Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Cân bằng âm dương trong ăn uống hàng ngày để khỏe mạnh

Thứ năm - 19/11/2015 08:54

     Cân bằng vốn dĩ là cái lẽ của tự nhiên, nếu hiểu được cũng khá nhiều thú vị. Người xưa dạy: “Muốn nói được chuyện trong nước phải đi vòng quanh thế giới một vòng”; “Muốn biết mình là ai, phải hiểu rõ cái thời mà mình đang sống”...
Cân bằng giữa âm và dương có sự cân bằng giữa động và tĩnh, giữa ngủ và thức, giữa ăn với uống, giữa cái rủi và cái may, giữa bên trong với bên ngoài, giữa con người với xã hội..vv...
 
 
(Thiền với thiên nhiên)
 
 
     Giữa động và tĩnh: Hoạt động là dương, tĩnh lặng là âm. Một người không thể khỏe mạnh nếu không thường xuyên vận động thân thể, vận động còn là bí mật của sự chuyển hóa. Đời sống hiện đại dường như không còn nhiều việc làm của chân tay đối với một số người, con người khi tách rời với lao động, theo một cách nào đó họ không còn là chính mình nữa. Rồi những sự căng thẳng về đầu óc sẽ đến, những sự ngổn ngang về tâm trí và cuộc sống trở nên bộn bề lo toan, khiến cho họ cũng chẳng còn thời gian đâu để nghĩ đến việc nếm trải niềm hạnh phúc giản đơn khi được sải bước trên những thảm cỏ thanh bình, hòa mình với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá nữa.
Những suy nghĩ tích cực sẽ giúp cho cơ thể chúng ta dương lên, tinh thần vui vẻ và  sự khỏe khoắn. Ngược lại, trạng thái tinh thần tiêu cực là âm, sẽ làm cho ta dần mệt mỏi, tinh thần sa sút, phiền não chán chường.
Vui vẻ là dương muộn phiền là âm, yêu thương là dương ghét bỏ là âm, tốt là dương xấu là âm... (làm sao để cho mọi thứ dương lên nhỉ?).
 
     Giữa ngủ và thức: Tỉnh thức là dương, ngủ là âm. Con người chúng ta mất gần nửa cuộc đời dành cho việc ngủ. Giấc ngủ vốn dĩ là lẽ tự nhiên của tạo hóa ban cho muôn loài, đó là lẽ tự nhiên, để cân bằng giữ động và tĩnh. Bạn thử  nhìn cỏ cây, chim muông hay hết thảy những loài muông thú mà xem, chúng đi vào giấc ngủ một cách yên bình, quên hết sự đời mà chẳng cần có chút cố gắng nào. Vậy mà giờ đây con người chúng ta lại phải kiếm tìm cho mình sự đơn giản đó. Giấc ngủ cũng phải kiếm tìm. Dường như một giấc ngủ nồng say, bình yên không mộng mị càng ngày càng trở nên khan hiếm. Nếu mỗi ngày chúng ta đều có thể chìm vào giấc ngủ say sưa, để sinh lực được phục hồi, tâm hồn được sảng khoái, thì có lẽ chúng ta chẳng cần phải ngủ nhiều đến thế. Đầu tư nhiều (mất nhiều thời gian để ngủ), nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu (chẳng thể ngủ say), vẫn là sự uể oải và mệt mỏi sau mỗi giấc ngủ, âu cũng là một thất bại trong lối sống ngày nay. Giấc ngủ bây giờ cũng trở thành một cuộc kinh doanh, và chúng ta thường là người thua lỗ.
 
     Cân bằng trong ăn uống: Chạy theo những cái đĩa hát bị vấp, những khoa học, những chuyên gia dinh dưỡng: ăn nhiều thì mới tốt, đa dạng thì mới hay và bổ sung cho đủ chất là điều không thể thiếu. Nhưng rồi thì sao? kết quả thì ngược lại: Bệnh viện thì luôn quá tải, con người thiếu vắng tình thương, bệnh tật nhiều hơn, cuộc sống bất an hơn, niềm vui hạnh phúc kiếm tìm đâu chẳng thấy và sức khỏe thì ngày càng suy giảm.
 
    Một người được coi là khỏe mạnh phải có đủ 7 tiêu chuẩn của sức khỏe (Oshawa) như sau:
1. Không mệt mỏi, chán nản: Một sức khỏe tốt khiến cho ta làm việc gì cũng hăng say, việc càng khó càng thích thú. Tuy có lúc uể oải vì quá sức, nhưng chỉ cần nghỉ ngơi thời gian ngắn sẽ trở lại khỏe khoắn như thường.
2. Ăn biết ngon: Cơ thể khỏe mạnh ăn gì cũng thấy ngon, cho dù chỉ là một nắm cơm khô hẩm hay một cọng rau bình thường.
3. Ngủ ngon giấc:  Đặt lưng xuống là ngủ; giấc ngủ sâu lắng, không mộng mị, chỉ cần ngủ 4-5 giờ là đủ. Thức dậy đúng giờ đã định và cảm thấy hoàn toàn sảng khoái.
4. Trí nhớ tốt: Nghe thấy qua điều gì là nhớ mãi, nhất là nhớ ơn những người, những vật đã giúp mình. Về phương diện tâm linh, có người nhớ cả tiền kiếp.
5. Luôn luôn hớn hở, vui tươi:  Không bao giờ giận dữ, gặp cảnh khó khăn cũng không than thở. Cho ra mà không sợ mất, bao dung tất cả, xem mọi người là bà con thân thuộc.
6. Phán đoán và hành động nhanh chóng, chính xác:  Sẵn sàng đối ứng thuận hợp với mọi hoàn cảnh. Sắp xếp mọi sự vật có trật tự, ngăn nắp.
7. Thấu hiểu trật tự của Thiên nhiên: Sống chân thật, hiểu lẽ công bằng của trời đất. Tìm cảnh khó khăn để giải quyết và vượt qua với lòng thành và tình thương rộng lớn. Vun đắp hạnh phúc của bản thân, gia đình và đem lại niềm vui cho người khác. Chuyển hóa khổ đau, bất hạnh thành an vui, yên ổn.
Nếu bạn có đủ 7 tiêu chí trên, lúc đó bạn thực sự mới là một người khỏe mạnh.
 
 
(Âm – Dương)
 
 
      Ai trong chúng ta cũng biết muốn sống thì phải ăn, nhưng hầu như ít khi chúng ta trả lời những câu hỏi: Con người nên ăn gì là đúng? Số lượng thức ăn cần dùng là bao nhiêu? Ăn  như thế nào mới là đúng cách?  Ăn uống đúng có mục đích giúp chúng ta sống tự do tự tại với sức khỏe vững bền, có thể ăn ở thế nào cũng được tùy theo trực giác tự nhiên và trí phán đoán nhạy bén mà không sợ điều gì tai hại. Nói chung ăn uống đúng không phải là một lối sống tiêu cực trong những ràng buộc gò bó, mà đó là cách dưỡng sinh tự nhiên, tích cực, đầy sáng tạo, mang tính nghệ thuật, triết lý và giống như tôn giáo.
 
    Đừng hiểu nhầm cách ăn uống hợp với tự nhiên là cách tu ép xác hoặc giáo điều ràng buộc. Về mặt dinh dưỡng, chúng ta không chủ trương ăn chay hay ăn mặn, không đề cao món này hoặc bài bác món kia, ngay cả rượu và thuốc lá cũng không phản đối. Mục đích của phương pháp ăn uống hợp lý là giúp con người hiểu được mối quan hệ giữa mình với vũ trụ cùng nguyên lý căn bản để có thể hòa mình vào thiên nhiên, sống trong cõi vô biên vô tận, vượt qua giới hạn cá nhân hạn hẹp.
      Đừng tưởng rằng suốt đời phải ăn uống kiêng khem theo thực đơn triệt để dành cho người bệnh, mà không biết phạm vi của dinh dưỡng rất rộng, bao gồm tất cả mọi thứ thực phẩm có trong xứ sở được sử dụng một cách khéo léo, biết cách phối hợp cân bằng để cơ thể không bị bệnh. Khi sức khỏe đã vững vàng thì thi thoảng chén một bữa no say cũng chẳng sao.
     Người không thể uống rượu, hút thuốc, không ăn được thịt hay trái cây là người tàn phế. Uống rượu được mà không uống, ăn được thịt mà không ăn là vì thấy không cần thiết cho sự sống mà thôi. Khi chọn cho mình lối sống ngược lại với những quy luật của tự nhiên, chúng ta sẽ không còn là con người đúng nghĩa, mất nhân tính và trở nên yếu ớt, bệnh hoạn, không còn sức làm việc hay vui chơi, nói chung là khốn khổ.
 
     Nhưng thế nào là ăn uống hợp với tự nhiên ?
- Phù hợp với trật tự tiến hóa:  Am hiểu các quy luật tự nhiên, cần hiểu tại sao loài nào lại nên ăn thức ăn tương xứng với đẳng cấp của loài đó. Và vì sao?
- Phù hợp với cách ăn truyền thống: Hiểu được mấu chốt tại sao món ăn thức uống hiện nay càng ngày càng phong phú hơn xưa, nhưng so với các thế hệ tiền nhân chúng ta lại thấy sức khỏe con người càng ngày càng suy thoái dần? Bệnh tật nhiều hơn và khó chữa hơn?
- Phù hợp với trật tự sinh thái:  Thức ăn là chiếc cầu sinh tử nối liền thiên nhiên với con người. Hiểu dược quy luật của thiên nhiên ta sẽ hiểu do đâu mà các vùng miền hình thành những cách ăn uống khác nhau, các loại thực phẩm khác nhau. Từ đó chúng ta sẽ biết cách ăn uống để phù hợp với khí hậu, sinh thái ở nơi mà mình đang sống.
- Phù hợp với thời tiết và mùa: Nhịp điệu tâm sinh lý của con người luôn biến chuyển theo dòng thời gian đang trôi chảy; biết điều chỉnh thực đơn theo mùa, theo những chu kỳ thay đổi của thiên nhiên là điều quan trọng không kém.
- Phù hợp với cơ thể từng người: Cơ thể mỗi người một khác, do đó cũng nên biết điều chỉnh chế độ ăn uống theo giới tính, tuổi tác, khuynh hướng hoạt động, nghề nghiệp, thể chất bẩm sinh và tình trạng sức khỏe, bệnh tật hiện tại.
- Phù hợp với khả năng sản xuất: “Thân thổ bất nhị”, con người gắn liền với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng. Không hiểu điều này sẽ gây nên tình trạng suy dinh dưỡng mặc dù mọi thứ được cho là vẫn đủ đầy.
- Phù hợp với nhân cách: Thiên nhiên nuôi dưỡng con người như bầu tử cung của người mẹ đối với thai nhi, cho chúng ta nước để uống, không khí để thở, thức ăn để nuôi sống cơ thể. Biết ơn thiên nhiên và có ý thức giữ gìn môi trường sinh thái, “Kẻ vô ơn là kẻ đang sống trong cảnh địa ngục”. Có lòng biết ơn những người, những vật đã giúp đỡ mình, chỉ cho mình con đường đi đúng đắn, từ đó biết nên giúp đỡ người khác. Biết ơn cả những nỗi gian nan, khốn khó, kể cả bệnh tật vì nhờ đó chúng ta mới thấy được những sai lầm thiếu sót của mình để có thể tu chỉnh thân tâm. Thay đổi cuộc đời, số phận, hướng tới lẽ công bằng, tự do vô biên và đến với niềm vui sướng, hạnh phúc tràn đầy.
(Các bạn sẽ hiểu rõ những điều này khi tham gia khóa học toàn đồ – miễn phí).
 
(Niềm vui)
 
 
       Có thể nói nguyên nhân phần lớn của cơn khủng hoảng bệnh tật ngày nay là các chất độc hại do con người tạo ra trong môi trường sống và trong món ăn thức uống hàng ngày. Cùng với những hóa chất kích thích cây trồng và vật nuôi, phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, các gia vị tổng hợp làm ô nhiễm môi trường bên trong cơ thể và bào mòn sức khỏe con người.
      Hầu hết lương thực, thực phẩm chúng ta ăn ngày nay đều được sản xuất, chế biến và bảo quản theo cách thức nhân tạo. Lúa gạo là thức ăn chính của chúng ta cũng không còn thiên nhiên nữa, hầu hết đều bị bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu và sử dụng các chất bảo quản. Rau củ và trái cây cũng vậy, ngấm các hóa chất kích thích tăng trưởng, bảo quản,  tuy to đẹp nhưng hương vị nhạt nhẽo và trở nên độc hại. Còn bánh kẹo bày bán ở các cửa hàng, chợ búa làm toàn bằng bột xay xát trắng với đường cát tinh hoặc đường hóa học và tẩm màu nhân tạo. Tất cả những thực phẩm không còn thiên nhiên này tuy không giết người tức khắc, nhưng chắc chắn sẽ làm cho sức khỏe của chúng ta hao mòn dần và là nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật.
 
Trong “Vệ sinh yếu quyết”, danh y Hải Thượng Lãn Ông từng khuyên:
          “Vệ sinh ăn uống trước tiên
          Khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đậm nồng.
          Cao lương tích trệ sinh ung
          Rau tương thanh đạm, đói lòng cũng ngon.
          Ăn nhiều ngũ cốc tốt hơn
          Thịt trà tanh béo sinh đờm, lãi giun.
          Có câu tham thực cực thân
          Bệnh tòng khẩu nhập ta cần phải kiêng.
          Muốn cho ngũ tạng được yên
          Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm giảm đau.
          Chết vì bội thực cũng nhiều
          Ngờ đâu lại có người nghèo chết no.
          Con người phú quý nhàn cư
          Ngày đêm yến tiệc, ăn no lại nằm
          Rượu say rồi lại nhập phòng
          Khỏi sao tích trệ, phạm phòng chết non.”
 
 
     Tại sao những thực phẩm, hoa quả ngâm ướp hóa chất, lại không hề bị hư thối ? Vì các loài vi khuẩn là những sinh vật thông minh, chúng biết không nên ăn những thứ đó sẽ có hại cho chúng. Nhưng những nhà kỹ nghệ thực phẩm lại thông minh hơn, thực phẩm được chế biến theo thủ pháp công nghiệp, trái cây bảo quản bằng hóa chất độc hại, họ chỉ dùng để nhắm đến con người. Vì họ biết con người chúng ta có thể ăn bất cứ thứ gì mà không cần phải suy nghĩ, miễn sao thỏa mãn được cảm giác của mình.?
    Người nào không phân biệt được hương vị thiên nhiên với mùi vị nhân tạo của những món ăn thức uống bán nơi quán tiệm hoặc trong các cửa hàng thực phẩm, chắc chắn phải chịu cảnh khổ đau và bị siết chặt trong mạng lưới giả tạo, sức khỏe dần dần hao mòn rồi chấm dứt cuộc đời trong bệnh tật và những nỗi ưu phiền.

 
(Xuân ở đầu cành đã chứa chan)
 
     
     Những món ăn tự nhiên tuy trông giản dị, đơn sơ mộc mạc nhưng sẽ chứa đựng cả một sự phong phú, những tinh túy của trời, hương thơm của đất ăn vào nghe thanh tao đầu lưỡi, sẽ là cội nguồn của niềm vui và sức sống.
Hương vị thật tinh khiết của thức ăn thiên nhiên, cùng với hương vị của Thiền (ai cũng có thể học) sẽ cho ta những bước chân thảnh thơi trên cõi đường đời nhiều gian khó, sẽ giúp ta thấm đượm chân tánh ban sơ và lòng yêu kính đất trời vũ trụ. Là con đường dẫn đến sức khỏe, những niềm vui, hạnh phúc, bình an và may mắn.
 
     Nếu thể chất không khỏe mạnh, tinh thần không lãng mạn, thì làm sao có thể cảm nhận được, đôi khi hạnh phúc đơn giản chỉ là một buổi trưa hè nằm đu đưa trên võng, đón làn gió mát hiu hiu từ phía sông quê chứ.
   Đời sống không khỏe mạnh, tâm hồn không thương mến, làm sao cảm nhận mỗi sáng mai thức dậy, là có thêm ngày nữa để yêu thương!?
    Khi nhiên nhiên vừa cuốn tấm rèm che, thì làn gió mơn man sẽ là hơi thở thơm mát của Đất, ánh nắng lung linh là tia nhìn trìu mến của Trời.
    Hạnh phúc khi nghe tiếng chim hót không phải là nghĩ đến việc thưởng thức món chim quay. Không hiểu được cái lẽ của trời đất, sao có thể hòa mình vào cái mênh mông vô tận của vũ trụ, nếm trải được niềm vui và phúc lạc vô biên.
 
                    “Tìm Xuân chẳng thấy bóng Xuân sang
                    Giày rơm dẫm nát đỉnh mây ngàn
                    Trở về chợt ngửi hương Mai ngát
                    Xuân ở đầu cành đã chứa chan”!
 
Lão hâm tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
 
Bài liên quan:
Về với yêu thương
Thiền – Năng lượng chữa bệnh
Bảng phân loại thực phẩm theo tính chất âm dương.

 

Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…

  Ý kiến bạn đọc

  • Lê Đình Nội

    Cảm ơn tiên sinh đã đem đến những kiến thức bổ ích ,sâu sắc ...đánh thức sự sự hiểu biết về sức khỏe cho mọi người .Rất mong sẽ còn được tiên sinh dạy bào nhiều điều bổ ích về cuộc sống ,sức khỏe ,đạo đức qua những bài viết sau này của tiên sinh.Năm mới rồi kính chúc tiên sinh nhiều sức khỏe ,an nhiên và nhiều cống hiến cho cộng đồng xã hội

      Lê Đình Nội   dinhnoi386@gmaill.com   02/01/2017 20:52
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây