Nên sử dụng muối sạch thiên nhiên, không dùng muối đã tinh chế vì đã qua xử lý bằng hóa chất, làm mất đi các chất khoáng cơ bản. Không sử dụng muối sống vì sẽ có hại cho thận.
Mua muối sạch về cho lên chảo đất hoặc chảo gang, rang lửa vừa cho đến khi muối nổ đều, chín và khô, chuyển sang màu trắng đục. Cho muối vừa rang vào một cái thố bằng sứ, đậy một khăn mỏng lên trên rồi mới đậy nắp. Để nguội, sau đó cho vào máy sinh tố xay nhuyễn, đóng kín lại để dành, khi dùng lấy ra lượng vừa phải cho vào lọ riêng để tránh ẩm.
Muối sau khi rang chín, xay nhỏ có màu giống như bột sắn dây, ta được một thứ muối rất dương nhưng vị êm, dịu không gắt như muối sống, thuận tiện khi sử dụng và có lợi cho sức khỏe.
4. Cách rang vừng:
Đổ vừng vào nồi nước sạch, dùng tay bóp vừng cho sạch, đãi vớt lấy vừng nổi lên mặt nước, đãi bỏ cát sạn chìm xuống dưới, xong cho vào rổ để ráo nước. Như thế vừa làm sạch vừng, vừa lọc bỏ được cát sạn, và khi rang vừng sẽ thơm hơn và không dễ bị cháy như rang khô.
Dùng chảo đất hoặc chảo gang, rang lửa đều và nhỏ, đến khi vừng nổ dậy, hạt vừng phồng to lên, tắt lửa đảo thêm một lúc là được. Cho vừng vừa rang xong vào một cái thố bằng sứ, đậy một khăn vải mỏng lên trên rồi mới đậy nắp. Khi nguội cho vào cối giã nhỏ, đóng kín dùng dần.
Muối vừng: trộn đều 1 muỗng cà phê muối với 20 muỗng cà phê vừng (tỷ lệ này phải điều chỉnh thay đổi tùy theo tuổi tác và từng loại bệnh).
Vừng đã trộn muối chỉ sử dụng tối đa trong vòng 4 ngày. Để lâu sẽ kém phẩm chất và sinh ra độc hại.
5. Cách ăn cơm gạo lứt với muối vừng:
Khi lấy cơm ra chén, không được xới cơm đều, chỉ xắn cơm trong nồi từ trên xuống dưới để lấy đủ âm dương, ăn bao nhiêu thì xắn bấy nhiêu ra chén, để nguyên phần cơm cho bữa sau, không được xới lên. Một bát cơm trộn đều với 4 muỗng cafe muối vừng trước khi ăn.
Nếu sử dụng phương pháp ăn cơm lứt, muối vừng để chữa bệnh, mỗi lần ăn 1 muỗng cafe (tốt nhất nên ăn bằng thìa cafe) và nhai kỹ thành nước, không để cho cơm trôi xuống cổ, phải giữ lại trong miệng để nhai, khi nước ngọt mới được nuốt và chỉ nuốt một lần. Khi ăn mím miệng lại để nhai thì sẽ không bị thất thoát khí lực, ăn bất cứ lúc nào thấy đói, không cần đúng bữa, không hạn chế số lượng. Nếu thấy chán ăn thì dừng lại, lúc đói lại mang ra ăn tiếp.
Uống nước sôi để nguội, hoặc tốt hơn nên dùng nước gạo lứt rang cộng với đậu đỏ rang. Mỗi ngày không quá 0,75 lít. Không uống nhiều nước, khi khát chỉ uống mỗi lần một ngụm, ngậm một lúc cho thấm miệng rồi mới nuốt sẽ giúp làm giảm cảm giác khát, và khỏi phải uống nhiều. Nhai cơm kỹ thành nước trước khi nuốt cũng sẽ giúp làm giảm nhu cầu uống nước.
Khi hạn chế được lượng nước đưa vào trong cơ thể hàng ngày thì mới giúp cho tim và thận được nghỉ ngơi. Đó là cái gốc để phục hồi lại sức khỏe.
Tuyệt đối không ăn, hay uống bất cứ thứ gì khác trong quá trình sử dụng cách ăn này để chữa bệnh.
Sử dụng thực phẩm sạch, gạo sạch, không dùng phân đạm, thuốc trừ sâu trong quá trình gieo trồng, không dùng hóa chất khi bảo quản.
Nếu tâm trạng không vui vẻ thì không nên ăn. Nếu cơ thể quá suy nhược cũng không nên ăn. Nếu cơ thể đã mất hết nội lực vì bệnh nan y cũng không nên ăn vội.
Bình thường nếu khỏe mạnh thì khi ăn cũng nên nhai kỹ mới nuốt, không phải là giai đoạn để chữa bệnh thì có thể ăn cơm lứt muối vừng kết hợp với rau củ, thức ăn khác, thịt, cá.. tùy thích.
Khi ăn nhớ ngồi thẳng lưng để hoạt động nhai và tiêu hóa thức ăn được suôn sẻ. Vì cột sống là đường đi chính của năng lượng trong cơ thể, giữ thẳng cột xương sống sẽ giúp dòng khí lực trong người trôi chảy thông suốt.
Riêng gạo lứt và muối vừng (không thêm bất cứ thứ gì khác), là chuẩn của cân bằng âm dương. Cho nên trên lý thuyết có thể chữa khỏi bệnh ung thư, nhưng trong thực tế nếu 10 người ung thư mà ăn gạo lứt muối vừng theo kiểu ép xác thì cũng đến 8,9 người chết, hoặc phải bỏ cuộc. (Khi tham dự khóa học – miễn phí- chúng ta sẽ hiểu rõ điều này, vì sao?). Có nhiều điều cần phải được hiểu, nếu hiểu biết bạn sẽ là một người sống còn lại, nhưng nếu không hiểu biết bạn sẽ nằm trong số 9 người chết kia.
Con người được hình thành và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, không có gì là riêng rẽ, độc lập mà không liên quan đến những thứ khác. Nên chữa bệnh phải biết tùy thuộc bệnh gì, nặng hay nhẹ, thể trạng hiện tại, khả năng nhận thức, tư duy, tâm lý, tư tưởng, hoàn cảnh... của người bệnh. Một người hướng dẫn tốt cần phải thông hiểu Nho, Y, Lý, Số là vậy. Với bệnh hiểm nghèo mà bắt chước người khác, nghe mà không hiểu, thấy mà không hay, khi chưa hiểu rõ ngọn ngành thì chỉ là sự mù quáng mà thôi, có khi còn dẫn đến thảm họa.
(Đọc thêm bài: “Phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc”).
6. Cốm gạo lứt rang.
Nấu cơm gạo lứt chín bình thường. Thay vì ăn thì chúng ta mang đi phơi. Xới cơm ra mâm hoặc rổ rá, khi phơi phải trở cơm thường xuyên mới nhanh khô đều và khi rang được dòn. Phơi ít nhất ba nắng, đến khi hạt cơm khô đét lại, nếu cơm còn dính vào nhau nên cà để cho cơm rời ra từng hạt. Mùa hè có thể phơi nhiều, để dùng dự trữ cho mùa đông (mùa đông nếu không có nắng thì có thể sấy khô cơm).
Có 2 cách rang:
- Dùng chảo đất hoặc chảo gang đặt lên bếp, bật lửa to, đợi đến khi chảo thật nóng thì cho cơm đã phơi khô vào, mỗi lần 1 nắm nhỏ, đảo nhanh khoảng 10 giây, cơm khô sẽ nổ bung lên thành cốm.
- Cho 1kg muối rang (đã xay cho bớt to) cho vào chảo rang cho thật nóng, khi muối bay hết hơi thì mới cho khoảng nửa bát cơm khô vào, rang cơm đến khi hạt cơm phồng lên và vàng thơm thì tắt lửa. Đổ ra cái rây, rây lấy cốm, muối tiếp tục dùng rang lần sau. Muối có thể dùng cho 50 lần rang, đến khi muối không còn mặn thì thay muối khác.
Lưu ý: Cốm sau khi rang phải cho vào thố bằng sứ, đậy khăn rồi mới đậy nắp, khi nguội mới mang ra đóng kín, dùng dần.
7. Rang gạo lứt, đậu đỏ làm nước uống:
Chà sạch gạo hoặc đậu trước khi rang để khi đun nước uống, nước không bị đục.
Để ráo nước, cho vào chảo rang đều, bớt lửa, đến khi hạt gạo hoặc đậu nâu sẫm và có mùi thơm là được, đổ vào thố sứ, đậy khăn rồi mới đậy nắp cho đến khi nguội hẳn thì đóng kín dùng dần.
Rang riêng và cất riêng từng thứ.
Khi dùng đun nước uống, lấy 2 nắm gạo lứt rang, 2 nắm đậu đỏ rang, cho vào khoảng 2,2 lít nước. Đun sôi thì hãm lửa thật nhỏ, tiếp tục để sôi liu riu như hầm xương trên bếp khoảng 1h15 – 1h30 phút, được khoảng 2 lít nước. Cho vào phích, bỏ bã, uống nóng. Nếu uống không hết trong ngày thì sang ngày hôm sau đổ ra đun sôi lại.
Tác dụng làm ấm cơ thể, tăng cường dương khí, điều hòa thân nhiệt, tốt gan, trợ tiêu hóa. Trẻ con uống hàng ngày sẽ ít bị cảm, không nổi mề đay, mụn nhọt, dị ứng ngoài da...
8. Cách làm trà ba năm (trà bancha):
Hái lá trà già (lá cây chè xanh), loại lá sát gốc đã ở trên cây chè 3 năm. Nấu nước sôi, cho lá trà tươi vào rồi vớt ra liền. Sau đó ủ một đêm, đem phơi chỗ mát tránh ánh nắng, một ngày xốc đảo 3 lần sáng, trưa, chiều, phơi khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Rang lá trà lên bếp cho sém cạnh, đóng kín dùng dần.
Khi dùng, lấy một nắm lá trà, có thể rửa sạch lại bằng nước nếu thấy cần, cho lên bếp đun sôi khoảng 15 - 20 phút, rót nước vào phích giữ nóng uống dần. Hoặc cho hẳn lá trà vào phích, cho nước sôi vào hãm uống cả ngày. Có tác dụng kháng sinh, giúp an thần, dễ ngủ, chống xuất huyết não và suy yếu mao mạch, kích thích hoạt động của da, làm da mềm mại, tươi sáng...
(Những cây chè cổ thụ ở Hà Giang)
9. Cách làm sữa thảo mộc:
Đãi rửa sạch 5-6 phần gạo lứt và 2-3 phần các loại hạt cốc khác như kê, ý dĩ, nếp lứt ..vv..(tùy thổ sản địa phương), 1-2 phần đậu đỏ hạt nhỏ, 1/2-1 phần hạt sen (bỏ tim) và vừng. Vớt ra, để ráo rồi rang vàng từng thứ. Sau đó trộn chung, xay mịn. Đóng kín dùng dần.
Khi ăn pha bột với nước sôi, ăn lỏng hay đặc tùy nhu cầu, nêm chút muối hoặc tương, dùng bồi bổ sức khỏe (người khỏe bình thường có thể nêm chút đường thô hoặc mạch nha).
Dùng cho trẻ nhỏ ăn thêm hoặc thay sữa ngoài, nên nấu khoảng 20 phút cho bột nở. Nếu trẻ bị táo bón cho thêm một miếng bí đỏ khi nấu.
10. Cách dùng bột sắn dây chữa bệnh cảm:
Dùng 1 thìa canh bột sắn dây, cho khoảng 250ml nước (nếu có được nước nấu từ trà 3 năm thì càng tốt), khuấy cho bột tan đều rồi cho lên bếp đun sôi bột sẽ chín và trong (điều chỉnh lượng sắn dây và lượng nước sao cho khi khuấy chín hơi sền sệt là được). Rót vào cốc, cho thêm 1 muỗng cà phê nước tương lâu năm (nếu không có thì cho một chút muối rang đã xay nhuyễn). Cho vào 2 lát gừng (đã nướng chín cho đến khi cháy vỏ). Ăn thật nóng, xong trùm kín chăn ấm khoảng 20 – 30 phút cho vã mồ hôi, sau đó lau khô người và thay quần áo.
Lưu ý: sau khi dùng bột sắn dây để giải cảm, trong vòng 1 giờ không được đi ra gió, không ngồi quạt hay điều hòa, không rửa tay bằng nước lạnh.
(Sẽ tiếp tục bổ sung cách chế biến những món ăn thức uống khác).
Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
Bài viết liên quan:
Tính chất của một số loại thực phẩm
Quân bình âm dương trong ăn uống
Muối vừng là dùng vừng đen hay vừng trắng ạ. Em cảm ơn
@Hằng . Không có vừng trắng bạn. Bạn nhìn thấy vừng trắng hạt nhỏ đó chính là vừng đen đã dùng máy bóc đi lớp vỏ bên ngoài. Vừng đen hay vừng vàng đều tốt.
Cảm ơn Lão vì những bài viết.
Bài của Lão đọc mãi không chán, mỗi lần đọc lại ngộ ra một điều khác. Cảm ơn Lão.