Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm trang này            - Lão hâm tiensinh nên viết tắt là lão tiensinh -       facebook.com/laotiensinhh

Vị Đạo Sĩ có thể chữa khỏi mọi thứ bệnh (P4)

Thứ ba - 22/03/2016 09:56
“Bất cứ một sự cởi bỏ nào cũng làm nhẹ gánh, vật chất là một nô bộc tốt nhưng là một chủ nhân rất xấu”.
 
 
(Thầy và trò trong rừng thẳm)
 
Câu chuyện như sau:
 
      Một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa nên dặn học trò ở lại chăm lo tu hành. Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ, vì nếp sống tu hành thanh bần, tu sĩ chỉ có độc mỗi một miếng khố che thân. Nhưng chiếc khố cứ bị chuột cắn rách hoài nên tu sĩ cứ lâu lâu lại phải đi xin một mảnh vải che thân khác.
Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Tu sĩ đem con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ lại phải lo thêm một phần ăn. Ngoài thực phẩm chay tịnh, tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo. Một tín đồ thấy vậy bèn tình nguyện dâng cúng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò nhưng nuôi được mèo lại không có rơm cho bò ăn. Do đó, ngoài thức ăn khất thực, tu sĩ lại phải đi xin rơm về nuôi bò. Dân làng thấy vậy bèn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò. Tu sĩ ra công cày cấy nên rau trổ thật nhiều, bò ăn không hết, phải mang bán ngoài chợ.
 
       Miếng đất thật mầu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người đến làng giúp. Lạ thay, miếng đất cứ thế sinh sôi nẩy nở, trồng gì cũng tươi tốt và chả mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú.
Tu sĩ có nhiều hoa lợi bèn xây một đền thờ to lớn, đẹp đẽ, thuê thợ khắc tượng, đúc chuông thật vĩ đại, nhưng thời gian tu hành không còn là bao vì tu sĩ phải lo trông nom đồn điền, lo sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, rồi có tiền bạc phải lo đầu tư, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn thêm nữa.
Một hôm, sư phụ trở về không trông thấy túp lều đơn sơ nữa mà thay vào đó một ngôi đền tráng lệ, nô nức khách hành hương, trong đền ồn ào những tín đồ vừa cúng bái vừa buôn bán.
 
      Trông thấy sư phụ, tu sĩ mừng rỡ chạy ra chào. Sư phụ ôn tồn hỏi tại sao lại có sự thay đổi như thế. Tu sĩ trả lời, 'thưa thầy, thật tâm con muốn tu hành nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách áo hoài. Để bảo vệ cái áo, con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải canh tác. Rồi thì trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tiền bạc nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất đền thờ to tát, đúc tượng thật vĩ đại, con còn mướn người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận'.
     Sư phụ thở dài, 'xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tụ tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp, chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Chỉ vì một cái khố rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lệch lúc nào không hay, trói buộc vào các thứ đó rồi làm sao có thể thoát được?'
 
(Hoa vô ưu – Loài hoa đã nở khi Đức Phật đản sinh)
 
 
Ram Gopal yên lặng như đắm chìm vào quá khứ, một lúc sau ông nói thật khẽ :
 
- Các ông thấy câu chuyện thật khôi hài phải không ? Nhưng đó là chuyện thật, vì tôi chính là vị tu sĩ trẻ đó. Sau khi nghe thầy nói xong, tôi tỉnh ngộ, và hiểu con đường tu hành giải thoát chân chính là thế nào. Tôi lập tức rời bỏ tất cả để theo thầy lên núi Tuyết Sơn học đạo. Suốt mấy chục năm tu hành tinh tấn, sư phụ mới sai tôi đến đây thành lập đạo viện này để chữa bệnh và chỉ dạy đệ tử phương pháp tu thân. Vì kinh nghiệm quá khứ, tôi cương quyết chủ trương kẻ đã tu hành phải tuyệt sở hữu và lúc nào cũng phải tự mình kiểm thảo hàng giờ, hàng phút vì sai một ly là đi một dặm.
 
Mọi người ngồi yên tưởng tượng ra cảnh một đạo sĩ trẻ tuổi trước sự cám dỗ của thành công vật chất. Giáo sư Mortimer lên tiếng :
 
- Theo ông thì ngoài vấn đề vật chất, người tu còn gặp những khó khăn gì nữa ? Từ bỏ vật chất có đem lại giải thoát không ?
 
- Bất cứ một sự cởi bỏ nào cũng làm nhẹ gánh, vật chất là một nô bộc tốt nhưng là một chủ nhân rất xấu. Nhiều người tu vô tình quá chú trọng đến tiền bạc mà quên rằng đồng tiền có hai mặt. Nhiều người cho rằng sử dụng vật chất là để phát huy tôn giáo, giúp đỡ các tín đồ có nơi tu học. Dĩ nhiên, mục đích rất tốt đẹp, nhưng nếu quá chú trọng vào hình thức sẽ đưa đến sự xao lãng vấn đề tinh thần. Một tu sĩ cần phải ý thức rằng mình vẫn là kẻ đang đi trên đường, đang cố gắng tìm kiếm chân lý hầu được giải thoát, chứ chưa đi trọn con đường, thì đừng đòi làm những việc to lớn. Họ chỉ nên làm việc một cách nhiệt thành nhưng không nên làm nô lệ cho những công việc này. Một trở ngại lớn trên đường đạo là sự thiếu nhiệt thành, đa số chúng ta đều quen buông lung, do dự, không đủ cương quyết nên sẽ phải trải qua những kinh nghiệm chua cay, khổ sở để học hỏi các bài học quý giá này. Tất cả chúng ta vẫn đồng ý rằng cuộc đời là ảo mộng, phù du, vô thường, gỉa tạo chỉ có con đường tu hành mới là giải thoát thế nhưng tại sao chúng ta vẫn chạy theo vật chất, chả chịu tu tâm dưỡng tánh ?
 
Giaó sư Mortimer phản đối :
 
- Người tu hành và kẻ thường khác nhau nhiều, chúng tôi còn phải lo sinh kế, kiếm ăn…
 
Ram Gopal mỉm cười :
- Một ngày có 24 giờ, có lý nào vì sinh kế mà các ông phải dành trọn để lo việc kiếm ăn. Tại đạo viện này, mọi người chỉ bỏ ra một giờ để trồng trọt các thực phẩm thì vẫn đủ kia mà. Ta dư ăn thì lại muốn ăn ngon, đủ sống thì lại muốn sống cho sang giàu, được giàu sang lại muốn giàu hơn nữa. Rồi ta lại nguỵ biện rằng phải lo kiếm ăn, sinh kế có phải thế không ? Người Âu Mỹ hoạt động không ngừng, coi sự làm việc là nguồn vui, do đó mới sinh lắm bệnh tật, phiền não, thần kinh suy nhược, vì nhu cầu tâm linh không thoả mãn. Tại sao ta không hoạt động như thế cho nhu cầu tâm linh?
 
- Người Âu không thể chấp nhận vấn đề làm việc cho một cái gì mơ hồ, cho một viễn ảnh tâm linh không thực tế.
 
Ram Gopal lắc đầu :
- Khi nào đời sống vật chất trở nên cực kỳ phức tạp, phiền não thì con người sẽ ý thức đến vấn đề tâm linh. Đã có nhiều vị tiểu vương, triệu phú từ bỏ tất cả tài sản để vào đây tu hành khi mạng sống của họ bị đe doạ bởi bệnh tật, vì họ biết không thể ôm lấy tài sản rồi chết. Sau khi từ bỏ tất cả, đầu óc thoải mái thanh thản, họ lại thấy việc trau dồi tâm linh là quý, thế là họ phát nguyện tu hành, sống một cuộc đời trong sạch, ung dung, tự tại. Nếu chỉ là miếng ăn thì chỉ cần làm việc khoảng một giờ là đủ rồi, nhưng vì không biết an phận nên mới có các trói buộc vào vật chất, không lối thoát. Các ông cho rằng tu hành chỉ cần ăn mặc đẹp đẽ, đi đến các đền thờ dâng cúng phẩm vật, tiền bạc, đọc vài câu kinh là đã đủ hay sao? Những cái đó chỉ là hình tướng bên ngoài, không có nghĩa chi hết. Ngay cả việc trở nên môt tu sĩ mà không chịu tu thân, trau dồi tâm linh cũng vô ích thôi vì các phiền muộn đau khổ vẫn còn kia mà.
 
 
(Đạo sĩ An Kỳ Sinh trên núi Yên Tử - Quảng Ninh)
 
 
- Như thế thì thế nào mới là tu hành thật sự ?
- Bước vào con đường đạo là tự sửa mình, thấy gì ác không làm, thấy gì thiện thì nhất định làm cho đến cùng. Luôn luôn tự giác, kiểm thảo lấy mình và quan sát, học hỏi không ngừng. Nếu các ông buôn bán, thấy có lợi các ông có dồn sức ra buôn bán nữa không ? Dĩ nhiên là có, thì việc tu hành cũng thế, tại sao ta không lo cho nhu cầu tinh thần như ta đã lo cho vật chất? Tại sao ta lại cứ hứa hẹn nay mai
 sẽ sửa tánh, tu thân như người khất nợ vậy ?
      Tu hành không phải việc chơi mà làm một cách cẩu thả. Đó là một quyết định quan trọng vô cùng. Đừng nghĩ bộ áo có thể làm nên nhà tu, đừng nghĩ mình sẽ được một đấng nào giúp đỡ, đó là một sự hiểu lầm tai hại. Đa số các tín đồ đều mong chờ sự gíup đỡ của đấng mình tôn thờ. Họ cho rằng thuộc lòng các câu kinh, thi hành vài nghi lễ, dâng cúng các phẩm vật là đã làm tròn bổn phận và sẽ được cứu rỗi. Nếu điều này đúng thì các bậc vua chúa đã lên thiên đàng hết cả vì họ dâng cúng nhiều hơn mọi người kia mà.
      Tu hành đòi hỏi sự tận tâm, tận lực cải thiện con người của mình để xứng đáng là con của thượng đế, chứ không phải dựa vào vài hình thức bên ngoài. Đa số tín đồ coi việc tu như đi xe buýt, muốn đến đâu chỉ việc mua vé rồi leo lên xe ngồi, ngắm cảnh vật hai bên đường, ung dung cho tài xế lái, khi đến nơi, là họ xuống xe không chút mệt nhọc gì hết. Tu hành chân chính là tự mình cất bước. Thiên đàng hay cõi Niết bàn không phải nơi mà ta có thể mua vé đến, cũng không thể mong dâng cúng vài thứ mà được các vị thần linh che chở. Giải thoát chỉ đến với sự tinh tấn riêng
của từng người.
      Khi hiểu như thế ta cần lập tức lên đường không chậm trễ. Hãy lấy niềm tin làm bạn đồng hành, tận dụng các cơ hội sẵn có để sửa mình hầu giải thoát cho chính mình. Con đường tu có trăm nẻo đi, không nẻo nào giống nẻo nào nhưng tất cả đều đưa đến mục đích. Sự chọn lựa con đường hoàn toàn do cá nhân nhưng họ cần suy ngẫm cẩn thận để khỏi lầm đường, lạc nẻo. Tu hành chân chính dựa trên căn bản "tự biết mình", vì trên đường đạo không có vấn đề vinh hay nhục, mà chỉ có sự tiến bộ.
Do đó, người tu phải dẹp bỏ tự ái, ngã mạn, mặc cảm, không hổ thẹn, ngã lòng để tinh tấn tiến bước. Nếu sa ngã lại đứng dậy và tiếp tục, lúc nào cũng định hướng không để cho lầm đường lạc lối. Những kẻ tự cao, tự đại không chịu tu thân sửa mình, thật đáng thương vì họ giống như người bệnh sắp chết, mà không chịu uống thuốc xả ly, dứt bỏ cho khỏi bệnh.
 
 

 
      Ram Gopal ngừng nói, chiều xuống đã lâu chỉ còn vài tia nắng vương vấn trên thân thể cực kỳ lực lưỡng của vị đạo sĩ xứ Ấn. Phái đoàn yên lặng bái phục sự giải thích chân lý thật giản dị, khiêm tốn của người mà dân chúng coi là "vị đạo sĩ có thể chữa mọi thứ bệnh". (Hết. Hành trình về phương đông)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây