Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

TÍNH CHẤT CỦA MỘT SỐ LOẠI THỰC PHẨM TRONG DƯỠNG SINH

Thứ tư - 18/11/2015 09:42
     Bản chất của thức ăn vốn không tốt không xấu, tốt hay xấu là do cách sử dụng của chúng ta có đúng nguyên tắc quân bình âm dương hay không mà thôi. Điều quan trọng là thức ăn càng thiên nhiên, không bón phân đạm, phân hóa học, thuốc trừ sâu, không sử dụng các hóa chất bảo quản thì càng tốt cho sức khỏe.
 
(Thiền – Năng lượng chữa bệnh)
 

THỨC ĂN GỐC THỰC VẬT:
 
Gạo lứt:
 
      Theo y học cổ truyền phương Đông, gạo lứt còn nguyên mầm và 7 lớp cám có tác dụng điều hòa năm tạng, thông phế khí, bổ tỳ vị, cứng gân xương, tốt thân thể, chữa phiền khát, cầm tả lỵ, mạnh tâm trí.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong gạo lứt nguyên cám có đầy đủ các sinh tố rất có lợi cho cơ thể như:
- Chất đạm: đạm của gạo lứt dễ tiêu, có đủ các axit amin cần cho sự tạo hình của cơ thể, tạo ra tế bào mới, các phân tử không thể thiếu trong quá trình sinh hóa của cơ thể.
- Chất béo (dầu cám): giữ các mạch máu được mềm mại, giảm cholesteron, chống xơ cứng động mạch và huyết áp cao.
- Chất xơ: hỗ trợ tiêu hóa tốt, có tác dụng chữa trị các biến loạn của thương tổn thần kinh.
- Sinh tố B1: Chống tê phù và táo bón, ổn định tâm thần, chống stress.
- Sinh tố B­2: Làm đẹp thân thể, ngừa các chứng viêm miệng, môi, lưỡi và khô mắt.
- Sinh tố B3: Ngừa bệnh Pellagra (viêm da kèm tiêu chảy mất trí), chữa chứng tâm thần phân liệt.
- Sinh tố B­6: Có dồi dào trong mầm gạo, chống viêm da rất tốt.
- Chất vôi (canxi): cần cho răng và xương; chất men: đem lại hoạt tính cho tế bào; Chất sắt: cần cho sự tạo máu; Chất Xêlen: ngừa ung thư; Phospho: bồi bổ thần kinh, liên kết với chất vôi để tạo xương và răng; các sinh tố K,E...Các loại axitamin..vv...
 
 



 
Vừng (mè):
 
     Đây là loại thực phẩm tương đối cân bằng và bổ dưỡng (có nhiều chất khoáng Dương kết hợp chất dầu Âm), nên có thể dùng với bất cứ món gì. Cần lưu ý vừng cũng như các loại hạt khác nên dùng nguyên lứt, nghĩa là dùng cả vỏ lụa vì đây là phần chứa nhiều chất khoáng và sinh tố cần cho sự tiêu hóa. Vừng nguyên vỏ có hai loại vàng và đen, dùng loại nào cũng được. Người ta thường nói vừng đen thích hợp với phụ nữ, người già và trẻ em hơn, nhưng thực tế cho thấy chúng không khác nhau là mấy.
 Theo Đông y, ăn vừng tốt não, nhuận trường, bổ máu, ích gan, cường thận, làm đen râu tóc và da dẻ mịn màng, sáng tai mắt, bền gân cốt, ngừa trị phong tà, tăng thêm sức chịu đựng dẻo dai.
 
 
Đậu hạt:
 
        Các loại đậu (đỗ) đều giàu chất đạm, có thể dùng thay thịt cá. Có thể nấu đậu riêng hoặc nấu với cơm, với rau củ, làm bột, làm bánh..vv... Khi dùng đậu làm thức ăn không nên bỏ vỏ lụa của đậu, vì phần lớn chất bổ và sinh tố tập trung ở phần này. So sánh thì đậu đỏ dương hơn cả, đậu Ván ít dương hơn, đậu xanh và đậu đen hơi âm hơn, còn đậu nành rất âm. Do đó những món ăn làm bằng đậu nành ngắn hạn và lạt (ít muối) như sữa đậu nành, đậu phụ, chao... nên dùng hạn chế (người bị bệnh mãn tính lâu ngày, trong quá trình chữa bệnh không ăn). Trong khi đó những món đậu nành ủ lên men, ngâm muối và để lâu ngày (từ 8 tháng trở lên) như tương hạt lỏng, tương đặc (misô), tương nước là những gia vị bổ dưỡng, có thể dùng hàng ngày. (sử dụng nguyên liệu sạch, không dùng hóa chất trong quá trình chế biến, bảo quản).
 
 
Rau củ:
 
        Các thứ rau củ đúng mùa có tại địa phương đều dùng được, tốt nhất là dùng rau hoang hay trồng tự nhiên (không bón phân hóa học và không dùng thuốc trừ sâu). Nấu rau củ có nhiều cách như: luộc, hấp, xào, hầm (ninh), nấu canh, chiên bột, nén muối... Các thứ rau nhiều tính âm như Mồng tơi, rau đay, khoai lang, mướp... nếu là người đang có bệnh mãn tính lâu ngày nên ăn ít thôi.  Vào mùa hè hoặc ở nơi khô nóng, lao lực nhiều có thể ăn thêm rau sống (với tình hình hiện tại vì lý do an toàn vệ sinh, cũng không nên ăn). Tuy nhiên, các thứ thịnh âm như cà (kể cả cà chua), măng, giá, nấm, các loại dưa muối chua...vv.. chỉ nên ăn hạn chế (trong dọn tiệc có thể ăn kèm với những món thịnh dương như thịt, trứng).




 
THỨC ĂN GỐC ĐỘNG VẬT:
 
      Tất cả thức ăn gốc động vật nên lấy từ cầm thú hoang hoặc được nuôi bằng thực phẩm thiên nhiên. Nếu được lấy từ những con thú được nuôi theo kỹ thuật công nghiệp và sản phẩm của chúng có gia hóa chất tổng hợp nhân tạo, bảo quản, là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng suy thoái sức khỏe và phát triển bệnh tật ngày nay.
 
Cá:
 
      Trong giới động vật, cá và các loài thủy tộc tương đối ít dương hơn các loài động vật sống trên cạn. Vì vậy ta có thể dùng cá trong bữa ăn hàng ngày nếu thấy cần hoặc ưa thích. Khi dùng, tốt nhất nên chọn cá nhỏ, có thể ăn cả đầu, xương và chế biến với ít dầu.
Cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp, tăng trọng nên hạn chế dùng. Với các loại cá biển, mực... nếu không tin chắc là nó không bị ướp phân đạm (u-rê), ngâm tẩm hóa chất bảo quản thì tốt nhất cũng không nên ăn.
 Trong  phân định âm dương với các loài thủy tộc: Tôm thì nhỏ con, màu ửng hồng, di chuyển nhanh, thịt chắc, vỏ cứng, nhiều chất khoáng, sống trong vùng nước mát nên có thể xếp tôm vào loại thủy tộc dương. cá Chép (cá gáy) lớn con, thịt mềm, nhiều chất béo, hấp thụ ít ôxy và sống ở tầng đáy nên nó có nhiều yếu tố âm hơn tôm.
 
        Trong dân gian người người ta nói phụ nữ khi mang thai nên ăn cá chép, đó là nói chung với những người khỏe mạnh, chúng ta cần hiểu rõ điều này để tránh sinh ra những đứa trẻ ốm yếu hoặc mang bệnh bẩm sinh. Nếu một người nữ khỏe mạnh (cân bằng âm dương) thì khi mang thai cơ thể  người đó sẽ trở nên rất dương, do đó sẽ hình thành xu hướng thèm ăn những thực phẩm âm (tính lạnh) như đồ chua, đồ ngọt để cân bằng. Nhưng nếu ăn nhiều trái cây, đồ ngọt thì sẽ có hại cho thai nhi, cho nên thay vào đó có thể ăn thêm cá chép (bổ sung tính âm) để thai nhi phát triền hài hòa, khỏe mạnh.
Một người nữ nếu không khỏe mạnh (mất cân bằng âm dương, âm thịnh) thì khi mang thai sẽ không đủ dương để thèm các thức ăn chua, nếu ăn nhiều trái cây, đồ ngọt, cá chép thì ngược lại sẽ rất có hại cho thai nhi (sinh con yếu ớt, dễ bị bệnh tự kỷ, tim bẩm sinh, các bệnh về não...). Những người này tốt nhất nên dùng các món ăn thức uống mang nhiều tính dương hơn để cân bằng, có thể uống nước trà gạo lứt, đậu đỏ rang hàng ngày. Trong những trường hợp này thường dùng rau ngải cứu (tính dương) sẽ có tác dụng an thai là bởi vậy. Khi sử dụng rau ngải cứu nên làm chín, dùng ăn hay sắc nước uống, có thể chế biến nhiều cách kết hợp với các thực phẩm khác cho dễ ăn. Liều lượng vừa phải, nếu có cảm giác buồn nôn bởi vị đắng là đã ngộ độc ngải cứu rồi.
 
 
Trứng:
 
     Trứng dùng để ăn nên chọn loại trứng có trống (một đầu lớn tròn, đầu kia nhỏ nhọn), và dùng cả lòng đỏ lẫn lòng trắng. Tuy nhiên trứng được xếp vào loại cực dương trong các thức ăn gốc động vật và khó tiêu; do đó chỉ nên dùng thỉnh thoảng  thôi, mỗi tuần 1 đến 2 quả.
 
 
Thịt:
 
        Thịt đỏ khi hấp thụ vào cơ thể sẽ gây nên hiện tượng axít hóa, làm tăng mức amoniac trong ruột, dễ sình thối trong hệ tiêu hóa, một yếu tố làm suy yếu sức đề kháng tự nhiên, gây ô nhiễm cho cơ thể. Vì vậy không nên ăn các loại thịt thường xuyên với số lượng lớn. Để trung hòa tính chất động vật nên nấu thịt cẩn thận với tương đậu nành lâu năm hoặc với rau củ.
 
 
Sữa:
 
       Về phương diện chủng loại và y học, sữa thú không thích hợp với con người. Tuy nhiên có thể sử dụng linh động trong từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào bệnh trạng, điều kiện sức khỏe, sinh thái cho phép và nên có chừng mực.
 
 
(Vào bếp cùng mẹ)
 
 
GIA VỊ:
 
      Thiên nhiên đã cung cấp cho con người đủ gia vị cần thiết vừa bổ dưỡng vừa tăng độ hấp dẫn của thức ăn, nếu chúng ta xem thường và chạy theo những thứ đẹp ngon giả tạo rồi sẽ rước lấy khổ đau. Đường hóa học (saccarin, ciclamat..vv...) dùng lâu ngày sẽ gây ung thư, sinh quái thai; bột ngọt (mì chính, vị tinh) làm tổn thương não, hư mắt, hại hô hấp, gây hen suyễn, khiến trẻ con tăng trưởng không bình thường. Các loại axít dùng trong kỹ nghệ chế biến nước chấm làm loét dạ dày và rối loạn tiêu hóa. Màu nhân tạo gây ngộ độc toàn thân, sinh ung thư, giảm tuổi thọ; chưa kể nhiều hóa chất công nghiệp như thuốc tẩy, thuốc nhuộm vô cùng độc hại lại được dùng vào lĩnh vực chế biến thực phẩm.
 
Muối:
 
      Muối là chất tối cần cho sự sống con người, vì máu (nguyên liệu nuôi dưỡng và tái tạo các tế bào, có thành phần hóa học giống nước biển) cần mặn (có tính kiềm nhẹ, độ pH=7,4) để có thể duy trì sức kháng bệnh, phòng chống nhiễm trùng và giải độc. Muối làm tăng sự dẻo dai, bền bỉ, dẫn truyền tốt các xung lực thần kinh, củng cố độ co bóp đàn hồi của cơ bắp và mọi hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể..vv... Nên dùng muối biển thiên nhiên, chưa bị tách lọc những nguyên tố vi lượng quý (muối tinh chế, qua xử lý hóa chất thường đã mất hết những nguyên tố vi lượng như canxi, phospho, manhê, sắt, xêlen...). Vì vậy tốt nhất là dùng muối biển thiên nhiên (muối hột sống), rửa sạch đất cát, đem phơi khô rồi rang (hầm), để khử vị chát, xay mịn và để trong thẩu kín dùng dần.
     Theo đông y, vị mặn đi vào thận. Nên nếu ăn mặn sẽ làm cho thận hoạt động quá mức sẽ gây nên những sự bất ổn cho cơ thể, bởi vậy nên những người có thói quen ăn mặn quá thường có biểu hiện sức khỏe tốt nhưng lại dễ chết bất đắc kỳ tử và sinh bệnh hiểm nghèo. Theo nghiên cứu khoa học, một người lớn trung bình sử dụng tổng lượng muối đưa vào trong cơ thể mỗi ngày khoảng 5g (một thìa cà phê) là quá đủ.
 
Tương:
 
        Dinh dưỡng học phương tây hiện đang đề cao giá trị của đậu nành, vì thấy trong loại đậu này chất đạm rất dồi dào và có thành phần axít amin thiết yếu tương đương với thịt. Tuy nhiên, về tính chất âm dương thì đậu nành rất âm, và nghiên cứu khoa học cho thấy đậu nành sống chứa một số yếu tố gây trở ngại cho tiêu hóa, tuyến giáp và các tuyến sinh dục. Do đó, những sản phẩm đậu nành chế biến nhanh như sữa đậu nành, đậu hủ, đậu phụ (đậu khuôn), chao nếu ăn nhiều (nhất là những thứ làm với hóa chất và thêm đường) có thể gây rối loạn đường ruột, sinh bướu cổ và sút giảm sinh lực, ảnh hưởng đến sức khỏe, sức đề kháng.
 Có lẽ vì lý do đó, ông bà ta đã chế biến đậu nành thành tương. Qua tiến trình rang, nấu, ủ meo và ngâm muối để lâu ngày, đậu nành mất đi chất độc, tăng phần bổ dưỡng và có thêm những enzym quý. Tương đậu nành thường không sử dụng trước 8 tháng sau khi làm. Ngày nay những loại tương, xì dầu bán trên thị trường được sản xuất theo quy trình công nghiệp, sử dụng các loại axít để đẩy nhanh quá trình phân hủy đậu, giúp rút ngắn siêu tốc quá trình chế biến đã trở nên hết sức độc hại. (Khi dùng axít HCL đậm đặc để thủy phân thực vật giàu protein trong quy trình sản xuất thực phẩm sẽ sinh ra chất hóa học 3-mcpd, là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư).
Chúng ta có thể mua tương ở những cơ sở sản xuất thủ công, sạch, mang về cho vào chai thủy tinh, để từ 1 năm trở lên mang ra dùng sẽ có lợi cho sức khỏe.

 


Dầu:
 
        Là chất béo, vốn nhiều âm tính, ăn nhiều sẽ hại gan, nếu đun quá nóng sẽ sản sinh ra nhiều chất độc hại. Dầu vừng là tốt nhất vì nó nhiều tính dương hơn trong các loại dầu. Một người lớn khỏe mạnh, trung bình có thể tiêu thụ 1 muỗng canh dầu trong một ngày. Chúng ta có thể dùng lạc (đậu phộng) mang đi ép thủ công lấy dầu để sử dụng trong gia đình. Các loại dầu ăn bán trên thị trường thường có thành phần chủ yếu là chất phụ gia, hóa chất chống cháy, chất bảo quản... nếu dùng nhiều sẽ gây bất lợi cho cơ thể.
Một loại chất béo chuyển hóa (Trans fat, axít béo xấu) được hình thành khi sử dụng phương pháp hyđro hóa dầu ăn (chiên ở nhiệt độ cao hoặc sử dụng dầu ăn chiên đi rán lại nhiều lần cũng sinh ra chất này), nhằm giúp nhiều loại thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Chất béo độc hại và nguy hiểm này có nhiều trong các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn như: bánh quy, bánh ngọt, bánh nướng, khoai tây chiên, quẩy nóng, thức ăn đóng gói sẵn... là nguyên nhân chính gây nên bệnh xơ vữa động mạch, cơn đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, các chứng trầm cảm..vv...
Do vậy các bạn yêu thích mì gói thì nên đun sôi (hoặc cho nước sôi vào 3-5 phút) và đổ bỏ nước đầu, để giúp loại bỏ phần lớn chất này. hi.
 
 
Hương liệu:
 
Nhiều loại cây cỏ dùng làm gia vị vốn nhiều tính âm, có vị thơm, cay như tiêu, ớt, gừng, cary, bạc hà, rau húng, rau răm..vv... mặc dù có tính trợ tiêu hóa, nhưng có thể làm suy giảm sinh lực (nhất là năng lực tình dục), làm căng phồng mạch máu và sinh nhiệt. Các loại ít tính âm hơn như mùi (ngò), hẹ, tỏi, nghệ có thể dùng hàng ngày nhưng cũng không nên lạm dụng.
 
Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
 
Bài viết liên quan:
Quân bình âm dương trong ăn uống
Cách chế biến một số món ăn thức uống

Tác giả bài viết: tác giả lão ts

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây