khó khăn cứ đeo đẳng mãi, rồi cả những sự ám ảnh mơ hồ về những điều không may nữa... Thế nên ta mới tìm kiếm chỗ dựa, mà dựa vào đâu chứ? Anh em, bạn bè, nơi làm việc, hoặc xã hội chăng? Không phải. Những nơi có thể là chỗ dựa thì vốn đã không là chỗ dựa rồi. Thôi đành, chỉ còn biết dựa vào vào cái sự may thôi. Nhưng cái sự may lại nằm ngoài khả năng thực tế của mình? Bởi vậy mà giờ đây có nhiều người tìm đến với lễ bái như một giải pháp ít nhất là về tinh thần. Đây cũng chính là sự giải thích cho việc vì sao mà ở những nơi xã hội kém phát triển, đời sống nhiều khó khăn lại là mảnh đất màu mỡ nảy sinh và du nhập nhiều loại tôn giáo, tín ngưỡng.
 
      Nếu bạn tinh thông, bạn sẽ không bỏ qua chỗ dựa cốt lõi nhất, thực tế nhất, đó chính là bên trong chứ chẳng phải bên ngoài. Bên trong là của bạn, bên ngoài thì không phải là của bạn. Bên trong là Hoàng Đế, bên ngoài chỉ là kẻ ăn xin. Bên trong bạn là bình an, ở đó có tình yêu thương, bên ngoài bạn là bất trắc và nhiểu nguy hiểm.
Chỉ vì bạn không biết mọi thứ bắt nguồn từ đâu, nên bạn cứ mãi ruổi rong, đi tìm chiếc chìa khóa của cuộc đời mình như thể tìm lá diêu bông trong biển đời mênh mông vô tận.
 
        Thay vì nuôi tư tưởng muốn cầu cúng để cho cuộc sống thay đổi hoặc có được sự bình an, trong khi mình đang chẳng biết làm gì, chẳng biết bắt đầu từ đâu? Thật hiếm khi  những hy vọng không thể lại trở thành có thể. Cứ mãi sống trong ảo vọng sao? Bệnh tật cứ nặng dần lên, nỗi lo cứ đến nhiều hơn mà thời gian thì chẳng dừng lại đợi chờ ai cả.
Vì thế, bạn nên chọn giải pháp khác, thực tế hơn, chắc chắn hơn. Bạn nên đến với Thiền.
 

 
(Thiền – Về với yêu thương. Mới là chìa khóa để giúp thay đổi cuộc đời)
 
 
      Gốc rễ của cuộc đời chẳng phải bắt nguồn từ bên ngoài. Bên trong bản thân bạn mới chính là nơi bắt nguồn gốc rễ của đời sống. Sự bình an, thành công hay may mắn chẳng bắt nguồn từ bên ngoài, nó thực sự bắt nguồn từ chính bên trong bạn. Thiền sẽ giúp bạn trưởng thành từ bên trong.
      Thiền sẽ giúp bạn thanh lọc thân tâm, bạn sẽ hết khổ đau, muộn phiền và những âu lo. Thiền sẽ giúp cho cơ thể của bạn sẽ trở nên khỏe mạnh, vì thế mà tâm trạng của bạn sẽ vui tươi. Thiền sẽ làm cho đầu óc bạn trở nên sáng suốt, minh mẫn vì thế mà bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc đời. Thiền đem đến cho bạn những cảm xúc an nhiên, tự tại, khi đó bạn sẽ cảm thấy yêu mọi thứ xung quanh mình. Thiền sẽ mang đi những ám ảnh, áp lực về tâm lý. Thiền sẽ đem đến cho bạn bình yên và yêu thương tràn đầy. Bạn sẽ làm chủ được cuộc sống của mình, làm chủ được tâm trạng, từ đó bạn sẽ làm được những điều bạn muốn. Cuộc đời dễ mở sang trang mà không lo ngoại cảnh buộc ràng hay chi phối.
 
      Dân gian nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Bạn hiểu theo nghĩa nào cũng được, theo nghĩa đời thực hay theo nghĩa tín ngưỡng.
Lão thì thiên về thực tế hơn, nếu bạn là người thành tâm trong đời sống, thì bạn cũng thành tâm trong lễ nghĩa, người như thế lo gì không gặp bình an, may mắn.
Nếu trong đời, bạn sống chẳng thành tâm, thì cũng thật khó để bạn thành tâm trong lễ nghĩa, đơn giản chỉ là cuộc xin cho, vì thế lễ lạt cầu cúng rồi cũng chẳng ích gì.
 
Chúc bạn luôn vui vẻ, bình an và nhiều may mắn.
Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
 
Kỳ 4: Cách đi lễ ở Đình, Chùa, Phủ… sao cho hiệu quả, đơn giản, phù hợp với phong tục, tín ngưỡng dân gian.
(Bạn nào có góp ý, hay hỏi thêm điều gì, xin bình luận phía dưới bài viết nhé, lão sẽ hầu chuyện tiếp cùng bạn).
Bạn nhấp chuột vào thẻ tâm linh để đọc các bài viết cùng chuyên mục

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây