(Tiếp theo kỳ trước)
Tần số của âm thanh và sóng não:
Trong cơ thể con người, não là cơ quan luôn bức xạ ra các tần số dao động. Trong y học ngày nay người ta đã dùng thiết bị máy móc để ghi lại tần số sóng não, và kết quả thu được là đồ thị của dải sóng mà não chúng ta phát ra, đó là phương pháp điện não đồ, có tác dụng chẩn đoán một số bệnh liên quan đến chức năng của não.
Não phát ra những tần số khác nhau khi có những trạng thái tâm lý hay cảm xúc khác nhau, ví dụ cảm xúc vui vẻ sẽ phát ra dải tần số nhẹ và có tính chất truyền lan. Khi chúng ta tức giận, não sẽ phát ra những xung lực mạnh, bước sóng ngắn và cường độ cao. Một cách thường xuyên, bạn hay bạn của bạn, hay bất cứ ai cũng đều có thể cảm nhận được điều này. Khi nhìn thấy ai đó mỉm cười, bạn cảm giác được niềm vui của họ đang lan tỏa một cách nhẹ nhàng, có thể từ khoảng cách rất xa. Khi ai đó bên cạnh bạn nổi giận, bạn cũng liền cảm nhận được sự bức xúc và bất an với cự ly ngắn hơn…
Điều này cũng chứng tỏ, ngoài việc liên tục phát ra những dạng sóng khác nhau tùy theo trạng thái tâm lý của con người, thì đồng thời não bộ chúng ta cũng là cơ quan nhạy cảm nhất hấp thụ các dạng sóng dao động khác nhau. Một cách ngược lại, dưới sự ảnh hưởng của các dạng sóng, não bộ cũng sẽ tạo ra những trạng thái tâm lý khác nhau cho cơ thể con người.
Bạn hiểu thế nào là ngoại cảm không? Ngoại là bên ngoài, cảm nghĩa là cảm nhận. Mỗi chúng ta ai cũng đều có khả năng ngoại cảm, nghĩa là cảm nhận được các dạng sóng, các sự bức xạ, các hình thái dao động khác nhau từ bên ngoài tác động lên não bộ và cơ thể của mình. Ví dụ bạn có thể cảm nhận được ai đó đang vui, đang buồn hay đang tức giận, cảm nhận được môi trường nóng hay lạnh, bình yên hay bất an. Cá biệt, có một số người có ngoại cảm tốt hơn, nghĩa là khả năng cảm nhận được những dạng bức xạ, những tần số dao động nhỏ hơn lên não bộ mà những người bình thường không cảm nhận được. Kiểu như tai của loài chó, loài dơi có thể nghe được sóng siêu âm, một số loài khác thì không. Cái gọi là khả năng ngoại cảm đặc biệt của một số người mà bạn vẫn thường nghe nói, hoạt động bởi đúng nguyên lý này.
Âm thanh cũng vậy, những âm thanh khác nhau bởi chúng được tạo thành từ những tần số dao động khác nhau. Khi não bộ của chúng ta cảm nhận được những tần số bức xạ của các bước sóng đó, chúng sẽ kích thích não bộ tạo ra những trạng thái tâm lý khác nhau. Ví dụ khi nghe nhạc mạnh có người sẽ thấy bức bối khó chịu, hay kích động thái quá. Khi nghe một âm điệu vui nhộn bạn như có cảm giác muốn lắc lư cùng nhịp điệu đó. Hay khi nghe những bản âm thanh du dương, hòa điệu bạn liền có cảm giác thư thái và bình yên.
Ở cơ thể con người, khi chúng ta nói, phát âm với những ngữ điệu khác nhau sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau, tương ứng với những dải tần số phát ra khác nhau. Mặt khác lời nói thường đi đôi với suy nghĩ, với trạng thái tâm lý. Bạn không thể nói mà không suy nghĩ, bạn không thể nói mà không có chút cảm xúc nào. Khi bạn vui vẻ, lời nói của bạn thường trở nên dễ nghe và khiến người khác vui, khi bạn buồn phiền lời nói của bạn khiến tâm trạng người khác cũng trầm xuống, khi bạn giận giữ âm thanh, tần số của bạn phát ra sẽ khiến những người xung quanh có cảm giác bất an, lo sợ.
Điều này chứng tỏ tần số âm thanh phát ra sẽ luôn kèm theo tần số bức xạ của sóng não. Tùy theo trạng thái tâm lý mà não bộ của chúng ta cũng sẽ phát ra những tần số dao động khác nhau mà người khác có thể cảm nhận được.
Bởi vậy, khi muốn người khác tập trung chú ý, bạn phải lên giọng. Khi muốn một đứa trẻ ngủ, âm thanh của bạn phát ra phải du dương và êm đềm để tạo nên cảm giác yên ổn, bình an và tin cậy cho bé. Đó là chính những câu hát ru, khi bạn hát những khúc hát dịu êm, não bộ của bạn sẽ bức xạ ra những bước sóng nhẹ nhàng và lan tỏa, nó thấm đẫm vào không gian xung quanh, và đứa bé của bạn đang nằm trong vùng bình yên mà bạn tạo ra đó. Bé sẽ lắng dịu mọi trạng thái tâm lý và đi vào giấc ngủ êm đềm trong xúc cảm an bình. Cũng câu hát đó, cách hát đó, cùng tần số đó, nhưng từ một người khác hoặc bạn bật máy lên cho bé nghe lại không thể làm đứa trẻ có cảm giác an tâm như mẹ của nó. Bởi ngoài tần số âm thanh, thì trạng thái tâm lý, cảm xúc, tư tưởng đều tạo thêm những bước sóng do não bộ người mẹ phát ra.
Không ai có thể đang tức giận mà lời nói phát ra lại du dương và dễ nghe. Điều này là không thể. Cũng như không có ai đang vui vẻ, nhẹ nhàng mà lời nói phát ra lại khiến người ta kinh sợ được. Ở con người tần số âm thanh phát ra đều tương ứng với tần số của sóng não đang bức xạ.
Vì thế trong cách đặt tên cho con, bạn cần chú ý đến âm thanh, âm điệu khi người ta gọi tên bé. Vì lúc đó âm thanh, não bộ, tư tưởng của người gọi sẽ tạo ra những tần số dao động tương ứng và hướng vào đứa bé. Não bộ của đứa bé đó sẽ hấp thụ những bước sóng đó, tạo nên những trạng thái tâm lý tác động lên cơ thể, khiến cơ thể bé cảm nhận được. Ví dụ nếu bạn gọi tên bé một cách khoan thai bé sẽ phản ứng vui vẻ, nhưng nếu bạn gọi giật giọng, có thể bé sẽ giật mình.
Tiếng trống luôn tạo ra cảm giác thôi thúc cho bạn, vì tần số phát ra mạnh và ngắn, âm thanh kết thúc nhanh. Trong chiến trận, người ta thường dùng tiếng trống để thôi thúc và tăng thêm lòng can đảm cho tướng sĩ. Trong những buổi ca nhạc ngoài trời người ta thường dùng âm nhạc cường độ lớn để làm cho người nghe thêm phấn khích…
Cho nên, nếu bạn thấy con mình thiếu lòng can đảm hãy đặt tên con là Quân, Hùng, Dũng, Sĩ, Đại..vv… Những âm thanh mà khi gọi tên đứa trẻ người ta phải dùng ngữ âm với cường độ lớn hơn và kết thúc nhanh, sẽ tương ứng với các tần số phát ra có tác dụng khích lệ.
Ngược lại, nếu bạn cảm thấy con mình thừa sự hiếu động, thậm chí ngang ngược, bạn cần sử dụng những âm thanh tương ứng với những tần số dịu hơn để đặt tên cho bé, như Huyền, Thương, Thường..vv… giúp bé tiết chế được tính cách của mình.
Tương tự, trên cơ sở sự tác động của sóng não và sóng âm, bạn hãy chọn những cái tên phù hợp cho con mình nếu thấy con mình sức khỏe không được tốt, không thông minh, hoặc nhút nhát, yếu đuối…
Vì thế theo lão, việc tần số của âm thanh, có tác động lên tâm lý, cơ thể là điểm nên lưu ý trong việc đặt tên, bởi khi gọi tên, người gọi sẽ tạo ra những tần số sóng dao động tương ứng tác động lên não bộ của đứa trẻ.
Trong thực tế ngày nay, ngoài tên chính đặt cho bé theo khai sinh, ta thường nói là tên để đi học, thì phần lớn các bậc bố mẹ thường đặt thêm cho con tên gọi ở nhà. Nhưng oái oăm thay, một số trường hợp trong suốt thời thơ ấu của trẻ chúng ta thường chỉ dùng tên gọi ở nhà. Có những đứa trẻ cho đến khi lớn lên hàng xóm láng giềng cũng không hề biết tên thật của bé là gì.
Trong lúc đó, những năm đầu đời cơ thể của bé lại nhạy cảm nhất, dễ bị tác động nhất. Tính cách của trẻ phần lớn được hình thành trong giai đoạn này. Vì thế nếu đặt tên gọi cho bé ở nhà, các bạn nên lưu ý về mặt ý nghĩa, âm thanh, tần số phát ra hay tác dụng ảnh hưởng phải tương tự như tên chính. Trường hợp nếu bạn không tìm được tên gọi phù hợp thì không nhất thiết phải đặt thêm tên gọi ở nhà.
Tránh trường hợp tùy tiện. Có những từ ngữ mà khi nhắc đến nó người ta thường liên tưởng đến tâm lý xem thường và hơi có phần miệt thị, tương ứng với những tần số sóng não phát ra mà đứa trẻ có thể cảm nhận được. Ví dụ lão thấy nhiều gia đình tùy tiện gọi con gái mới sinh của mình là Bẹp, là Lùn, Bướm, Nhóc… rất dễ tạo nên tâm lý mặc cảm và tự ti cho bé.
Với những bé trai sinh ra thể chất khỏe mạnh, bố mẹ lại đặt tên phụ là Bo, Bin, Giôn… Tương ứng với những tần số có phần kích động phát ra, khiến cho những đứa trẻ này có thể có tính cách trở nên ngang ngược, ương ngạnh và khó bảo.
Tư tưởng của một người hoàn toàn có thể tác động lên tư tưởng của người khác, vì thế theo lão trong việc đặt tên cho con, bạn chỉ nên lưu ý 2 điểm mà lão vừa nói: một là lưu ý đến tần số của âm thanh, của tư tưởng bởi chúng tạo ra tần số dao động của bước sóng tương ứng khi những người xung quanh nhắc đến bé.
Hai là yếu tố tâm lý, vì tâm lý sẽ tạo nên cảm giác, tránh những cái tên gợi cho bé sự mặc cảm hay tự ti. Một cô gái không xinh đẹp sẽ ngại ngùng khi mang một cái tên quá mỹ miều. Một người con trai cũng thấy không thoải mái lắm khi mang một cái tên quá yểu điệu hay ý nghĩa kỳ vọng quá to lớn. Có những người con đã được bố mẹ đặt tên là Đậu Tiến Sĩ. Bùi Như Lạc..vv…
Ở quê lão có một người bố muốn tên con mình phải độc, không trùng với ai, nên đã lần lượt đặt tên cho bốn đứa con trai gái của mình là: Pi, Toái, Lỉ, Lích. Mỗi khi nhắc đến tên con anh, người ta cứ phải hỏi đi hỏi lại vài lần, và người kia cứ phải giải thích: Pi, số pi trong toán học ấy. Ba phẩy một bốn, pi e rờ bình phương. Toái, phiền toái ấy. Còn 2 người con sau, Lỉ và Lích thì thôi chịu, người ta chẳng thể tìm ra từ nào để ghép hay cách nào để gợi ý cho người nghe hiểu. Chẳng cần nói thì chắc các bạn cũng liên tưởng đến tâm lý của những đứa trẻ khi mang những cái tên đó.
Đặt tên cho trẻ đừng vì suy nghĩ, quan niệm của người lớn, và cũng đừng cầu kỳ, phức tạp quá. Nếu bạn không thực sự hiểu biết cái tên có thể tác động lên con bạn như thế nào, hay tên nào thì tốt cho con bạn. Vậy thì bạn cứ theo lối suy nghĩ đơn giản, ví dụ tên của con gái thì nên gợi nên ý hiền hậu, nữ tính, mềm mại hay dịu dàng, thể hiện những tính cách đặc trưng của con gái, ví như Tâm, Thục, Như, Mai, Thảo, Tú …vv… Tên con trai thì gợi nên ý cao thượng, sáng sủa, khoáng đạt như Minh, Tuệ, Khoa, Anh, Quang..vv…, đơn giản và dễ phát âm là được, và đừng gây ấn tượng gì quá đặc biệt. Thế là tốt rồi.
Trên nguyên lý những điều mà lão đã chia sẻ ở trên, để bạn hiểu thêm vì sao cái tên có thể ảnh hưởng đến con người hay không hề bị ảnh hưởng bởi những thuyết lý luận nào đó. Còn trong thực tế có những điều ảnh hưởng còn to lớn gấp nhiều lần so với cái tên đối với con bạn, ví dụ như tính di truyền. Trong di truyền lại có di truyền về thể chất, di truyền về tính cách và di truyền về bản chất nữa. Bạn có thể thử bằng cách gửi cho lão tấm ảnh của bạn, vợ bạn, hay chồng bạn. Lão sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào, tính cách và bản chất ra sao. Con cái có thể ảnh hưởng những gì từ bạn, từ đó gợi ý cho bạn cách đặt tên phù hợp để mở ra con đường mới.
Bạn hãy nhớ, cuộc đời ví như một con đường dài, cái tên chỉ là một bước chân đầu tiên trên con đường muôn dặm đó, phía trước còn nguyên cả một hành trình. Chẳng khác gì việc bạn có ý định xây một ngôi nhà bằng đá ong, để nó có dáng vẻ và tác dụng riêng. Vậy thì bạn không thể chỉ dùng một viên gạch đá ong thôi, những viên tiếp theo lại là gạch đất sét nung được. Cuộc đời con người ta cũng như tiến trình hoàn thiện một ngôi nhà vậy, cái tên chỉ là viên gạch đầu tiên, bạn cần tiếp tục đặt thêm những viên gạch cùng chủng loại để có được ngôi nhà theo mong ước. Lão sẽ chia sẻ cùng bạn nhiều hơn trong kỳ viết tới.
(Kỳ 3: Đặt tên cho con. Bước đầu tiên trên muôn dặm hành trình)
Lão tiensinh
Cảm ơn vì bạn đã đọc