Kỳ 2: Về với yêu thương
Đâu là những sợi dây trong chiếc đàn cơ thể? Có những sợi dây trong não đã rất căng, tất cả chúng ta đang sống với những sợi dây của óc não đã quá căng thẳng. Chúng căng tới mức chỉ cần thêm một cái chạm khẽ thôi, nhẹ thì sẽ dẫn chúng ta đến stress, trầm cảm, suy nhược, suy nghĩ trở nên bất thường, nặng thì khiến con người đột quỵ, tai biến, tâm thần, có khi điên loạn… những hỏng hóc mà chúng ta khó bề sửa chữa.
Những sợi dây của trái tim chúng ta lại bị quá chùng, ta có biết thứ gì như là tình yêu không? Ta đều biết tức giận, biết căm thù, ta biết ganh tị, ta biết ghét bỏ. Chúng ta có biết thứ gì giống như là tình yêu thương không? Có lẽ ta sẽ trả lời rằng ta biết.
Tại sao ở phương tây người ta lại coi trọng những con chó? Người ta xem chúng như những đứa con của mình. Bởi vì, chúng cho ta cái êm đềm của tình thương, không vụ lợi, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Cho dù ta khó khăn, cho dù ta khốn khó, cho dù ta ích kỷ, cho dù ta xấu xa, cho dù ta có nổi điên lên…thì nó vẫn ở bên ta, quấn quýt bên ta, cho ta cái sự êm đềm của tình thương.
Tại sao trẻ con thường rất đáng yêu? Ai cũng yêu thương trẻ con? Vì chúng yêu tất cả mọi thứ xung quanh mình, chúng cười với tất cả mọi người không cần phân biệt tốt xấu, ta có mắng mỏ thì chúng cũng quên ngay và chơi đùa ngay sau đó. Bởi trong lòng con trẻ luôn tràn ngập cái gọi là tình thương yêu, chúng thương yêu theo cái bản chất vốn sẵn có của tự nhiên. Khi tình yêu hiện diện trong tim, nó không còn chỗ cho sự căm ghét, giận dữ.
Tình yêu đó chỉ bị lệch lạc, bị méo mó đi, khi bị đòi hỏi có điều kiện, khi ý thức của chúng phát triển. Nghĩa là chúng bị ảnh hưởng bởi chúng ta, hay chúng ta đã giáo dục cho chúng đi sai hướng. Khi tình yêu thương của con người không còn là gốc rễ, đã trở nên có điều kiện thì mọi sự bất an, khó khăn, bệnh tật của cuộc đời bắt đầu đổ xuống.
Nói rằng một người có lúc thì sống và có lúc lại chết là điều không thể. Hoặc trái tim chỉ chỉ biết có yêu, hoặc trái tim chỉ biết có ghét. Một đứa bé thơ không thể ghét ai vì trong nó có tình thương yêu. Sự hiện diện của yêu và ghét đồng thời trong một trái tim là điều không thể. Vậy cái mà ta gọi là tình yêu thương là gì?
Khi ghét có mặt ít hơn, chúng ta gọi đó là yêu. Khi sự tức giận có mặt ít hơn, chúng ta gọi đó là thương. Thực ra chúng chỉ là những tỉ lệ lớn hơn hoặc nhỏ hơn của chính bản thân căm ghét và giận dữ mà thôi. Đó chỉ là sự căm ghét, oán trách, giận dữ, chẳng có tí tẹo tình yêu thương nào cả.
Sở dĩ nhầm lẫn xảy ra bởi vì chúng có những mức độ. Do có những mức độ khác nhau cho nên ta có thể nghĩ lầm rằng nóng và lạnh là 2 thứ khác nhau. Chúng không phải là hai thứ khác nhau, nóng và lạnh chỉ là phân độ của cùng một thứ, là tỷ lệ nhiệt, lạnh chỉ là một hình thức khác của nhiệt và của cùng một thứ mà thôi.
Một người đang bệnh, khi căn bệnh giảm đi, người ấy nói rằng họ đã trở nên khỏe mạnh. Nhưng sức khỏe là một điều hoàn toàn khác hẳn. Rất ít người trong chúng ta có thể biết được sức khỏe. Ta biết có nhiều bệnh tật hơn, ta biết có ít bệnh tật hơn. Ta biết bệnh nặng hơn, ta biết bệnh nhẹ hơn, nhưng ta không biết sức khỏe. Ta biết nhiều nỗi bất an, ta biết ít nỗi bất an, nhưng ta không biết sự bình yên, an ổn tràn ngập trong lòng. Chúng ta biết khổ nhiểu, chúng ta biết khổ ít, chúng ta biết giận nhiều, chúng ta biết giận ít ….
Ta có thể nghĩ rằng chỉ đôi khi tức giận mới xảy ra. Ý nghĩ này là sai. Ta luôn tức giận suốt 24 giờ, chỉ là có khi nhiều hơn, có khi ít hơn. Chỉ cần một cơ hội nhỏ thôi, thế là cơn giận của ta sẽ bắt đầu nổi lên bề mặt. Cơn giận đã có sẵn bên trong rồi, nó chỉ chờ một cơ hội để thoát ra bên ngoài. Giống như nước đã có sẵn ở trong giếng, chỉ cần thả gàu xuống kéo lên, ta sẽ múc ra được nước.
Và đôi khi chúng ta cũng trở nên giận dữ ngay cả khi không có lý do nào cả.Ví dụ, một người được nhốt trong phòng kín, cách biệt, có khi anh ta cảm thấy tốt trong căn phòng khóa kín đó, có khi anh cảm thấy tệ; đôi khi anh cảm thấy buồn, đôi khi anh cảm thấy vui, có khi anh cảm thấy nhiều giận dữ, có khi thấy ít giận. Chẳng có lý do nào để biện minh ở đó cả, tình trạng căn phòng vẫn như thế - nhưng điều gì đã xảy ra đối với anh ta? Đó chính là lý do tại sao con người sợ sự cô đơn – vì trong sự cô đơn chẳng có nguyên nhân nào đến từ bên ngoài cả, khi đó mọi cảm xúc đều đến từ bên trong. Bất kỳ một người nào cũng không thể duy trì được sự khỏe mạnh nếu bị cô lập quá 6 tháng.
Những sợi dây trái tim của chúng ta quá chùng. Chúng chỉ phát ra tức giận, ghen ghét, từ chúng chỉ phát ra những thứ méo mó và bất hòa điệu. Những sợi dây trái tim của ta cần được căng hơn một chút để chúng có thể phát ra tình yêu thương, và những sợi dây óc não của ta cần được chùng đi một chút để chúng có thể phát ra sự thông minh và hiểu biết, không phải là sự rối loạn.
(Thiền – Về với yêu thương)
Làm thế nào để thư giãn những sợi dây óc não và làm thế nào để tạo sức căng cho những sợi dây trái tim. Phương pháp để làm điều này chính là cái mà chúng ta gọi là Thiền.
Hành trình của một thiền nhân thì hướng xuống dưới – hướng về nơi gốc rễ. Người ta phải đi từ não hướng xuống tới tim, và từ tim hướng xuống tới rốn. Gốc rễ của cây ở tại trong đất; còn gốc rễ của cơ thể ở tại linh hồn. Chỉ có ở trung tâm rốn ta mới có thể tạo nên sự kết nối.
Thực ra không phải chúng ta không biết về cái trung tâm cội rễ của mình, chúng ta vẫn mường tượng, vẫn từng có cảm nhận về nó. Khi nói về một người rất tốt, ta thường nói người đó có “tấm lòng” cao cả, nghĩa là cái sự tốt của người đó không phải từ não, cũng không phải từ tim, mà nó từ một nơi sâu xa hơn thế. Khi nói những lời chí tình, chí nghĩa, ta thường nói: “lời nói xuất phát từ đáy lòng, nghĩa là lời nói đó không phải xuất phát ở một nơi mang nhiều bề nổi như não, cũng không phải một nơi nhiều vơi cạn như tim, mà nó từ một nơi sâu thẳm hơn thế.
Ký ức của chúng ta, ai cũng có những điều sâu kín, những điều sâu thẳm tự đáy lòng, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay, nó không nằm ở một nơi dễ nói ra như não, không nằm ở một nơi dễ rung động như tim, nó ở sâu tận trong cội rễ của chúng ta. Hầu hết những ký ức về tuổi thơ của chúng ta đều thuộc dạng này, bởi lúc ấu thơ đó, ta đang sống với bản thể tự nhiên của mình, không bị chi phối bởi não hay do tim.
(Thiền sẽ đưa ta Về với yêu thương)
Trong phép tu tiên của Đạo giáo, người ta gọi vùng trung tâm rốn là Đan điền, nghĩa là thửa ruộng để luyện nên những viên linh đan trường sinh bất tử. Trong Khí công gọi vùng trung tâm rốn là Khí hải, nghĩa là nơi tàng trữ biển khí năng lượng mênh mông vô tận của con người.
Thiền định với phương pháp đúng sẽ giúp chúng ta đi từ não xuống tim, và từ tim xuống rốn. Nơi chúng ta nối kết với linh hồn, với nguồn năng lượng sống của mình. Trung tâm năng lượng sẽ chảy tuôn tràn, tái tạo chu trình tế bào gốc, sẽ cho ta cuộc sống khỏe mạnh, yêu đời. Cũng từ trung tâm rốn chúng ta mới có thể mở được cánh cửa kết nối với linh hồn, đi vào được thế giới rộng lớn, cõi tâm của mình. Nơi đó là gốc rễ, sẽ đưa ta trở về tràn ngập với yêu thương. Yêu thương và yêu thương bản thân. Bởi yêu thương là nền tảng của hạnh phúc, là mô liên kết vũ trụ và là yếu tố tạo nên con người. Hãy quay về với bản thể yêu thương sẵn có thẳm sâu trong đáy lòng mình. Từ đó chữa lành mọi vết thương cho tâm hồn và cho thể chất. Hãy cho phép bản thân mình từng phút, từng giây được tái sinh vào cuộc đời mới.
Lão tiensinh.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
Bài liên quan:
Âm dương cứu vãn đời sống – chữa khỏi mọi bệnh tật
Thiền – Năng lượng chữa bệnh
Sẽ chia tâm sự với người bệnh
Nguồn tin: Barbara Ann Brennan, Sogyal Rinpoche, Michio Kushi, Masanobu Fukuoka, Osho, George Ohsawa, Som Sujeera, G.P.Malakhov, Maha Thera Narada, Kinh sách Phật Giáo, Lão Tử, Trang Tử.. Wikipedia, Internet…
Một trong những người hiếm hoi con xin phép được gọi bằng Thầy. Mong Thầy tiếp tục viết những bài bổ ích nữa ạ. Con rất biết ơn.
Con cảm ơn tiên sinh. Bài viết hay quá! Con mong có dịp được gặp tiên sinh.
Cám ơn thầy con đã thấy ánh sáng
Hay quá Thầy ơi. Con cảm tạ ơn Thầy!
Con cảm ơn thầy đã khai sáng cho con. Những bài viết của thầy thật ý nghĩa.